Các hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20.000km chủ phương tiện cần biết
Bảo dưỡng xe ô tô là công việc được tiến hành định kỳ để đảm bảo trạng thái vận hành tốt và sự an toàn cho xe. Tìm hiểu các hạng mục bảo dưỡng 20000km cho ô tô giúp hạn chế những hư hỏng lớn, đồng thời gia tăng tuổi thọ của xe.
Để ô tô luôn vận hành ổn định, phòng ngừa những hư hại lớn chủ phương tiện cần bảo dưỡng xe định kỳ. Có nhiều cấp độ bảo dưỡng ô tô phụ thuộc vào quãng đường di chuyển hoặc thời gian sử dụng. Ở mỗi cấp độ sẽ tương ứng với các hạng mục bảo dưỡng khác nhau. Vậy các hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20.000km gồm những gì?
1. Bảo dưỡng xe ô tô là gì?
1.1. Khái niệm
Cũng giống như các phương tiện hay máy móc khác, xe ô tô sau thời gian vận hành thì các chi tiết, bộ phận cấu thành bị hao mòn. Điều này làm giảm hiệu quả hoạt động, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do đó, bảo dưỡng ô tô là biện pháp cần thiết để kiểm tra, sửa chữa hay thay mới các bộ phận hư hỏng, hoạt động kém ổn định.
Hiểu đơn giản bảo dưỡng xe ô tô là công việc được thực hiện định kỳ để đảm bảo trạng thái kỹ thuật, cũng như sự an toàn cho ô tô. Bảo dưỡng ô tô gồm bảo dưỡng phục hồi hệ số kỹ thuật cho các chi tiết và thay thế các chi tiết đã hỏng.
1.2. Các cấp bảo dưỡng xe ô tô
Bảo dưỡng xe ô tô thường thực hiện định kỳ theo số km đi được hoặc số tháng/năm. Kỳ hạn nào đến trước thì bảo dưỡng xe theo kỳ hạn đó. Các kỳ hạn chính là các cấp bảo dưỡng ô tô. Cấp khác nhau sẽ thực hiện các hạng mục bảo dưỡng ô tô khác nhau. Đối với xe ô tô thông thường có các cấp bảo dưỡng được tính dựa trên quãng đường di chuyển như: 5.000km, 10.000km, 20.000km, 40.000km, 80.000km hoặc theo thời gian khoảng 6 tháng/lần.
1.3. Bảo dưỡng cấp 20.000km
Giống như tên gọi, bảo dưỡng ô tô cấp 20.000km là bảo dưỡng cấp trung bình. Xe được tiến hành bảo dưỡng sau khi đi 20.000km hoặc 12 tháng kể từ lần bảo dưỡng cùng cấp trước. Tùy theo khuyến cáo của từng hãng mà kỳ bảo dưỡng ô tô có thể là 20.000km đến 30.000km.
1.4. Lợi ích của bảo dưỡng xe ô tô
Bảo dưỡng ô tô định kỳ giúp hạn chế những hư hỏng, nâng cao tuổi thọ cũng như đáp ứng các quy định về an toàn và môi trường. Các lợi ích của bảo dưỡng xe ô tô có thể kể đến như:
- Phát hiện kịp thời các hỏng hóc để khắc phục: việc hao mòn các chi tiết, hệ thống của ô tô là điều không tránh khỏi trong quá trình sử dụng. Điều này tiềm ẩn những rủi ro hư hại gây mất an toàn khi điều khiển xe. Do đó kiểm tra bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề để sửa chữa hay thay mới giúp xe luôn an toàn trên mọi chặng đường.
- Kéo dài tuổi thọ của xe: đối với từng mẫu xe nhà sản xuất sẽ đề xuất các thời điểm bảo dưỡng để tối ưu trong quá trình vận hành giúp khắc phục kịp thời những hư hại đồng thời nâng cao tuổi thọ của xe.
- Tiết kiệm chi phí: so sánh giữa chi phí bảo dưỡng định kỳ với chi phí khắc phục những hư hỏng lớn thì tiết kiệm hơn. Nếu một chi tiết bất kỳ của ô tô bị hỏng nhưng không được kiểm tra và phát hiện sớm, có thể làm hư hại liên quan tới các bộ phận khác. Và chi phí để sửa chữa thường rất tốn kém.
- Tạo tâm lý thoải mái khi lái xe: lái một chiếc xe luôn được bảo dưỡng thường xuyên chắc hẳn sẽ yên tâm và thoải mái hơn rất nhiều. Bởi động cơ vận hành êm ái, hạn chế đáng kể những trục trặc bất ngờ xảy ra trong quá trình di chuyển.
- Đảm bảo hiệu lực bảo hành: bảo dưỡng xe ô tô mới định kỳ vô cùng quan trọng. Như vậy sẽ đảm bảo được các quyền lợi bảo hành từ nhà sản xuất.
2. Các hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20.000km
Với mỗi cấp bảo dưỡng sẽ tương ứng với các hạng mục bảo dưỡng đi kèm. Các cấp bảo dưỡng cao hơn sẽ bao gồm cả công việc của những cấp bảo dưỡng thấp. Vì vậy các hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20.000km bao gồm các công việc của bảo dưỡng 10.000km và 5.000km.
2.1. Thay dầu động cơ
Dầu động cơ có công dụng bôi trơn, làm mát, làm sạch, chống gỉ, … cho động cơ của ô tô. Nếu dầu động cơ không được thay mới định kỳ sẽ khiến xe bị nóng máy, động cơ nhanh hao mòn, gây ra hư hỏng. Dầu động cơ được thay thế định kỳ sau mỗi 5000km hoặc 6 tháng. Do đó bảo dưỡng ô tô cấp 20.000km bao gồm cả việc thay dầu động cơ. Tùy theo loại động cơ và khuyến cáo của nhà sản xuất để lựa chọn loại dầu phù hợp. Chỉ đổ đúng loại và lượng dầu mà hãng khuyến cáo.
2.2. Thay lọc dầu động cơ
Vai trò của lọc dầu động cơ trong hệ thống bôi trơn rất quan trọng, có tác dụng loại bỏ cặn bẩn trước khi dầu tham gia vào một chu trình bôi trơn mới. Nếu dầu có cặn dễ gây ra các vết xước, làm hư hỏng bề mặt làm việc bên trong động cơ.
Trong quá trình hoạt động lõi lọc sẽ bị bụi bẩn và cặn bám. Điều này làm giảm hiệu quả lọc, gây ảnh hưởng đến chất lượng dầu nhớt và khiến động cơ vận hành kém trơn tru. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, sau 2 lần thay dầu động cơ thì tiến hành thay lọc dầu. Do đó, trong các hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20.000km bao gồm cả công việc thay lọc dầu động cơ.
2.3. Thay lọc gió động cơ
Nhiệm vụ chính của lọc gió là đảm bảo không khí cung cấp cho động cơ luôn sạch để đốt cháy tối đa nhiên liệu trong quá trình hoạt động. Nếu lọc gió không được vệ sinh và thay thế định kỳ có thể bị tắc nghẹt do bám nhiều bụi bẩn. Điều này cản trở không khí đi vào buồng đốt, ảnh hưởng đến tỉ lệ hoà khí. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất cần vệ sinh lọc gió định kỳ sau mỗi 10.000 km và thay thế định kỳ sau mỗi 20.000 – 30.000 km.
2.4. Thay lọc gió điều hòa
Lọc gió điều hoà ô tô giúp làm sạch bụi bẩn trong không khí trước khi đi vào hệ thống điều hoà xe. Điều hoà xe ô tô có hai chế độ lấy gió là lấy gió trong và lấy gió ngoài. Lọc gió điều hoà sẽ đảm bảo không khí từ ngoài vào luôn được lọc sạch.
Sau thời gian làm việc, màng lọc gió điều hoà ô tô bám bụi bẩn. Điều này gây cản trở lượng gió hút vào và có thể làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống điều hoà trong xe. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến các vấn đề như: điều hoà không mát, lúc mát lúc không, có mùi khó chịu, …
Vì vậy, cần vệ sinh hoặc thay lọc gió điều hoà ô tô định kỳ. Theo đó nên vệ sinh lọc gió điều hoà sau mỗi 5.000 – 10.000km và thay mới lọc gió điều hoà sau mỗi 20.000 – 30.000km.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Những sai lầm khi sử dụng điều hòa ô tô thường hay gặp phải
- Điều hoà ô tô có mùi hôi: Nguyên nhân và cách xử lý
- Nguyên nhân điều hòa ô tô thiếu gas và cách khắc phục
2.5. Bảo dưỡng phanh 4 bánh
Bảo dưỡng phanh là công việc được thực hiện ở mọi cấp độ bảo dưỡng. Phanh ô tô có chức năng hạn chế chuyển động của bánh xe bằng cách tạo ra ma sát. Sau thời gian vận hành, bề mặt má phanh và đĩa phanh bị mòn dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Do đó, cần kiểm tra xem má phanh có hiện tường nứt vỡ hay đĩa phanh có cần láng lại hay không. Bảo dưỡng các chốt phanh bằng việc vệ sinh và tra thêm dầu mỡ bôi trơn. Bên cạnh đó, kiểm tra các cao su che bụi, cuppen phanh để đảm bảo các chi tiết vẫn làm việc ổn định.
2.6. Kiểm tra tổng thể hệ thống gầm
Gầm ô tô có vai trò quan trọng giúp xe vận hành ổn định và an toàn. Toàn bộ hệ thống khung gầm nâng đỡ các bộ phận của ô tô, giúp máy móc liên kết với nhau và hoạt động đồng bộ. Do đó, bảo dưỡng gầm xe ô tô định kỳ là giải pháp giúp đảm bảo cho xe vận hành bền bỉ và ổn định.
Các bộ phận như bánh xe, trục các-đăng, bộ vi sai cần được kiểm tra để chắc chắn vẫn hoạt động bình thường. Các ốc gầm cần được siết chặt để đảm bảo sự chắc chắn trong quá trình vận hành. Kiểm tra tổng thể hệ thống gầm được thực hiện định kỳ 5000km nên cũng nằm trong hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20000km.
2.7. Kiểm tra bugi, ắc-quy và hệ thống đánh lửa
Hệ thống đánh lửa của ô tô đóng vai trò quan trọng trong quá trình đốt cháy hòa khí tạo năng lượng cho xe hoạt động. Khi hệ thống này làm việc hiệu quả, ô tô mới vận hành được trơn tru. Bugi ô tô là bộ phận thuộc hệ thống đánh lửa và ắc-quy thuộc hệ thống điện của xe ô tô. Đảm bảo ô tô không gặp các tình trạng như khó nổ hay chết máy thì chắc chắn bugi và ắc-quy phải hoạt động tốt. Theo đó, ở cấp độ bảo dưỡng ô tô đi 20000km cần thực hiện việc kiểm tra bugi, ắc-quy và hệ thống đánh lửa.
2.8. Kiểm tra nước làm mát, nước rửa kính, dầu hộp số, dầu phanh, dầu cầu, dầu trợ lực lái
Sau thời gian sử dụng, các loại dung dịch trên ô tô thường bị hao hụt, giảm hiệu quả sử dụng. Chủ phương tiện cần kiểm tra dầu nhớt động cơ, nước làm mát, dầu phanh, dầu trợ lực lái và nước rửa kính... thường xuyên để kịp thời bổ sung, thay thế góp phần giúp xe vận hành ổn định. Do đó trong hạng mục bảo dưỡng xe ô tô chắc chắn không được bỏ qua việc kiểm tra các loại dung dịch của ô tô.
2.9. Kiểm tra hệ thống đèn, hệ thống lái, hệ thống điều hòa
Đèn xe cần được đảm bảo luôn hoạt động tốt ở mọi chế độ chiếu sáng, ánh sáng không bị lệch. Hệ thống lái phải làm việc ổn định, không có hiện tượng lệch lái, tay lái nhẹ. Hệ thống điều hòa mang đến sự thoải mái cho người ngồi trong xe, cần duy trì khả năng vận hành êm ái. Các hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ 5000 km. Vì vậy, các hạng mục bảo dưỡng xe ô tô cấp 20.000km cần phải thực hiện.
Nhận biết được các hạng mục bảo dưỡng ô tô đi 20.000km và đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ sẽ khắc phục sớm những hao mòn giúp các hệ thống trong xe có thể làm việc ở trạng thái tốt nhất. Theo đó, chủ phương tiện cần theo dõi số km hay thời gian vận hành để xe được bảo dưỡng đúng kỳ hạn.
Hiện nay, xe điện đang ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, và việc bảo dưỡng xe điện cũng đơn giản, ít tốn kém hơn so với xe xăng. Các chủ phương tiện mong muốn sở hữu ô tô xanh - xe điện và trải nghiệm những dịch vụ hấp dẫn có thể đặt cọc xe điện VinFast VF 8, VF 9 và VF e34 ngay hôm nay để được trải nghiệm những mẫu ô tô điện đẳng cấp của người Việt.
Để có thêm thông hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm và dịch vụ của VinFast vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
* Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo