Hướng dẫn kiểm tra và sửa còi xe ô tô bị hỏng đơn giản nhất
Còi là chi tiết phụ tùng quan trọng trong hệ thống tín hiệu của xe ô tô. Người lái thường dùng còi ô tô như một tín hiệu thông báo về sự có mặt của phương tiện cũng như hướng xe đang dịch chuyển nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2b, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 VNĐ nếu xe không có còi hoặc còi không có tác dụng. Vậy trong trường hợp bị hỏng, cách sửa còi xe ô tô diễn ra như thế nào?
1. Cấu tạo còi xe ô tô
Trên thị trường hiện nay, còi xe ô tô trên được phân chia thành 2 loại chính: còi hơi và còi điện. Theo đó, còi hơi thường được sử dụng trên các phương tiện tải trọng lớn có hệ thống hơi khí nén dùng cho phanh xe. Trong khi đó, còi điện phổ biến hơn ở dòng xe con. Để đảm bảo hiệu suất hoạt động, nhiều đơn vị sản xuất đã lắp đặt trên ô tô từ 2- 3 còi điện.
Còi điện xe ô tô thường được cấu thành từ các bộ phận sau:
- Bộ phận chính gồm: Vỏ, tiếp điểm, tụ điện, tấm thép từ, nam châm điện, trụ điều khiển, đĩa rung, màng rung và cơ cấu điều chỉnh âm thanh.
- Mạch còi điện gồm: còi điện, rơ le còi, ắc quy, khóa điện và nút bấm còi.
Khi chủ xe bật khóa điện và bấm còi, rơ le sẽ đóng tiếp điểm (A). Từ đó, điện được đưa vào để còi có thể phát ra âm thanh. Khi ngừng bấm nút, tiếp điểm của rơle mở cắt mạch điện làm còi dừng kêu.
2. Cách kiểm tra còi xe ô tô bị hỏng
Còi xe ô tô thường bị hao mòn sau một thời gian dài hoạt động. Lúc này, còi sẽ không có âm thanh, tiếng phát ra nhỏ và bị ngắt quãng. Việc xác định chính xác nguyên nhân bị hỏng giúp chủ phương tiện đưa ra hướng sửa chữa tối ưu nhất.
Để kiểm tra tình trạng còi xe ô tô, chủ phương tiện thao tác như sau:
- Xác định vị trí còi trên xe ô tô: Còi xe ô tô thường được trang bị ngay sau lưới tản nhiệt phía trước hoặc gần với bộ tản nhiệt.
- Người dùng tiến hành mở nắp capo và nhấn thử còi để kiểm tra khả năng hoạt động. Với những mẫu xe có nhiều còi, người dùng cần bấm thử lần lượt để xác định chính xác bộ phận bị hỏng.
Bên cạnh đó, chủ xe cũng có thể sử dụng dây mát để xác định mức độ hư hỏng của còi. Cụ thể:
- Trước khi nối dây, người dùng nên cạo sạch nơi gắn còi để tiếp mát hiệu quả hơn.
- Chủ xe hãy dùng đèn thử của một đầu nối mát chạm vào đầu nối BAT. Nếu không xảy ra hiện tượng xẹt tia lửa có nghĩa ắc quy đã bị hở mạch. Ngược lại, nếu xẹt tia lửa, chủ phương tiện hãy chạm đầu dây mát và đầu H. Lúc này, nếu còi kêu có nghĩa rơ le đã bị hỏng.
- Trường hợp còi vẫn không kêu, người dùng hãy đưa dây mát chạm vào cọc bắt dây còi. Nếu còi kêu thì có nghĩa mạch bị hở từ rơ le cho đến bộ phận âm thanh. Ngược lại, nếu còi vẫn không kêu, chủ xe cần tiến hành thay thế.
- Trong trường hợp còi kêu không ngừng, nguyên nhân thường do chạm mát đoạn dây từ rơ le đến nút bấm.
3. Hướng dẫn sửa còi xe ô tô bị hỏng đơn giản
Còi xe không kêu khiến chủ phương tiện lưu thông tiềm ẩn nhiều rủi ro và trái quy định. Nếu nhận thấy dấu hiệu còi bị hỏng, chủ phương tiện cần tiến hành thay thế và sửa còi xe ô tô sớm để đảm bảo an toàn.
3.1. Cách sửa còi xe ô tô phát ra âm thanh nhỏ
Nếu người dùng nhận thấy còi xe phát ra âm thanh nhỏ, đứt quãng, hãy thao tác như sau để sửa chữa:
- Cách 1: Tháo giắc cắm dây điện để kiểm tra còi
Người dùng hãy tiến hành rút toàn bộ giắc cắm dây điện, sau đó vệ sinh sạch sẽ bằng dụng cụ chuyên dụng và lắp ráp lại như ban đầu. Tiếp theo, chủ xe hãy nhờ ai đó bấm lại còi và lắng nghe mức độ hoạt động của bộ phận.
- Cách 2: Thay còi mới
Nếu đã thực hiện đầy đủ các bước trên mà còi xe ô tô vẫn không phát ra tiếng, chủ phương tiện hãy tiến hành thay mới để đảm bảo hiệu suất hoạt động của bộ phận. Theo đó, để duy trì sự tương thích và đúng quy định đã đăng kiểm, người dùng hãy lựa chọn loại còi mới đúng theo thiết kế nguyên bản. Điều này giúp chủ phương tiện tránh bị phạt hành chính do sử dụng sai loại còi theo quy định của Luật Giao Thông.
3.2. Cách sửa còi xe ô tô không phát ra âm thanh
Nếu còi xe ô tô không phát ra âm thanh, chủ phương tiện hãy thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
- Bước 1: Kiểm tra cầu chì còi ô tô
Chủ xe cần xác định được vị trí hộp cầu chì để tìm ra bộ phận này trong hệ thống còi xe ô tô. Lúc này, người dùng có thể tham khảo sổ tay hướng dẫn sử dụng phương tiện để biết chính xác vị trí cầu chì.
- Bước 2: Tháo cầu chì
Nếu tất cả còi xe không kêu có thể là do cầu chì đã bị đứt, hỏng và cần được sửa chữa sớm. Để tháo cầu chì đúng cách, chủ xe có thể dùng kìm mỏ nhọn hoặc kìm mỏ bằng để vặn và rút cầu chì ra khỏi hộp.
- Bước 3: Thay mới cầu chì
Người dùng tiến hành lắp cầu chì mới vào vị trí cũ và kiểm tra khả năng hoạt động của còi. Theo đó, chủ xe có thể tìm, đặt mua cầu chì còi xe chính hãng từ những cửa hàng chuyên cung cấp phụ tùng ô tô hoặc trên các sàn thương mại điện tử.
- Bước 4: Thay thế còi mới nếu cần
Nếu sau khi thay cầu chì mà còi vẫn không hoạt động, chủ phương tiện nên thay mới còi xe ô tô. Để đảm bảo sự chính xác và độ an toàn, chủ phương tiện nên đưa xe tới gara/showroom uy tín để được hỗ trợ kiểm tra, xử lý.
3.3. Cách sửa chữa còi điện khi tháo rời
Trong trường hợp còi điện đã tháo rời, người dùng có thể áp dụng một trong ba cách sau:
- Cách 1: Cuốn lại hoặc thay mới cuộn dây điện từ nếu có hiện tượng cháy, đứt hoặc hở mạch.
- Cách 2: Vệ sinh sạch sẽ tiếp điểm khi có hiện tượng bị cháy rỗ, tiếp xúc không tốt hoặc không tiếp điện.
- Cách 3: Thay mới trong trường hợp các lò xo yếu, gãy, giảm tính đàn hồi.
Nếu chưa có kinh nghiệm tự thay còi tại nhà, chủ phương tiện nên đưa xe tới các gara/showroom uy tín để được kiểm tra và hỗ trợ xử lý. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thay thế âm thanh to/nhỏ của còi thông qua bộ phận ốc điều chỉnh hoặc qua sức căng của lò xo lá, khe hở giữa lõi và khung thép. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi cần dựa trên quy định của Luật Giao Thông đường bộ.
Còi xe ô tô là chi tiết quan trọng trong thiết kế phương tiện. Bộ phận này giúp người tham gia giao thông nhận ra sự có mặt của chủ xe để tránh những sự cố không mong muốn. Nắm rõ cách sửa còi xe ô tô giúp chủ phương tiện lưu thông an toàn và hợp pháp.
Khách hàng có ý định sở hữu xe xanh cũng có thể tham khảo thêm thông tin và đặt cọc VF 8, VF e34, VF 9 online để trải nghiệm khả năng vận hành mạnh mẽ, tính năng thông minh, công nghệ hiện đại được trang bị trên xe và nhận những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
- Quy định về âm lượng của còi điện lắp trên ô tô
- Các loại còi ô tô phổ biến, quy định về sử dụng còi ô tô hiện nay
- Cách lắp đặt còi xe ô tô tại nhà và những lưu ý khi thay mới
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo