Hướng dẫn cách khắc phục rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái
Hệ thống trợ lực lái hỗ trợ lực điều khiển bánh xe, giúp đánh lái vô lăng ô tô nhẹ hơn ở tốc độ chậm và đầm hơn trong quá trình tăng tốc. Đây được xem là một bước tiến vượt bậc trong ngành sản xuất ô tô. Tuy nhiên, hệ thống này có thể gặp vấn đề sau thời gian dài sử dụng, trong đó phổ biến là tình trạng rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái.
1. Nguyên nhân và tác hại khi rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái
Phớt dầu phải làm việc liên tục dưới áp lực của nhiệt độ và áp suất nên sẽ xuất hiện dấu hiệu bị ăn mòn, đứt gãy sau thời gian dài sử dụng. Dầu trợ lực lái theo các vết nứt có thể rò rỉ ra ngoài. Ngoài ra, trong một số trường hợp, tay lái trợ lực có thể bị hỏng do chất lỏng lái không được lọc sạch trước khi bơm vào hệ thống. Chất lỏng trợ lực thường có màu hồng, đỏ hoặc trong và có thể chuyển sang màu đen, nâu khi bị nhiễm bẩn.
Tình trạng rò rỉ chất lỏng trợ lực lái làm giảm sự tối ưu linh hoạt của hệ thống khiến việc chuyển hướng lái của ô tô gặp khó khăn. Người điều khiển xe có thể mất nhiều sức lực và thời gian hơn khi đánh lái từ đường thẳng sang góc cua.
2. Dấu hiệu rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái
Sau thời gian dài sử dụng, mức dầu ở hệ thống trợ lái xe ô tô xuống thấp ảnh hưởng đến khả năng vận hành ổn định của phương tiện. Do vậy, người dùng cần chủ động kiểm tra dầu trong hệ thống lái nếu ô tô có các triệu chứng dưới đây:
- Mức dầu trong bình chứa giảm xuống: Áp suất dầu thay đổi được báo hiệu bởi đèn phát sáng trên bảng điều khiển. Khi nhận thấy dấu mức dầu đột ngột giảm xuống, rất có thể đây là dấu hiệu rò rỉ dầu ở hệ thống lái, người dùng nên đưa xe đi kiểm tra và khắc phục vấn đề.
- Mùi dầu trợ lực: Dầu bị rò rỉ ra ngoài sẽ có mùi tương tự mùi kẹo xốp bị đốt cháy và có thể nhận thấy rõ ràng khi đứng gần xe.
- Vô lăng nặng hơn bình thường: Người dùng nên kiểm tra bình dầu khi điều khiển vô lăng xe nặng hơn thường ngày. Việc đánh lái, chuyển hưởng trở nên khó khăn, mất thời gian và công sức.
- Hệ thống lái phát ra tiếng ồn: Trong quá trình di chuyển chậm, nếu nhận thấy tay lái trợ lực phát ra tiếng ồn thì đây có thể là một trong những dấu hiệu báo hiệu mức dầu trong bình chứa đang giảm
- Vô lăng giật hoặc rung nhẹ: Vô lăng bất chợt giật hay rung nhẹ khi người dùng quay từ hướng này sang hướng khác, đặc biệt trong lúc di chuyển chậm là dấu hiệu bình dầu bị rò rỉ.
- Khó xoay vô lăng: Hệ thống trợ lực lái thiếu dầu sẽ làm việc kém hiệu quả, lái xe từ đó khó quay vô lăng hơn lúc bình thường. Người dùng nên kiểm tra tình trạng mòn của bơm hoặc đường ống dẫn dầu.
- Vết bẩn hoặc vết dầu dưới xe: Lái xe nên kiểm tra bình dầu ngay khi thấy vết dầu loang dưới vị trí đỗ xe. Phớt dầu rò rỉ có thể là nguyên nhân chính của tình trạng này.
- Dưới tay lái có tiếng khó chịu: Khi có tiếng rít lên ở dưới tay lái thì người dùng nên kiểm tra mức dầu trợ lực. Trong trường hợp dưới gầm xe có tiếng “e, e” , rất có thể bạc lái đã mòn và mức dầu quá thấp.
- Trả lái chậm: Thước lái dịch chuyển chậm do giảm áp suất và lượng dầu trong bình ít. Ngoài ra, nếu xéc măng ở thước lái không được bịt kín, dầu sẽ tràn sang các khoang bên cạnh dẫn đến hiện tượng trả lái chậm.
3. Hướng dẫn khắc phục rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái
Sau khi phát hiện rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái qua các dấu hiệu, người dùng nên tiến hành sửa chữa ngay để tránh những hư hỏng nặng nề cho bơm và thước lái.
- Bước 1: Đậu xe trên mặt phẳng và dùng con đội thuỷ lực
Lái xe nên đậu xe trên nền phẳng, nâng xe lên bằng con đội chết để đảm bảo an toàn và có đủ không gian làm việc dưới gầm xe. Trong quá trình thực hiện, người lái cần chặn các bánh xe lại để tránh trường hợp ô tô bị trôi.
- Bước 2: Xác định vị trí bơm trợ lực và siết chặt bulông bắt ống dầu
Người dùng cần xác định đúng vị trí bơm trợ lực khi kiểm tra hiện tượng dầu ở hệ thống trợ lực lái. Theo đó, các rung động khi xe di chuyển có thể làm bu lông bắt ống dầu bị lỏng dẫn đến hiện tượng rò rỉ dầu, người sửa chỉ cần siết chi tiết này lại bằng cờ lê.
- Bước 3: Kiểm tra và có thể thay thế đường ống bị gãy nứt nếu cần:
Các đường ống dẫn dầu từ bình chứa tới bơm và thước lái có thể bị rách, nứt dẫn đến tình trạng rò rỉ dầu trợ lực. Lúc này, chủ xe nên đổi các đường ống mới; đồng thời lưu ý xả trước lượng dầu dư còn trong ống trước khi thực hiện thay mới.
- Bước 4: Kiểm tra và thay bình chứa dầu nếu cần
Bình dầu cũ có thể bị nứt làm rò rỉ dầu khiến mức dầu trong bình bị giảm nhanh. Người dùng lúc này cần thay bình chứa dầu mới nhanh chóng để khắc phục hiện tượng rò rỉ dầu gây ảnh hưởng quá trình đánh lái.
- Bước 5: Kiểm tra và thay thế thước lái nếu cần
Các phốt làm kín gần trụ lái bị hư hỏng cũng làm dầu ở thước lái rò rỉ. Người sửa cần tháo thước lái ra để thay phốt. Tuy nhiên, toàn bộ thước lái phải được thay thế hoàn toàn nếu các thanh răng bị hỏng.
- Bước 6: Châm dầu mới
Sau khi đã thực hiện kiểm tra và thay thế các chi tiết gây hiện tượng rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái, người dùng tiến hành châm dầu mới vào bình chứa, khởi động xe và đánh lái để tạo áp lực đẩy các bọt khí ra khỏi dầu.
4. Các loại dầu ở hệ thống trợ lực lái
Dầu trợ lực lái là chất bôi trơn thủy lực có vai trò quan trọng trong hệ thống trợ lực của ô tô. Chất lỏng bôi trơn này hỗ trợ quá trình truyền năng lượng cho hệ thống lái, giúp người dùng điều khiển vô lăng nhẹ nhàng và thuận tiện. Do vậy, khi chọn dầu ở hệ thống trợ lực lái, người dùng cần lưu ý đảm bảo các tiêu chí:
- Giảm tiếng ồn do sự ma sát các chi tiết gây ra khi xe di chuyển
- Bôi trơn hệ truyền động trong hệ thống lái, ngăn chặn tình trạng tạo bọt trong bơm lái, giúp phương tiện vận hành ổn định.
- Tạo liên kết thủy lực giữa vô lăng và bánh lái để quá trình điều khiển bánh xe của người dùng dễ dàng hơn.
Tính chất dầu trợ lực lái khác với các loại dầu nhớt động cơ hay dầu hộp số. Người dùng chỉ nên thay dầu chuyên dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe để tránh gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống trợ lực tay lái. Trong trường hợp khẩn cấp mà chưa tìm được loại dầu phù hợp, chủ xe có thể dùng tạm dầu hộp số tự động.
Thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm dầu trợ lực lái ô tô như Castrol, Total, Mobil, Esnaoil, Freezetone,... Giá loại dầu này giao động từ 50.000 -180.000 đồng/1 lít. Nếu không tự thay được, chủ xe có thể đưa xe đến gara, với mức chi phí dao động từ 400.000 - 500.000 đồng để thực hiện. Thời gian thích hợp thay dầu trợ lực lái khoảng 5 năm 1 lần hoặc sau mỗi 60.000 - 70.000 km di chuyển.
Nếu không được cung cấp đủ lượng chất lỏng tiêu chuẩn, hệ thống trợ lực lái có thể xảy ra hỏng hóc nghiêm trọng. Do vậy, chủ xe cần lưu ý xử lý hiện tượng rò rỉ dầu ở hệ thống trợ lực lái để đảm bảo khả năng vận hành của xe. Bên cạnh đó, việc bảo hành định kỳ đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện và xử lý kịp thời lỗi.
Sở hữu những tính năng thông minh và kiểu dáng thiết kế thời thượng, xe ô tô điện VinFast chắc chắn sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời của khách hàng trên mọi cung đường. Khách hàng có ý định sở hữu xe xanh VinFast có thể tham khảo thông tin và đặt cọc VF 8, VF 9 và VF e34 online để trải nghiệm khả năng vận hành mạnh mẽ, tính năng thông minh, công nghệ hiện đại của xe và nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
*Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo!
>>>Tìm hiểu thêm:
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo