Phuộc xe ô tô là gì? Phân loại, cách kiểm tra lỗi & hướng dẫn thay đúng cách
Phuộc xe ô tô là một trong những bộ phận quyết định chất lượng vận hành xe như độ êm ái, rung lắc,... Vì vậy, người dùng cần tìm hiểu một số thông tin về bộ phận này và các loại phuộc xe hiện nay để có sự lựa chọn và cách xử lý hư hỏng phù hợp.
1. Phuộc xe ô tô là gì?
Khi ô tô chuyển hướng hoặc đi trên các đoạn đường xấu sẽ chịu những tác động gây rung lắc xe khiến người ngồi bên trong thấy khó chịu và dễ bị say xe. Lúc này bộ phận phuộc xe sẽ phát huy tác dụng nhằm hạn chế sự rung lắc giúp người dùng cảm thấy thoải mái hơn. Vậy, phuộc ô tô là gì?
Phuộc xe ô tô là bộ phận giảm xóc, hỗ trợ và đảm bảo độ êm ái khi di chuyển qua những đoạn đường gồ ghề. Bộ phận này được thiết kế và lắp đặt ở vị trí 4 bánh xe ô tô.
2. Các loại phuộc xe ô tô (giảm xóc ô tô) thông dụng
2.1. Phuộc xe ô tô thông thường
Giảm xóc xe ô tô thông thường có van cố định và chỉ hoạt động hiệu quả trong một khoảng lực xung động nhất định. Do đó, nhiều xe ô tô di chuyển rất êm ở tốc độ 40 km/h, nhưng lại rung xóc ở tốc độ 100 km/h. Cũng có những loại ô tô rất xóc ở 40 km/h, nhưng lại di chuyển êm ở vận tốc 80 km/h. Đa số mức giá của ô tô sử dụng bộ giảm xóc thường này thấp hơn so với các dòng xe sử dụng loại phuộc nhún khác.
2.2. Phuộc xe ô tô điều khiển điện
Phuộc xe hơi điều khiển điện có lỗ (van) có thể thay đổi kích thước bằng điều khiển tự động. Khi di chuyển chậm, lỗ van này sẽ to ra giúp vận chuyển dầu dễ dàng, tạo cảm giác êm ái. Đồng thời, khi chủ phương tiện tăng tốc hoặc cua gấp thì lỗ van sẽ nhỏ lại, giúp chống lại xung lực từ mặt đường và giảm độ nghiêng nên xe bám đường tốt hơn.
Khi di chuyển ở tốc độ thấp, chế độ phuộc nhún mềm thì dung dịch dầu chảy qua cùng lúc 3 van. Nhưng khi xe chạy ở tốc độ cao, 1 hoặc 2 van sẽ đóng lại và làm cho bộ giảm xóc trở nên cứng hơn.
2.3. Phuộc xe ô tô Agility control
Agility control là một công nghệ dựa trên sự linh hoạt của bộ phuộc xe hơi. Cấu tạo của bộ giảm xóc dạng này chỉ có 2 van. Trong đó, 1 van có khả năng thu hẹp gần như đóng kín lại và 1 van mở liên tục. Hai van này kết hợp với nhau nhịp nhàng tạo ra một loại giảm xóc biến thiên hoàn toàn tự động.
Ở tốc độ chậm, van này sẽ mở tạo cảm giác êm ái. Nhưng khi xe vận hành với tốc độ cao, xung lực tại bánh xe lên khung xe sẽ tăng lên, lúc này van thay đổi kích thước và khiến bộ giảm xóc cứng hơn, bám đường tốt và an toàn hơn.
Trường hợp chủ phương tiện đánh tay lái gấp, xung động tại giảm xóc tăng lên và van lập tức đóng lại, giúp giảm nghiêng xe hiệu quả. Ngay cả khi phanh gấp thì giảm xóc trở nên cứng hơn để hấp thụ động năng từ chuyển động quay của xe và có thể giảm quãng đường phanh gấp.
2.4. Phuộc xe ô tô điều khiển bằng nam châm điện
Giảm xóc điều khiển bằng nam châm điện có cấu tạo gần giống với giảm xóc điều khiển điện, nhưng hoạt động theo nguyên lý thay đổi độ đặc của dung dịch dầu phía trong giảm xóc. Hiện nay, một số hãng xe lớn sử dụng loại giảm xóc này, dung dịch dầu được pha với các phân tử nano sắt, gây ra phản ứng nam châm điện, thông qua đó tạo nên độ cứng/mềm linh hoạt.
Ngoài ra, công nghệ giảm xóc này còn được áp dụng vào việc chế tạo gầm xe (chassic) và các điểm định vị ở giữa thân xe (body) trên một số dòng xe hiện đại nhằm tạo sự êm ái cho chiếc xe khi sử dụng hàng ngày.
3. Nhận biết dấu hiệu hư hỏng của giảm xóc ô tô
3.1. Xe bị xóc, rung mạnh khi di chuyển
Phuộc xe hơi đóng vai trò xử lý rung lắc trong quá trình xe di chuyển, đặc biệt là trên những đoạn đường xấu. Tuy nhiên nếu di chuyển trên đoạn đường bằng phẳng, xe vẫn xuất hiện tình trạng này thì chủ phương tiện nên kiểm tra hoặc thay bộ phận giảm xóc ngay.
3.2. Lốp xe mòn nhanh bất thường
Nếu phát hiện các rãnh mòn ở lốp xe ô tô, rất có thể nguyên nhân đến từ bộ phuộc xe hơi. Khi lốp xe mòn không đều chứng tỏ độ ma sát với mặt đường kém, đây là nguyên nhân khiến bộ giảm xóc không phát huy được tối đa chức năng. Do đó, người sử dụng phương tiện nên kiểm tra thường xuyên độ mòn của lốp xe để nhận biết dấu hiệu hư hỏng của phuộc ô tô.
3.3. Tay lái bị rung
Khi xe di chuyển, nếu tay lái của chủ phương tiện bị rung khiến ô tô lệch hướng hoặc bị trượt trên những đoạn đường không bằng phẳng có thể là do bề mặt lốp mòn không đều. Ngoài ra, bộ phận giảm xóc cũng là nguyên nhân dẫn đến trình trạng này.
3.4. Đầu xe nhún mạnh khi phanh gấp
Nếu nhận thấy đầu xe nhún mạnh hoặc bị lắc lư trong quá trình di chuyển, rất có thể đây là dấu hiệu bộ phuộc xe hơi đã bị hư hỏng hoặc yếu đi. Điều này dẫn đến việc chủ phương tiện khó kiểm soát tốc độ khi di chuyển trên những đoạn đường trơn trượt và ẩm ướt.
3.5. Phản ứng chậm khi đạp phanh
Khi phuộc ô tô hoạt động không hiệu quả, xe sẽ phản ứng chậm khi đạp phanh, nghĩa là phải mất nhiều thời gian để giảm tốc độ và quãng đường phanh cũng dài hơn. Vì vậy, khi có dấu hiệu này thì người sử dụng xe nên thay mới phuộc xe hơi ngay lập tức để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.
3.6. Xe bị trượt khi di chuyển
Nếu ô tô bị trượt bánh khi phanh gấp thì đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy phuộc xe ô tô đang gặp vấn đề. Khi bộ phận giảm xóc bị hao mòn, hư hỏng có thể làm giảm độ bám đường của lốp, ảnh hưởng hệ thống lái làm cho vô lăng bị rung, lệch và xe bị trượt,...
4. Cách kiểm tra hệ thống giảm xóc ô tô
Phuộc xe hơi là bộ phận thường xuyên phải hoạt động trong suốt quá trình ô tô di chuyển, khó tránh khỏi việc hư hỏng hay xuống cấp các loại phuộc xe ô tô xảy ra sau một thời gian sử dụng. Vì vậy, việc kiểm tra định kỳ hệ thống giảm xóc ô tô là cần thiết:
Bước 1: Chủ phương tiện đỗ ô tô trên đường bằng phẳng và bắt đầu kéo phanh tay.
Bước 2: Tiến hành quan sát phuộc xe hơi ở vị trí 2 bánh xe trước, nếu xảy ra chênh lệch cao thấp thì chứng tỏ xe có sự cố. Bởi vì thông số chuẩn trên hệ thống treo chính là căn cứ chính xác nhằm xác định độ cân bằng của bộ giảm xóc hai bên.
Bước 3: Người sửa tiếp tục kiểm tra ống nhún, lò xo, đệm cao su, bu lông,... Nếu có dấu hiệu bất thường như hư hỏng, gãy, nứt thì cần tiến hành thay thế phuộc xe hơi ngay lập tức.
5. Hướng dẫn thay thế phuộc xe ô tô đúng cách
Thay thế phuộc xe ô tô cũ là cách giúp xe hoạt động cân bằng và ổn định hơn. Theo đó, quá trình thay thế bộ phận này có thể thực hiện tại nhà nếu có đủ dụng cụ. Dưới đây là hướng dẫn thay phuộc xe ô tô chi tiết: :
Bước 1: Xác định chính xác vị trí phuộc xe hơi.
Phuộc nhún có cầu tạo gồm một ống nhún và một chiếc lò xo, thường nằm cạnh bánh xe và được kết nối với thân xe. Để xác định vị trí, người sửa mở capo và quan sát bên cạnh bánh xe, sẽ thấy được phuộc nhún được bắt cố định trên thân xe bằng 3 đai ốc.
Bước 2: Tháo dỡ bánh xe để có thể dễ dàng tháo phuộc nhún ô tô.
Đầu tiên, cần phải nâng bánh xe bằng con đội thủy lực và dùng con đội chết để cố định bên dưới xe. Tiếp theo, sử dụng súng bắn ốc để mở các bulong và lấy bánh xe ra ngoài.
Bước 3: Tháo rời các chi tiết gắn trên phuộc xe ô tô.
Tiến hành tháo đường ống dầu phanh được cố định trên phuộc nhún, sau đó tháo xi lanh bánh xe. Để tháo phuộc thì người sửa cần phải tháo khung nhỏ giữ các đường ống dầu phanh trước.
Bước 4: Tháo rời ngõng trục ra khỏi phuộc giảm xóc.
Thông thường trên xe ô tô thường có 2 - 3 con bulong cố định ngõng trục với phuộc xe hơi và để tháo chúng người thực hiện có thể dùng súng bắn ốc hoặc cờ lê. Tuy nhiên, các bulong này thường rất cứng do dễ bị gỉ sét. Vì vậy, trước khi tháo bulong có thể dùng bình xịt RP7 để xử lý sạch vết gỉ sét và dùng búa gõ trực tiếp vào phần đầu của bulong để mối ghép lỏng ra.
Bước 5: Tháo dỡ các đai ốc cố định phuộc xe ô tô.
Mở nắp capo và dùng cờ lê để mở đai ốc trên phuộc nhún. Lưu ý không mở đai ốc trung tâm, vì nó có tác dụng giữ cố định lò xo và ống nhún.
Bước 6: Sau khi đã tháo các đai ốc thì có thể lấy phuộc giảm xóc ra ngoài.
Bước 7: Thay thế phuộc xe hơi cũ.
Để tháo được phuộc nhún, người thực hiện nên dùng bộ cảo lò xo để ép lò xo xuống. Lưu ý cần phải siết đều các bulong trên bộ cảo để 2 bên lò xo được ép đều như nhau. Sau đó tiến hành tháo đai ốc trên đầu phuộc xe hơi rồi lấy phuộc cũ ra ngoài.
Bước 8: Thay mới phuộc nhún ô tô.
Người sửa xe bắt đầu thay phuộc nhún mới vào trong lò xo, rồi cố định đai ốc trên đầu phuộc giảm xóc với lò xo và siết chặt đai ốc, tháo cảo lò xo ra ngoài.
Bước 9: Lắp phuộc giảm xóc lên xe hơi.
Đưa phuộc xe vào vị trí cũ rồi cố định phuộc nhún với ngõng trục. Tiếp theo là lắp các chi tiết khác như khung nhỏ giữ đường dầu phanh, thanh cần rồi mới lắp lại bánh xe và hạ đội.
Bước 10: Kiểm tra.
Sau khi hoàn tất người sửa nên kiểm tra một lần nữa để xem các chi tiết đã được lắp đúng vị trí và các bulong đã siết chặt hay chưa. Cuối cùng là lái thử và cảm nhận độ êm ái và ổn định của xe.
Phuộc xe hư hỏng có thể làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác của xe và dễ làm rung tay lái, trượt bánh xe,… gây nguy hiểm cho người lái và người tham gia giao thông. Do đó người sử dụng phương tiện nên thực hiện kiểm tra bảo dưỡng bộ phận này định kỳ để sửa chữa và thay thế kịp thời.
Khách hàng sử dụng xe VinFast có thể đặt lịch bảo dưỡng tại Xưởng dịch vụ VinFast trên toàn quốc. Đây là các địa chỉ hãng thực hiện bảo dưỡng các bộ phận xe ô tô như động cơ, phuộc xe ô tô,... bằng các trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng đội ngũ kỹ thuật lành nghề.
Ngoài ra khách hàng quan tâm thêm về các dòng xe điện thế hệ mới như VinFast VF e34, VF8 và VF9 có thể đăng ký lái thử miễn phí để trải nghiệm và đặt mua cọc xe ô tô thương hiệu Việt ngay hôm nay để nhận được những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast. Để có thêm thông tin hữu ích hoặc cần hỗ trợ tư vấn về sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
- Công nghệ phanh tái tạo năng lượng - ứng dụng thông minh cho xe ô tô điện
- Tìm hiểu về bộ phận giảm chấn ô tô
*Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo.