Kinh nghiệm lên kế hoạch vận chuyển xe ô tô tiết kiệm, hiệu quả
Trong một số trường hợp, chủ phương tiện sẽ cần vận chuyển ô tô đến địa phương khác mà không muốn phải căng thẳng do lái xe đường dài. Khi đó, sử dụng dịch vụ vận chuyển xe ô tô là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để đảm bảo lựa chọn đơn vị vận tải uy tín, an toàn, có thời gian giao nhận và mức chi phí phù hợp, khách hàng nên lên kế hoạch vận chuyển xe ô tô trước khi chính thức đặt dịch vụ và giao xe cho đối tác vận chuyển.
1. Dịch vụ vận chuyển xe ô tô là gì?
Dịch vụ vận chuyển xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ khách hàng di chuyển ô tô từ địa điểm này đến địa điểm khác do các công ty vận tải thực hiện. Hiện nay, các hình thức vận chuyển khá đa dạng, bao gồm vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển. Việc lựa chọn hình thức nào tùy thuộc vào kế hoạch vận chuyển xe ô tô của khách hàng.
1.1. Vận tải đường bộ
Vận tải đường bộ là hình thức vận chuyển ô tô bằng xe chuyên dụng có bọc phủ kín xe và neo đậu chắc chắn, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đây là hình thức được khá nhiều khách hàng lựa chọn bởi thời gian vận chuyển ngắn, hỗ trợ giao nhận xe linh hoạt theo địa chỉ khách hàng yêu cầu.
Với hình thức vận tải đường bộ, khách hàng có thể nhận xe tại địa điểm mới sau khoảng thời gian 3 - 4 ngày kể từ thời điểm xe lăn bánh hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng với bên vận chuyển. Loại hình vận tải này phù hợp với những cá nhân có số lượng xe ít hoặc trường hợp khách hàng cần xe gấp. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển xe ô tô theo hình thức này khá cao.
1.2. Vận tải đường biển
Đây là hình thức vận chuyển ô tô bằng tàu biển, có khả năng vận chuyển số lượng lớn do mỗi thùng container có thể chứa được từ 2 – 4 xe. Do vậy, chi phí vận chuyển cũng tiết kiệm hơn so với các hình thức vận tải khác.
Tuy nhiên, một hạn chế của hình thức vận tải đường biển là thời gian vận chuyển khá lâu, khoảng 8 -12 ngày kể từ thời điểm giao xe. Loại hình vận tải này sẽ phù hợp hơn với những cá nhân, tổ chức có nhu cầu gửi số lượng xe nhiều, hoặc trường hợp khách hàng không cần gấp, muốn tiết kiệm chi phí.
1.3. Vận tải đường sắt
Hiện nay, ngành đường sắt đã chia các toa tàu dành riêng cho việc vận chuyển xe ô tô, giúp đảm bảo chất lượng, an toàn cho phương tiện. Khi sử dụng dịch vụ vận tải bằng đường sắt, khách hàng cần giao nhận ô tô tại ga gửi hàng, không được hỗ trợ giao nhận xe tại địa điểm theo yêu cầu. Tuy nhiên, loại hình vận tải này có chi phí tiết kiệm hơn nhiều so với vận tải đường bộ.
Với loại hình này, thời gian giao nhận xe dự kiến là 5 - 7 ngày, thậm chí đôi khi có thể lên tới 10 ngày. Do vậy, vận tải đường sắt không phù hợp với những khách hàng cần vận chuyển gấp hoặc không thể tự giao nhận xe tại ga. Hình thức này phù hợp hơn với các cá nhân, doanh nghiệp có số lượng xe ít, không cần gấp, muốn tối ưu chi phí vận chuyển.
>> Tìm hiểu thêm:
- Thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện về Việt Nam mới nhất hiện nay
- Tải trọng xe là gì? Những quy định cần biết về tải trọng xe ô tô
2. Kinh nghiệm lên kế hoạch vận chuyển xe ô tô
Để có thể lựa chọn đơn vị vận chuyển xe ô tô uy tín, đảm bảo an toàn, chi phí phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về thời gian và địa điểm giao nhận, khách hàng cần lên kế hoạch chi tiết cho việc vận chuyển xe ô tô.
2.1. Xác định ngày bắt đầu kế hoạch vận chuyển xe ô tô
Trước tiên, khách hàng cần xác định lịch trình cụ thể của bản thân để lựa chọn thời gian giao nhận phù hợp. Để phòng ngừa các trường hợp như giao trễ, rủi ro trong quá trình vận chuyển,… khách hàng nên dự phòng một khoảng thời gian khoảng 1-3 ngày tùy hình thức vận tải.
Khách hàng nên lên kế hoạch càng sớm càng tốt bởi trong một số trường hợp, công ty vận tải không thể nhận hoặc giao xe theo đúng ngày yêu cầu do việc điều phối phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, dịch vụ vận tải sẽ bận rộn hơn vào một số thời điểm trong năm, ảnh hưởng đến giá cước, thời gian giao nhận. Vì vậy, việc lên kế hoạch vận chuyển xe ô tô sớm sẽ giúp khách hàng chủ động, linh hoạt, tối ưu chi phí hơn.
2.2. Chuẩn bị ngân sách phù hợp cho kế hoạch vận chuyển xe ô tô
Một phần quan trọng trong kế hoạch là chuẩn bị ngân sách phù hợp. Việc vận chuyển một hàng hóa cồng kềnh như ô tô sẽ tốn kém chi phí rất lớn. Đặc biệt, trường hợp ô tô là bản giới hạn hoặc giá cả đắt đỏ, chủ phương tiện nên mua thêm các gói bảo hiểm cho hàng hóa vận tải. Việc này sẽ giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại nếu chẳng may có những rủi ro xảy ra trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng đến chất lượng, ngoài hình xe.
Nếu mua thêm gói bảo hiểm vận tải hàng hóa, tổng chi phí vận chuyển xe ô tô sẽ cao hơn. Chủ xe nên cân nhắc giữa chi phí bảo hiểm, giá trị xe và mức bồi thường của các gói bảo hiểm để lựa chọn giải pháp phù hợp. Ngoài ra, chủ phương tiện cũng nên xác minh độ uy tín của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và kiểm tra kỹ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm để tránh bị thiệt khi chẳng may có rủi ro xảy ra ngoài ý muốn.
>> Tìm hiểu thêm: Có nên mua bảo hiểm tự nguyện xe ô tô không?
2.3. Xin báo giá dịch vụ vận chuyển ô tô
Sau khi xác định giới hạn ngân sách, khách hàng cần liên hệ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển xe ô tô để cụ thể hóa kế hoạch và xin báo giá vận chuyển, dịch vụ đi kèm. Mỗi hình thức vận chuyển sẽ có mức giá và các loại chi phí bổ sung khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hiện nay đều bao gồm 2 gói cước chính như sau:
- Gói vận chuyển thông thường: không có sự đảm bảo và bồi thường rủi ro xảy ra trong quá trình vận chuyển;
- Gói vận chuyển linh hoạt: thường có thêm các tùy chọn khác như giao hàng đảm bảo, bảo hiểm rủi ro,...
Khi liên hệ tham khảo báo giá, khách hàng cần cung cấp tất cả thông tin liên quan như tình trạng xe, yêu cầu về thời gian giao nhận, hoặc bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào bởi những điều này đều ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển. Ngoài ra, các báo giá thường chỉ là mức dự kiến dựa trên thông tin khách hàng cung cấp. Chi phí dịch vụ vận chuyển xe ô tô thực tế có thể khác với báo giá mà chủ xe đã nhận được sau khi đơn vị vận tải đánh giá lại.
2.4. Đặt lịch chính thức giao nhận ô tô
Sau khi đã chuẩn bị ngày bắt đầu kế hoạch vận chuyển xe ô tô, dự tính mức ngân sách cho phép và nhận báo giá, khách hàng lựa chọn dịch vụ phù hợp để đặt lịch vận chuyển. Mặc dù đã nhận được báo giá, chủ phương tiện vẫn nên hỏi chi tiết thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của đơn vị vận tải để tránh bỏ lỡ các quyền lợi.
Xe ô tô là loại hàng hóa có giá trị cao, do đó khi giao nhận xe, chủ phương tiện cần yêu cầu đơn vị vận tải ký hợp đồng hoặc thỏa thuận vận chuyển, kèm theo các điều khoản về quyền, nghĩa vụ liên quan. Đây là cơ sở để giải quyết tranh chấp nếu chẳng may có sự cố phát sinh trong quá trình vận chuyển.
2.5. Theo dõi kế hoạch vận chuyển và nhận xe
Để tránh rủi ro và sự cố, khách hàng nên theo dõi kế hoạch và tình trạng vận chuyển thường xuyên để có phương án giải quyết nhanh chóng khi gặp sự cố phát sinh. Trường hợp quá thời hạn khiếu nại, yêu cầu của khách hàng sẽ không được chấp thuận giải quyết và bồi thường.
Khi nhận xe, khách hàng cần kiểm tra toàn bộ xe từ ngoại thất, nội thất, khả năng vận hành và những tính năng, tiện ích khác trước khi ký nhận bàn giao và kết thúc hợp đồng dịch vụ. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, khách hàng cần liên hệ với công ty vận tải càng sớm càng tốt để kịp thời xử lý các thủ tục bồi thường đúng quyền lợi.
3. Chi phí vận chuyển xe ô tô
Do sự khác nhau về thời gian và cách thức vận tải nên chi phí vận chuyển xe ô tô của mỗi hình thức sẽ khác nhau. Trong đó, vận tải đường thủy là hình thức vận chuyển tiết kiệm nhất nhưng thời gian giao nhận lâu, vận tải đường sắt có thời gian, chi phí ở mức trung bình còn hình thức vận tải đường bộ có thời gian giao nhận nhanh nhưng chi phí cao.
Trong 3 hình thức vận tải này, loại hình vận tải đường sắt và đường biển vẫn còn khá nhiều hạn chế về việc giao nhận, thiếu tính linh hoạt, đặc biệt là về lộ trình và địa điểm giao nhận xe. Trong khi đó, loại hình vận tải bằng đường bộ có tính linh hoạt cao, có thể tùy chọn dịch vụ và giao nhận tại địa chỉ mà khách hàng yêu cầu. Bên cạnh đó, chi phí vận tải đường bộ cũng ngày càng được tối ưu hơn, là hình vận tải được nhiều người ưu tiên lựa chọn khi có kế hoạch vận chuyển xe ô tô.
4. Vận chuyển ô tô cần lưu ý điều gì?
Để đảm bảo an toàn và khả năng nhận được bảo hiểm cho những rủi ro, sự cố trong quá trình vận chuyển, khách hàng cần lưu ý một số điều quan trọng.
4.1. Theo dõi lịch trình sát sao
Các đơn vị vận tải sẽ cấp cho khách hàng một mã theo dõi lộ trình (mã tracking) để thuận tiện cho việc kiểm tra và theo dõi lịch trình vận chuyển xe ô tô. Để tránh rắc rối xảy ra trong quá trình vận chuyển, khách hàng nên theo dõi sát sao để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.
4.2. Kiểm tra ô tô trước khi vận chuyển
Trước khi vận chuyển, chủ phương tiện nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ xe, xác nhận đặt chỗ, bảo hiểm ô tô và đăng ký xe. Bên cạnh đó, chủ phương tiện nên lưu ý kiểm tra, tránh để các vật dụng cá nhân có giá trị trên xe để tránh bị thất thoát trong quá trình vận chuyển. Chủ xe cũng có thể kiểm tra mức nhiên liệu và chụp ảnh bất kỳ vết lõm hay vết xước nào trên xe trước khi vận chuyển.
Những kinh nghiệm lên kế hoạch vận chuyển xe ô tô chắc chắn hữu ích khi khách hàng muốn chuyển phương tiện đến địa phương khác có khoảng cách xa so với nơi hiện tại. Khi lên kế hoạch vận chuyển, bên cạnh loại hình vận tải, giá cước, khách hàng cũng nên quan tâm các yếu tố khác, đặc biệt là độ uy tín của nhà cung cấp dịch vụ để lựa chọn đối tác phù hợp, đảm bảo an toàn cho phương tiện của mình.
Khách hàng yêu thích và có nhu cầu sở hữu xe xanh có thể tham khảo thêm thông tin và đặt mua VF e34 hoặc đặt cọc VF 8, VF 9 online để trải nghiệm khả năng vận hành mạnh mẽ, tiện ích thông minh, công nghệ vượt trội trên xe và nhận những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
- Mua xe VinFast tại nhà với chính sách phục vụ tận nơi
- Kinh nghiệm lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi xa
- Tổng hợp kinh nghiệm chạy ô tô điện VinFast đường dài không thể bỏ qua
*Thông tin trong bài mang tính tham khảo.