Hướng dẫn lái xe số tự động cho người mới an toàn
1. Xe số tự động là gì?
Khác với xe số sàn (xe số tay), xe số tự động có thể tự điều chỉnh số sao cho thích hợp nhất với điều kiện vận hành của xe. Cụ thể, hộp số tự động sẽ sử dụng các cảm biến cho phép xe sang số vào thời điểm thích hợp.
Hiện nay có hai loại xe số tự động được sử dụng nhiều nhất trên xe hơi bao gồm: xe có hộp số tự động vô cấp (CVT) và xe sử dụng hộp số tự động có cấp số. Loại hộp số tự động có cấp số tương đối phổ biến và dễ điều khiển hơn.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Cấu tạo hộp số ô tô và nguyên lý hoạt động chi tiết nhất
- Tìm hiểu hộp số CVT và AT loại nào tốt hơn?
2. Hướng dẫn lái xe số tự động cho người mới bắt đầu
Xe số tự động nhìn chung không khó điều khiển, tuy nhiên vẫn cần nắm vững những quy tắc lái xe cơ bản cũng như các ký hiệu trên hộp số để đảm bảo an toàn nhất trong quá trình điều khiển xe...
2.1. Hiểu đúng về các ký hiệu trên hộp số tự động
Nhìn chung, các ký hiệu trên hộp số tự động là giống nhau ở hầu hết các dòng xe hơi. Chúng thường là chữ cái viết tắt của các từ tiếng Anh mô tả chức năng tương ứng. Cụ thể:
- Ký hiệu P (Parking): Sử dụng số P khi động cơ khởi động hoặc đỗ xe.
- Ký hiệu D (Drive - số tiến): Khi khởi động xe, người lái chỉ cần gạt từ P sang D để xe tiến. Xe sẽ tiến khi người lái nhả chân phanh, còn khi nhấn chân ga, xe sẽ tăng tốc. Thông thường trên đường nội đô, bằng phẳng, người lái chỉ cần sử dụng chế độ D.
- Ký hiệu R (Reverse - số lùi): Sử dụng khi cần lùi xe.
- Ký hiệu N (Neutral - số 0): Hay số “mo”, là trạng thái tự do của xe, động cơ xe hoạt động nhưng bánh xe không di chuyển. Số N chỉ dùng khi bảo dưỡng hoặc sửa xe.
- Một số ký hiệu số tự động ô tô mở rộng:
- D1 - D2 - D3 (hoặc OD - overdrive): Với các cung đường khó, gập ghềnh hay dễ sụt lún, các chế độ lái D1, D2, D3, OD giúp tăng mô-men xoắn, hỗ trợ xe tăng tốc độ.
- Ký hiệu M (Manual): số tay hay số sàn, thường có thêm dấu “+” (biểu thị tăng số) hoặc dấu “-” (giảm số)
- Ký hiệu S (Sport): chế độ lái Sport thường gặp với các mẫu xe thể thao. Chế độ này giúp động cơ xe mạnh mẽ, tốc độ, mang tới cảm giác phấn khích cho người lái
- Ký hiệu L (Low): chế độ số thấp, dùng khi xe lên xuống dốc hoặc chở vật nặng
- Ký hiệu B (Brake): tương tự L, có tác dụng hãm xe mà không cần rà phanh liên tục, đặc biệt khi phải xuống dốc
2.2. Hướng dẫn lái xe số tự động
Dưới đây là hướng dẫn lái xe số tự động chi tiết từng bước dành cho người mới bắt đầu. Trong quá trình lái, người điều khiển xe số tự động cần chú ý chân phanh, chân ga cũng như cách điều khiển cần số.
- Bước 1: Đặt chân phải lên chân phanh (bàn đạp bên trái) và nhấn xuống.
- Bước 2: Sử dụng chìa khóa hoặc nút khởi động để khởi động xe. Lúc này chân phanh vẫn đang được giữ.
- Bước 3: Tiếp tục vừa giữ chân phanh vừa di chuyển cần số về D (nếu muốn để xe tiến) hoặc R (nếu muốn lùi lại).
- Bước 4: Sau đó, người lái nhấc chân ra khỏi phanh. Lúc này, xe sẽ tự động tiến về phía trước một cách nhẹ nhàng, phù hợp với việc lưu thông ở tốc độ thấp hoặc đỗ xe. Nếu muốn di chuyển nhanh hơn hoặc leo dốc, người lái có thể nhấn chân ga.
- Bước 5: Trong quá trình di chuyển, hộp số ô tô sẽ tự động chọn số chính xác cho từng điều kiện vận hành, hoặc người lái tự điều chỉnh các nút trên hộp số bán tự động
- Bước 6: Khi xe dừng lại, nhấn giữ chân phanh và chuyển về số P, sau đó tắt máy và rời khỏi xe
3. Một số lưu ý khi lái xe số tự động
Có hai điểm mà người lái xe hộp số tự động cần hết sức lưu ý, đó là các thao tác gạt cần số và nhấn giữ chân phanh, chân ga của xe.
3.1. Lưu ý về gạt cần số
- Trước khi mở động cơ xe, người lái phải đặt cần số ở P rồi đạp hết bàn đạp phanh và kéo phanh tay.
- Khi xe di chuyển, không chuyển cần số sang N để tránh vô tình cần số bị chuyển về P hoặc R, hoặc xe mất phanh từ động cơ
- Khi xe đứng yên và động cơ đang hoạt động, cần đạp hết bàn đạp phanh trước khi chuyển vị trí cần số. Thao tác này sẽ để ngăn xe vọt lên phía trước. Bạn chỉ nên nhả phanh khi đã sẵn sàng để lái xe đi.
3.2. Lưu ý về chân phanh và chân ga
- Khi chuyển cần số từ số này sang số khác hoặc từ N sang số khác, luôn đặt chân lên bàn đạp phanh, nhằm tránh khả năng mất điều khiển xe. Tuyệt đối không đạp chân ga khi chuyển số.
- Luôn dùng chân thuận để đạp phanh (thường là chân phải) để ngay lập tức xử lý những tình huống khẩn cấp.
- Không cùng lúc đạp cả chân ga và chân phanh bởi nó sẽ gây mòn má phanh bất thường, giảm hiệu quả của phanh. Nếu xe đang dừng, nó có thể gây hỏng hộp số tự động.
- Giữ sàn xe gọn gàng, tốt nhất không đặt đồ vật dưới sàn xe, tránh gây kẹt bàn đạp phanh/bàn đạp ga.
- Nên đi giày đế bằng thay cho giày cao gót hoặc dép để đạp chân phanh, chân ga thuận lợi hơn, tránh gây cản trở quá trình điều khiển xe.
Thông qua hướng dẫn lái xe số tự động cho người mới như trên, người dùng có thể biết được những kiến thức căn bản và các lưu ý cần thiết để điều khiển loại xe này an toàn.
Khách hàng quan tâm các dòng xe xanh có thể tham khảo thêm thông tin để đặt mua VF e34 hoặc VinFast VF 8, VinFast VF 9, sở hữu mẫu ô tô điện thông minh và chinh phục mọi hành trình cùng VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected].
>> Tìm hiểu thêm:
- Hướng dẫn sử dụng hộp số tự động Steptronic các dòng xe VinFast
- Ưu, nhược điểm của hộp số tự động vô cấp CVT
- Ưu và nhược điểm của 4 loại hộp số ô tô phổ biến hiện nay
* Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo