Điều cần biết về lớp sơn ô tô - Một số sự thật thú vị về sơn xe
Sơn xe được xem là diện mạo của ô tô, được liệt vào một trong năm yếu tố hàng đầu có thể ảnh hưởng đến giá trị của một chiếc xe. Về công năng, sơn xe bảo vệ hệ thống khung xương kim loại của ô tô. Về vị trí, nó là lớp ngoài cùng phủ lên bề mặt nguyên thuỷ của xe. Do đó, bất cứ ai sở hữu xe ô tô đều nên trang bị những điều cần biết về lớp sơn ô tô dưới đây.
>> Tìm hiểu thêm: Phòng sơn ô tô: Cấu tạo và lợi ích của phòng sơn sấy tiêu chuẩn
1. Những điều cần biết về lớp sơn ô tô
Màu sơn xe có thể bị bạc hay xước trong quá trình sử dụng. Do đó việc hiểu biết về thành phần và cấu tạo sơn xe ô tô là điều cần thiết đối với chủ xe.
1.1. Công dụng của lớp sơn ô tô
Lớp sơn ô tô vốn nhạy cảm, rất dễ bị xước trong quá trình sử dụng. Việc sơn xe sẽ giúp khắc phục những vết xước, vết loang hoặc những vị trí không đều màu của ô tô. Dưới đây là một số lợi ích của việc sơn xe:
- Mang đến diện mạo mới: Việc sơn xe sẽ giúp khắc phục tình trạng sơn xe bị phai màu, bạc màu, nứt nẻ hoặc bong tróc, mang đến diện mạo mới đẹp hơn, thẩm mỹ hơn cho ô tô.
- Được chọn màu yêu thích: Các dòng sơn xe có bảng màu khá đa dạng và phong phú giúp chủ xe có thể lựa chọn màu sơn yêu thích để “tân trang” lại ô tô. Đây cũng là một cách để người dùng thể hiện cá tính, phong cách riêng cho mình.
- Dễ dàng vệ sinh: Sơn xe giúp người dùng dễ dàng lau chùi, vệ sinh nhờ khả năng chống nước, chống rêu mốc và có độ phủ cao.
- Thể hiện “sức khoẻ” của xe: Ngoài việc mang đến diện mạo mới, màu sơn xe cũng thể hiện trạng thái của xe. Nếu chủ phương tiện không quan tâm bảo dưỡng xe định kỳ và toàn diện từ trong ra ngoài thì theo thời gian, ô tô trở nên cũ kỹ và các bộ phận không hoạt động trong trạng thái tốt nhất.
- Bảo vệ các bộ phận bên trong ô tô: Lớp sơn xe là lớp ngoài cùng của chiếc xe có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống khung xương kim loại của ô tô.
- Thể hiện cá tính riêng: Chủ xe có thể tạo các họa tiết 3D, hiệu ứng độc đáo với nhiều lớp sơn để tạo chiều sâu.
1.2. Thành phần cấu tạo lớp sơn ô tô
Lớp sơn của xe ô tô là một hợp chất vô cơ hoặc hữu cơ được phủ ngoài cùng của bề mặt xe. Cấu tạo lớp sơn ô tô có 4 thành phần chính như sau:
- Keo nhựa
Keo nhựa ở dạng lỏng màu trong suốt và có độ nhớt tích hợp nhiều phân tử gốc tự nhiên hoặc tổng hợp để tạo nên màng sơn. Sau khi sơn được phủ lên ô tô, màng sơn được hình thành và chuyển trạng thái từ lỏng nhớt sang rắn chắc. Keo nhựa lúc này sẽ quyết định tính chất bám dính, độ bền cơ học, chịu thời tiết, chịu hoá chất, nước, nhiệt, v.v của sơn.
- Bột màu
Là thành phần chính của sơn, bột màu có dạng những hạt rắn mịn, nhỏ phân tán đều trong môi trường sơn. Thành phần này có công dụng tạo màu sắc nhất định.
- Dung môi
Dung môi thường có dạng chất lỏng và là thành phần chủ chốt trong quá trình sản xuất và thi công sơn. Quá trình sản xuất sơn cần dung môi để hoà tan chất tạo màng sơn phủ. Dung môi chuẩn phải đáp ứng được các yêu cầu: khiến dung dịch có độ nhớt thích hợp trong việc bảo quản và sử dụng, tốc độ bay hơi hợp lý, mùi chấp nhận được, ít ảnh hưởng đến sức khoẻ được coi là một dung môi tốt.
- Chất phụ gia
Chất phụ gia là thành phần cần thiết trong cấu tạo sơn, thường được sử dụng với một lượng nhỏ dưới 1% để cải thiện chất lượng bảo vệ của sơn. Cũng chính vì thế mà nhà sản xuất khó xác định được thành phần hoá học rõ ràng. Chất phụ gia được phân loại theo chức năng như: phá bọt, phân tán van, thấm ướt bột màu, chống nhăn, chống tia UV, chống lắng, chống rêu mốc, v.v.
1.3. Phân loại các lớp sơn ô tô
Độ dày lớp sơn ô tô được tạo bởi các lớp cơ bản như sau:
- Sơn lót (Primer)
Giống như khi sơn tường nhà, sơn lót được người dùng sử dụng để tạo bề mặt lớp nền cho sơn lên màu chính xác. Nếu không sơn trước một lớp lót, lớp sơn màu sẽ không bám chắc chắn lên bề mặt kim loại của khung ô tô. Do đó lớp sơn lót cũng có thể coi là lớp liên kết tạo độ bám dính giữa sơn màu và khung xe.
Thông thường sơn lót xe ô tô thường có màu xám hoặc màu đen. Người dùng có thể chà nhám bề mặt trước khi sơn để lớp sơn lót và các lớp sau bám dính được tốt hơn. Trong trường hợp chỉ bị lỗi ở một khu vực nhỏ, chủ xe có thể sử dụng sơn lót dạng xịt tiện dụng thay vì đầu tư một thùng sơn mới để tiết kiệm chi phí.
- Sơn màu (Base coat)
Sau khi sơn lớp lót nền, lớp sơn màu được phủ lên và sẽ là màu sắc của xe sau này. Do đó khi sơn màu, đơn vị bảo dưỡng thường đưa xe vào khu vực phòng chuyên dụng nhằm tránh các yếu tố nhiệt độ gây nổi bọt khí hoặc lớp sơn bám bẩn khi chưa khô hoàn toàn.
- Sơn bóng (Clear coat)
Thông thường sau bước sơn màu, xe sẽ được phủ một lớp sơn dầu bóng có tác dụng giúp cho bề mặt màu sơn được bảo vệ và trông sáng bóng. Sơn phủ bóng có màu trong suốt, chúng có chứa các chất hoá học giúp bám dính lên bề mặt tốt hơn. Sau khi sơn phủ bóng là người thực hiện gần như đã hoàn thành xong diện mạo mới cho ô tô.
>>>Tìm hiểu thêm: Đánh bóng màu sơn xe ô tô: Quy trình, lưu ý và thời điểm nên đánh bóng
- Sơn mài (Acrylic lacquer)
Hiện nay trên thị trường khá hiếm dòng sơn mài bởi nó được coi là lỗi thời nên các nhà sản xuất ngưng cho ra sản phẩm. Tuy nhiên dòng sơn mài vẫn được sử dụng đối với các dòng xe cổ để đảm bảo độ bền cho bộ khung cũng như bảo vệ xe khỏi ẩm mốc. Các kiểu sơn và màu sơn hiện đại không phù hợp nên sơn mài là sự lựa chọn để tân trang các dòng xe cổ này.
- Sơn đặc biệt (Specialty):
Tuy không hiếm như sơn mài nhưng sơn đặc biệt cũng không quá phổ biến như sơn phủ bóng. Sơn đặc biệt có các phiên bản màu đặc biệt hơn bảng màu cơ bản thông thường và được sử dụng cho các dòng xe thể thao.
2. Một số sự thật thú vị khác về lớp sơn ô tô
Lớp sơn ô tô có thể bị phai màu hoặc bong tróc do yếu tố chủ quan của người dùng. Hay tình trạng sơn của một chiếc xe quyết định giá trị ô tô là những điều thú vị mà nhiều người có thể không biết tới.
2.1. Rửa xe nhiều có thể gây hại đến lớp sơn ô tô
Rửa xe định kỳ giúp xe luôn sạch sẽ trông như mới và làm tăng tuổi thọ ô tô. Tuy nhiên rửa xe quá nhiều có thể ảnh hưởng tới lớp sơn xe do trong quá trình thực hiện, chủ xe có thể chà xát quá mạnh gây xước lớp sơn. Ngoài ra, hiện nay người dùng thường xịt rửa bằng máy áp suất cao. Nếu người rửa xe không có kỹ năng với dòng máy này có thể khiến xước sơn xe hoặc bong tróc khi dùng lực nước quá mạnh.
Mặt khác, rửa xe quá nhiều cũng giống như khi vận hành thường xuyên dưới trời mưa, ô tô có thể bị mất lớp sơn bóng dẫn tới phai lớp sơn màu. Do đó chủ phương tiện chỉ nên rửa xe tần suất định kỳ 1 tuần/1 lần để đảm bảo độ bền cho lớp sơn ô tô.
>> Tìm hiểu thêm: Rửa xe nhiều có tốt không và những lưu ý cho người dùng
2.2. Tình trạng sơn quyết định đến giá trị chiếc xe
Sơn xe ô tô được xếp vào một trong năm yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của chiếc xe. Xe ô tô với màu sơn gốc thuộc dạng hiếm khi chuyển đổi chủ sẽ có giá bán cao hơn so với các màu xe thông thường. Tuy nhiên tình trạng sơn lại xe cũng có thể khiến giá trị ô tô tăng lên bởi nó đã được khắc phục các lỗi xước nên trông bắt mắt hơn. Ngoài ra việc sơn lại xe còn giúp xe chống rỉ sét, giúp tăng độ bền của xe.
2.3. Các chất gây ô nhiễm tự nhiên có thể làm hỏng lớp sơn ô tô
Các chất gây ô nhiễm tự nhiên như nhựa cây, phân chim, nhựa đường hoặc mưa axit, mưa đá chính là các tác nhân có thể khiến lớp sơn xe bị phai màu hoặc bong tróc. Bên cạnh đó, các loại đồ uống như rượu, bia, các chất cafein khi tiếp xúc với ô tô cũng có thể làm hỏng lớp sơn xe.
2.4. Ánh nắng mặt trời có hại đến lớp sơn ô tô
Ánh nắng mặt trời có tia UV tuy không nhìn thấy được nhưng có luồng năng lượng rất mạnh. Khi tiếp xúc với tia UV, bề mặt lớp sơn nóng lên và có thể bị phá vỡ các liên kết phân tử dẫn tới nhanh hư hại và bong tróc trong thời gian ngắn.
2.5. Nên sơn lại ngay sau khi sửa xe
Trong quá trình vận hành, ô tô có thể khó tránh khỏi những lần bị va chạm gây trầy xước hoặc gặp vấn đề khác. Khi đó lớp sơn có thể cũng bị hư hại, chủ xe nên sơn lại càng sớm càng tốt sau khi sửa chữa xe.
Tác nhân gây hại và giảm tuổi thọ lớp sơn ô tô có thể đến từ lý do khách quan như: phân chim, nước mưa, tia UV, môi trường,..hoặc lý do chủ quan như: rửa xe quá nhiều,... Chủ sở hữu xe có thể giảm thiểu các tác nhân gây hại bằng những việc có thể làm như: đậu xe chỗ mát, lái xe an toàn,...
>> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn chăm sóc xe điện VF e34 đúng cách, tăng tuổi thọ xe
3. Những lưu ý giúp tăng tuổi thọ sơn ô tô
Lớp sơn ô tô rất nhạy cảm, dễ bị trầy xước dù va chạm nhẹ. Vậy nên trong quá trình sử dụng, người dùng cần có một số lưu ý để đảm bảo độ bền cho lớp sơn ô tô.
3.1. Lưu ý khi rửa xe ô tô
Rửa xe giúp chiếc xe được “làm mới” lại tuy nhiên trong quá trình rửa, chủ xe nên cân nhắc đến một số yếu tố sau để không làm ảnh hưởng đến lớp sơn:
- Không rửa xe khi xe còn nóng: Điều này sẽ khiến xà phòng bám chặt lên thân xe, lâu dần sẽ tụ lại nhiều hóa chất khiến lớp sơn nhanh hỏng hơn.
- Sử dụng các loại hóa chất chuyên dùng để rửa xe: Chủ xe không nên sử dụng bừa bãi các loại chất tẩy rửa như xà phòng tắm, dầu rửa bát vì có tính tẩy mạnh, dễ làm bay lớp bảo vệ bên ngoài của sơn xe ô tô.
- Không sử dụng súng rửa có áp suất quá cao và dí gần sát bề mặt sơn trên xe: Những thao tác này sẽ tạo lực cực mạnh lên bề mặt xe và nhanh chóng khiến lớp sơn ngoại thất bị ảnh hưởng.
- Hãy dùng đúng loại khăn lau xe để hạn chế tạo vết xước trong quá trình rửa.
>> Tìm hiểu thêm:
- Hướng dẫn 5 bước rửa xe ô tô tại nhà đơn giản và đúng cách
- 10 nước rửa xe ô tô tốt nhất, làm sạch hiệu quả
3.2. Lưu ý khi đỗ xe ô tô
Khi đỗ xe ngoài đường, chủ xe cần lưu ý:
- Không nên thường xuyên để xe ngoài trời: Tiếp xúc lâu với ánh nắng ngoài trời khiến lớp sơn ngày một hao mòn. Chưa kể, khi đỗ xe ngoài trời, chủ xe rất khó kiểm soát những tác nhân từ bên ngoài như trẻ con quấy phá, phân chim.
- Tận dụng bóng râm hoặc phủ bạt che khi đỗ xe: Lưu ý chọn những nơi râm mát đỗ xe hoặc sử dụng tấm bạt che phủ ô tô để tránh ánh nắng mặt trời.
3.3. Lưu ý khi tân trang cho lớp sơn ô tô
Đối với việc “tân trang” lại lớp sơn, chủ xe cũng cần lưu ý:
- Dùng loại sơn bóng ít mài mòn: Trong sơn bóng có chứa chất mài mòn bên trong, điều này sẽ bào mòn một ít lớp sơn phủ của bạn sau mỗi lần sơn bóng, khiến cho lớp sơn dễ phai hơn.
- Cẩn thận khi sử dụng sáp: Sáp sẽ không làm mòn lớp phủ xe của bạn vì nó không hề chứa các chất mài mòn.Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều sáp có thể tích nhiều qua thời gian và làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài của xe.
>>>Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách bảo vệ sơn xe ô tô bền đẹp như mới
Lớp sơn ô tô là diện mạo của xe, giúp tăng giá trị xe và có tác dụng bảo vệ bộ khung xe tránh rỉ sét. Lớp sơn có thể bị hư hại bởi môi trường hoặc do yếu tố chủ quan của người lái xe. Chủ phương tiện cần tìm hiểu những điều cần biết về lớp sơn ô tô và cách khắc phục lại lớp sơn sớm nếu nhận thấy dấu hiệu hư hại. Nếu chủ xe không thể tự thực hiện khắc phục có thể tới các xưởng dịch vụ chăm sóc xe hơi của VinFast.
Đặt mua ô tô điện VF e34 hoặc VinFast VF 8 và VinFast VF 9 để sở hữu mẫu ô tô điện thông minh và chinh phục mọi hành trình cùng VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn - miễn cước toàn quốc: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected].
>>>Tìm hiểu thêm:
- Kinh nghiệm sơn lại xe ô tô khắc phục bạc màu và vết trầy xước
- Sơn dặm xe ô tô là gì?
- Chọn màu sơn ô tô có quan trọng không? Bảng màu các dòng xe ô tô VinFast
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo