Các quốc gia đã làm gì để thúc đẩy thị trường pin ô tô điện?
Một nghịch lý đang diễn ra khi các chính sách thắt chặt phát thải từ phương tiện của khối Liên minh châu Âu EU đã và đang áp dụng chính là sự “bùng nổ” của pin ô tô điện. Không chỉ các hãng chuyên sản xuất pin ô tô điện, các nhà sản xuất ô tô và tập đoàn công nghệ lớn cũng đầu tư mạnh mẽ vào thị trường đầy sức hút này.. Nhiều dự án nghiên cứu cải tiến pin xe điện không ngừng được triển khai tại các trường đại học lớn như Đại học Houston của Mỹ. Chính phủ các quốc gia cũng bắt đầu áp dụng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ngành sản xuất pin ô tô điện. Thị trường pin ô tô điện nhờ đó cũng biến chuyển không ngừng trong thời gian gần đây.
Vai trò của pin đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện
Pin được xem là “trái tim” của xe ô tô điện, có vai trò quan trọng cung cấp năng lượng để xe vận hành. Và dĩ nhiên, giá thành của những bộ pin này sẽ không hề rẻ. Ước tính, pin ô tô điện có giá dao động từ 120 triệu đến 500 triệu đồng tùy vào dung lượng và chất lượng với có tuổi thọ từ 5 - 10 năm. Giá thành của pin ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quyết định mua của khách hàng. Khách hàng sẽ phải đắn đo nên bỏ ra một khoản chi phí ban đầu lớn để mua một bộ pin hay dành ra 5 phút chỉ để đổ đầy một bình xăng?
Dưới sự bùng nổ của xe điện trong những năm gần đây, việc cải tiến công nghệ pin ô tô điện ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn. Không chỉ có chi phí sản xuất pin ô tô điện đắt đỏ, pin xe điện nếu không được sản xuất và khai thác đúng cách sẽ gây thiệt hại lớn đến tài nguyên thiên nhiên. Do đó, không ít các công trình nghiên cứu nhằm cải tiến pin để đạt hiệu suất năng lượng cao hơn, an toàn hơn, tốc độ sạc nhanh hơn,... được triển khai.
Ngoài ra, các hãng xe hiện nay cũng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, trạm sạc pin, chính sách thuê pin xe điện,... với mong muốn giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng. Đồng thời, lợi ích khách hàng tăng lên cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu mua hàng, từ đó giúp gia tăng doanh số xe điện.
Theo Bloomberg NEF - Tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, giá pin xe điện sẽ giảm tới 58% trong giai đoạn 2020 - 2030, giảm từ 137 USD/kWh xuống còn 58 USD/kWh. Đây có thể xem là nhân tố, động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường pin ô tô điện trong tương lai.
Thị trường pin ô tô điện và chính sách thúc đẩy của một số quốc gia trên thế giới
Sự phát triển của thị trường pin ô tô điện
Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số bán ô tô điện vẫn đạt thành tích “khủng”. Trong khi doanh số chung của ngành ô tô giảm ⅕ thì doanh số bán ô tô điện vẫn đạt mức tăng trưởng 43% với tổng số 3,2 triệu xe được bán ra.
Doanh số xe điện tăng vượt trội một phần nhờ vào chính sách thắt chặt phát thải từ phương tiện của khối Liên minh châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện tăng cao. Thêm vào đó, chính phủ các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường xe điện, thông qua các chính sách hỗ trợ giá, trợ cấp vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng,...
Nhiều xe điện được bán ra kéo theo sự tăng trưởng của thị trường pin EV. Chỉ tính riêng doanh thu của thị trường pin ô tô điện đã đạt mốc 17.6 triệu USD trong năm 2020. Theo dự báo từ báo cáo nghiên cứu thị trường của Markets and Markets, trong giai đoạn tiếp theo từ 2021- 2025, thị trường pin ô tô điện toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 25.3%. Doanh thu dự kiến đến hết năm 2021 là 27,3 tỷ USD và đạt 67,2 tỷ USD vào năm 2025.
Sự tăng trưởng về nhu cầu và quy mô thị trường pin ô tô điện khiến cho ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào. Theo thống kê hiện nay, có khoảng khoảng gần 30 hãng sản xuất và nhiều OEM với hơn 100 “Gigafactories” (GW) chuyên nghiên cứu và sản xuất pin xe điện, trong đó có nhiều công ty khởi nghiệp được đầu tư bởi các tập đoàn lớn.
“Miếng bánh” thị trường pin xe điện đang được chia lại. Trước năm 2014, Hàn Quốc là thị trường cung cấp pin xe điện lớn nhất, chiếm gần 70% thị phần toàn cầu. Nhưng hiện nay, Trung Quốc với sự đầu tư mạnh từ doanh nghiệp lẫn Chính phủ đã bứt phá và trở thành thị trường cung cấp pin xe điện lớn nhất, chiếm khoảng hơn 60% thị phần với 93 “Gigafactories” trong năm 2020. CATL (hãng sản xuất pin của Trung Quốc) cũng vượt qua LG Chem và trở thành nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, chiếm 31,2% thị phần (lúc này thị phần của LG Chem giảm xuống chỉ còn 23,1%).
Bên cạnh Trung Quốc, thị trường pin EV châu Âu cũng không hề kém cạnh. Nhờ những chính sách nghiêm ngặt trong việc giảm phát thải từ phương tiện, các hãng xe bắt đầu cắt giảm sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu diesel và thay vào đó, xe điện trở thành mục tiêu được ưu tiên đầu tư phát triển. Dự kiến thị phần pin EV châu Âu sẽ tăng nhanh nhất với tốc độ CAGR khoảng 35,3%, ước tính sẽ chiếm 31% thị phần pin EV toàn cầu vào năm 2025.
Cùng với sự thay đổi về thị phần của thị trường pin ô tô điện, công nghệ phát triển pin hiện nay cũng được chú trọng hơn rất nhiều. Theo đó, hầu hết các hãng xe điện hiện nay đều sử dụng pin lithium với ưu điểm là tài nguyên có sẵn khá dồi dào, dễ khai thác và sản xuất đại trà. Tuổi thọ của pin lithium-ion ô tô điện cũng tương đối cao, trung bình từ 8 - 10 năm hoặc cao hơn nếu ứng dụng công nghệ mới.
Song song với đó, các hãng sản xuất và viện nghiên cứu cũng không ngừng nỗ lực để phát triển các dòng pin mới vượt trội hơn, nổi bật và tiềm năng nhất là loại “siêu” pin thể rắn với dung lượng lớn và thiết kế gọn nhẹ hơn. Dự kiến loại pin này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2023.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Thị trường pin ô tô điện xu hướng tăng trưởng vượt bậc
- Thị trường pin ô tô điện biến động mạnh trong 2 năm gần đây
Các quốc gia đầu tư vào công nghiệp sản xuất pin ô tô điện
Không thể phủ nhận tiềm năng và vai trò to lớn của pin xe điện trong công cuộc kiến tạo tương lai xanh. Không chỉ các hãng xe, nhà sản xuất pin mà chính phủ các nước và nhà đầu tư đã không ngần ngại “đổ tiền” vào thị trường này, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Mỹ và khu vực châu Âu.
Trung Quốc
Sự thành công của thị trường pin xe điện Trung Quốc đều là nhờ chính sách nhanh nhạy của Chính phủ. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến pin lithium, trong đó 60% số doanh nghiệp được thành lập trong 5 năm gần đây. Trung Quốc thống trị sản xuất pin lithium-ion với 93 GW, dự kiến sẽ tăng lên 140 GW vào năm 2030.
Trong giai đoạn dịch Covid, Chính phủ Trung Quốc quyết định kéo dài thời hạn cho chương trình trợ giá xe điện mới (NEV) đến hết năm 2022. Mặc dù mức trợ giá sẽ giảm dần nhưng đây cũng được xem là sự khích lệ khá lớn đối với các hãng sản xuất cũng như người tiêu dùng tại nước này. Trung Quốc cũng liên tục hỗ trợ hàng chục tỷ đô la cho các công ty sản xuất pin và xe điện, bao gồm chi phí tài trợ nghiên cứu và phát triển, trợ cấp cho các nhà sản xuất và tài trợ cho các trạm sạc pin.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thực hiện kiểm soát phần lớn tài nguyên lithium trên toàn cầu bằng việc thu mua các mỏ ở một số nước giàu lithium để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung ứng nguyên liệu cho việc sản xuất pin xe điện. Có thể thấy, sự quan tâm đặc biệt đối với ngành xe điện của Chính phủ Trung Quốc đã thực sự đem lại hiệu quả cho đất nước này.
Châu Âu
Là khu vực có nhu cầu xe ô tô điện lớn nhưng thị trường pin EV của châu Âu còn bỏ ngỏ và phụ thuộc vào các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, nhận thấy việc tiếp tục phụ thuộc vào bên thứ ba sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển thị trường cũng như làm chậm chân trong cuộc đua thị trường xe điện, châu Âu đã bắt đầu tăng cường năng lực sản xuất pin bằng những chính sách thiết thực.
Năm 2017, nhóm các nước châu Âu quyết định thành lập Liên minh pin châu Âu nhằm đặt ra các mục tiêu sâu rộng về sản xuất, cơ sở hạ tầng sạc và tiêu thụ xe điện. Cùng với đó, Ủy ban châu Âu công bố quỹ trợ cấp trị giá 3,5 tỷ USD để hỗ trợ Tesla, BMW và các công ty khác để mở rộng nghiên cứu, sản xuất pin tại khu vực này. Trong vòng 2 năm, quỹ đầu tư của châu Âu trong lĩnh vực pin lithium cao gần gấp đôi so với Trung Quốc.
Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Transport & Environment (T&E), châu Âu hiện có các dự án xây dựng 38 siêu nhà máy có tổng sản lượng hàng năm là 1.000 GWh với chi phí ước tính 40 tỷ Euro (48 tỷ USD), tương ứng với năng lực sản xuất đạt 16,7 triệu pin xe điện vào 2029-2030. Sự gia tăng đáng kể các nhà máy sản xuất pin đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường pin xe ô tô điện tại khu vực trong thời gian tới.
Không chỉ chính phủ, các hãng sản xuất ô tô tại châu Âu cũng đang đầu tư mạnh vào sản xuất pin. Nổi bật nhất phải kết đến công trình xây dựng của hãng Tesla. Với sự “hậu thuẫn” của chính phủ, Tesla đã có kế hoạch xây dựng một trong những “Gigafactory” lớn nhất thế giới tại Berlin với công suất 250 GWh đến năm 2030. Ngoài ra, châu Âu cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ trong việc ký kết các thỏa thuận với các đối tác có mỏ lớn tại châu Phi, châu Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu cơ bản.
>>> Tìm hiểu thêm:
Xe điện Châu Âu bùng nổ nhờ vào chính sách phát triển của Chính Phủ
Mỹ
So với Trung Quốc và khu vực châu Âu, sự quan tâm của Chính phủ Mỹ đối với việc phát triển thị trường pin ô tô điện được cho là thiếu mặn mà. Mỹ không đầu tư quá nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đơn vị sản xuất pin. Các chính sách trợ cấp và chính sách thúc đẩy phát triển EV chỉ áp dụng ở một số tiểu bang.
Thay vào đó, nhiều nhà sản xuất pin có kế hoạch xây dựng ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiềm năng này. Cụ thể, Tesla và đối tác Nhật Bản, Panasonic đang sở hữu nhà máy sản xuất tế bào pin lithium-ion khổng lồ ở Nevada đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin mới tại Austin, Texas. General Motors và đối tác của họ, LG Chem của Hàn Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy pin ở Lordstown, Ohio từ năm 2020.
Các chuyên gia kỳ vọng, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Mỹ sẽ có nhiều chính sách thiết thực hơn trong thời gian tới để không bị “tụt hậu” so với các đối thủ còn lại trên đường đua thị trường pin xe điện.
Có thể thấy, pin là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự phát triển của ô tô điện. Pin là tương lai của ngành công nghiệp xanh, do đó rất cần sự đồng hành của cả Chính phủ và các nhà sản xuất để ngày càng phát triển mạnh hơn.
Tháng 3/2021, VinFast đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) về quyền sử dụng các bằng sáng chế pin thể rắn của hãng tại Việt Nam. Đây là một bước đi chiến lược của VinFast nhằm thúc đẩy thị trường pin ô tô điện nói riêng và thị trường xe điện Việt Nam nói chung.
>>> Xem thêm: Chính sách xe điện và cơ hội của VinFast tại Mỹ và châu Âu
Khách hàng hãy tham khảo thông tin và đặt cọc xe điện VinFast VF e34, VF 8 và VF 9 ngay hôm nay để được trải nghiệm tính năng thông minh trên xe và hưởng những chính sách ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các sản phẩm của VinFast hoặc hỗ trợ tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]