Vì sao xe ô tô bị hao nước làm mát? Hậu quả và cách khắc phục
Nước làm mát có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ của động cơ cũng như các bộ phận khác trên xe. Theo thời gian, hệ thống làm mát sẽ bị hoen rỉ và hư hỏng. Việc thay thế kịp thời giúp phương tiện vận hành hiệu quả và an toàn. Vậy vì sao xe ô tô bị hao nước làm mát?
>> Tìm hiểu thêm: Hệ thống làm mát trên ô tô là gì? Phân loại các hệ thống làm mát
1. Nguyên nhân xe ô tô bị hao nước làm mát?
Theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, nước làm mát ô tô được vận hành tuần hoàn khép kín nên khó có thể hao hụt. Trong 2 - 3 năm đầu hoạt động, nước làm mát sẽ bị hao hụt một phần nhỏ. Nếu người dùng nhận thấy xe ô tô bị hao nước làm mát quá nhanh, hãy mang phương tiện đi kiểm tra và sửa chữa.
Nước làm mát bị rò rỉ và hao hụt có thể là do các đường ống dẫn hoặc vị trí khúc nối xiết bằng cổ dê đã bị nứt, thủng, phồng. Tuy nhiên, người dùng khó có thể phát hiện được nước làm mát đang bị rò rỉ do vị trí này thường được thiết kế sâu bên trong khoang máy.
Két chứa nước hoạt động trong thời gian dài khiến thanh tản nhiệt bị hỏng, dẫn đến tình trạng hao hụt nước làm mát. Ngoài ra, trong quá trình di chuyển, bộ phận này có thể bị thủng do sỏi đá văng vào. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nước làm mát bị rò rỉ.
Bên cạnh đó, nắp của két chứa nước làm mát bị hở hoặc hỏng khiến hệ thống như mất đi “áo giáp” bảo vệ. Khi động cơ hoạt động, nước làm mát nóng lên, dẫn đến hiện tượng bay hơi và hao nước làm mát.
Trong động cơ ô tô, gioăng quy lát là chi tiết “đảm nhiệm” chức năng làm kín khe hở của mặt và thân máy. Nếu gioăng quy lát bị hỏng, nước làm mát sẽ bị thông sang buồng dầu hoặc đi vào buồng đốt. Ngoài ra, xi lanh của động cơ bị nứt cũng khiến cho nước làm mát bị hao hụt. Trong trường hợp này, chủ sở hữu nên đưa xe tới các trung tâm sửa chữa để được kiểm tra và sửa chữa theo quy chuẩn kỹ thuật.
>>> Tìm hiểu thêm: Két nước ô tô: Những vấn đề thường gặp & cách xử lý
2. Xe bị hao nước làm mát ảnh hưởng như thế nào?
Trên ô tô, hệ thống làm mát được ví như cơ chế tỏa nhiệt của cơ thể con người. Hệ thống này có vai trò điều tiết nhiệt độ cho động cơ và các bộ phận khác trên phương tiện.
Nước làm mát lọt vào buồng đốt dẫn tới động cơ bị rung giật và xe khó khởi động. Nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện, chủ sở hữu hãy đưa xe đến trung tâm sửa chữa uy tín để được kiểm tra và sửa chữa.
Bên cạnh đó, xe ô tô bị hao nước làm mát khiến cho phương tiện có mùi khét khi vận hành, bốc khói, ì hoặc chết máy. Điều này xảy ra do lượng nhiệt ở động cơ tăng cao, nước làm mát bị cạn dẫn đến tình trạng phớt bị cháy.
Ngoài ra, mức nhiệt tăng cao khiến cho máy bị bó, mặt quy lát bị vênh và gioăng cao su cửa bị hỏng. Nghiệm trọng hơn, nước sẽ tràn vào piston khiến động cơ bị hỏng và gãy tay biên.
3. Cách khắc phục hiện tượng xe bị hao nước làm mát
Bên cạnh câu hỏi: “Vì sao xe ô tô bị hao nước làm mát” thì cũng có nhiều người dùng thắc mắc về cách khắc phục sự cố này. Theo đó, chủ phương tiện nên kiểm tra mực nước thường xuyên để có thể nhanh chóng phát hiện hao hụt và kịp thời bổ sung dung dịch làm mát cho xe.
Trước mỗi hành trình di chuyển, chủ xe nên mở nắp ca-pô và kiểm tra bình phụ sao cho mực nước duy trì ở giữa vạch Max và Min. Nếu mực nước nằm ở dưới vạch Min, chủ sở hữu hãy bổ sung dung dịch kịp thời nhằm tối ưu hiệu suất hoạt động của phương tiện.
Trong quá trình điều khiển xe, chủ phương tiện nên thường xuyên quan sát kim nhiệt. Nếu kim nhiệt chỉ sang mức Hot, người dùng hãy dừng xe lại và mở nắp ca-pô để nhiệt tản bớt. Sau đó, người lái tiến hành kiểm tra hệ thống làm mát để xác định vấn đề và đưa ra phương án khắc phục.
Trong trường hợp xe gặp trục trặc hoặc kim nhiệt chỉ quá cao, chủ phương tiện không nên mở nắp bình nước phụ. Lúc này, áp suất và nhiệt độ trong bình đang ở mức cao. Điều này có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho người dùng.
Để đảm bảo an toàn cho động cơ, chủ sở hữu nên lựa chọn các loại dung dịch làm mát chuyên dụng để thực hiện châm chích. Trên thị trường hiện nay có 4 loại nước làm mát chính. Theo đó, chủ xe có thể căn cứ vào thành phần hóa học để lựa chọn sử dụng. Cụ thể:
- Nước làm mát màu xanh lá (loại LLC).
- Nước làm mát màu đỏ (loại LLC).
- Nước làm mát màu xanh dương (loại SLLC).
- Nước làm mát màu hồng (loại SLLC).
Tùy vào dòng xe và mức độ hư hại, chi phí sửa chữa, thay thế nước làm mát sẽ khác nhau. Để tối ưu chi phí, người dùng nên mang xe tới gara/showroom uy tín để kiểm tra, sửa chữa ngay khi có dấu hiệu hư hỏng.
4. Xe bị hao nước làm mát thì làm sao? Các bước thay nước làm mát trên ô tô
Thay nước làm mát định kỳ là giải pháp tối ưu giúp phương tiện tránh tình trạng hao hụt dung dịch. Theo khuyến cáo từ nhiều đơn vị sản xuất, chủ phương tiện nên thay nước làm mát sau khi di chuyển 40.000 - 50.000km (tương đương từ 4 đến 5 năm sử dụng). Tuy nhiên, nếu chủ xe thường xuyên di chuyển dưới môi trường khắc nghiệt, hãy bổ sung dung dịch sớm hơn nhằm đảm bảo khả năng vận hành.
Nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, chủ sở hữu có thể tiến hành thay dung dịch làm mát tại nhà với các thao tác đơn giản và nhanh chóng. Cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ để thay thế nước làm mát xe ô tô
Chủ xe cần chuẩn bị các dụng cụ bao gồm: Nước sạch, dung dịch làm mát, tua vít, phễu thay nước, chậu dùng để đựng nước làm mát xả bỏ, đèn bấm, trang phục bảo hộ (kính, gang tay). Người dùng cần đảm bảo xe đã được tắt máy và để động cơ nguội hẳn trước khi tiến hành vệ sinh két nước.
Bước 2: Xả sạch nước làm mát ô tô cũ trong hệ thống
Sau khi động cơ đã giảm nhiệt, chủ phương tiện tiến hành mở nắp bình tản nhiệt và nhấc xe lên. Sau đó, người dùng mở lỗ thoát nước và đặt chậu ở phía dưới đáy bình tản nhiệt để có thể hứng nước làm mát cũ chảy ra.
Bước 3: Rửa bình chứa bằng nước sạch
Khi nước làm mát đã chảy hết, chủ xe đóng lỗ thoát nước và tiến hành súc rửa bình tản nhiệt. Theo đó, người dùng hãy đổ đầy nước lọc và đậy nắp lại. Tiếp theo, chủ xe hãy thực hiện khởi động phương tiện trong khoảng 5 phút để lượng nước có thể lưu chuyển trong hệ thống làm mát. Để đảm bảo hệ thống làm mát được vệ sinh sạch, người dùng hãy thực hiện lặp lại thao tác này 2 lần. Cuối cùng, chủ xe hãy xả toàn bộ lượng nước cặn bẩn đã vệ sinh trong bình tản nhiệt ra bên ngoài.
Bước 4: Pha hỗn hợp nước làm mát ô tô
Sau khi bình chứa đã được rửa sạch, người dùng tiến hành pha hỗn hợp nước làm mát ô tô. Để đạt hiệu quả, chủ phương tiện hãy đọc kỹ hướng dẫn đi kèm với dung dịch.
Bước 5: Đổ hỗn hợp nước làm mát ô tô đã pha chế vào trong bình chứa chính và phụ
Bước 6: Người dùng khởi động phương tiện cho đến khi bình nhiệt sủi bọt khí và nước làm mát bắt đầu rút dần. Trong suốt quá trình trên, người thực hiện cần theo dõi kim chỉ nhiệt để đảm bảo nền nhiệt luôn ở mức tiêu chuẩn.
Bước 7: Sau khi nước làm mát đã rút xuống, chủ sở hữu bắt đầu tiến hành châm đầy cả hai bình chính và phụ.
Bước 8: Chủ xe sử dụng phễu để thu gom nước làm mát cũ và xử lý chất loại thải theo quy định.
Giải đáp chi tiết thắc mắc: “Vì sao xe ô tô bị hao nước làm mát?” giúp người dùng có phương án khắc phục kịp thời nhằm kéo dài tuổi thọ phương tiện và vận hành an toàn. Việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ là cơ sở giúp phương tiện tối ưu hiệu suất hoạt động.
Khách hàng có ý định sở hữu xe xanh cũng có thể tham khảo thêm thông tin và đặt cọc VF 8, VF e34, VF 9 online để trải nghiệm khả năng vận hành mạnh mẽ, tính năng thông minh, công nghệ hiện đại được trang bị trên xe và nhận những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>>Tìm hiểu thêm:
- Hệ thống làm mát xe điện được phân loại như thế nào?
- Tại sao cần trang bị hệ thống làm mát pin ô tô điện?
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo