Tìm hiểu về giảm chấn đơn và giảm chấn kép

Giảm chấn ô tô là bộ phận giúp giảm tình trạng xóc khi xe di chuyển trên địa hình trắc trở. Giảm chấn ô tô có hai loại là giảm chấn đơn và giảm chấn kép.

Giảm chấn ô tô được thiết kế cạnh bánh xe giúp giảm rung động, hấp thụ các chấn động và đảm bảo sự tiếp xúc liên tục của bánh xe với mặt đường khi ô tô di chuyển. Giảm chấn ô tô có hai loại gồm giảm chấn đơn và kép. Chủ xe cần nắm rõ cấu tạo, cách thức hoạt động của từng loại.

Giảm chấn đơn

Bộ phận giảm chấn đơn thường được nạp khí nitơ áp suất cao (20-30kgf/cm2).

Cấu tạo của giảm chấn đơn

Giảm chấn đơn tỏa nhiệt tốt vì ống đơn tiếp xúc trực tiếp với không khí. Một đầu ống được nạp khí áp suất cao cũng như cách ly hoàn toàn với chất lỏng nhờ có piston tự do giúp quá trình vận hành không xuất hiện lỗ xâm thực và bọt khí. Nhờ vậy, xe ô tô sẽ hoạt động ổn định cũng như giảm tiếng ồn đáng kể.

giam chan don 
Cấu tạo của giảm chấn đơn

Nguyên lý hoạt động của giảm chấn đơn

- Quá trình nén:

Piston sẽ chuyển động xuống nhằm tạo áp suất trong buồng dưới cao hơn ở buồng trên. Vì vậy, chất lỏng trong buồng dưới bị ép lên trên thông qua van piston và sinh ra lực giảm chấn nhờ sức cản dòng chảy của van.

Với sức ép lớn của khí áp cao, chất lỏng buồng dưới chảy nhanh và êm lên buồng trên trong quá trình nén sẽ duy trì độ ổn định của lực giảm chấn ô tô. 

- Quá trình giãn:

Quá trình này cần piston chuyển động lên để áp suất trong buồng trên cao hơn buồng dưới. Lúc này, chất lỏng ở buông trên sẽ bị ép xuống buồng dưới qua van piston và sức cản dòng chảy của van tạo ra lực giảm chấn. 

Giảm chấn kép

Đây cũng là một loại giảm chấn ô tô được sử dụng phổ biến hiện nay.

Cấu tạo của giảm chấn kép

Cấu tạo của giảm chấn kép gồm ống ngoài, xi lanh (ống nén), piston chuyển động lên xuống trong xi lanh, van ở đầu dưới của cần piston để tạo lực cản khi bộ giảm chấn bị cản và ở đáy xi lanh để tạo lực cản khi bộ giảm chấn bị nén. 

Trong xi lanh có chứa chất lỏng hấp thụ chấn động. Buồng chứa nạp ⅔ thể tích là chất lỏng, ⅓ là không khí với áp suất khí quyển hoặc áp suất thấp (3 – 6 kgf/cm2). Đây là nơi chứa chất lỏng đi vào và ra khỏi xi lanh. 

giam chan kep
Cấu tạo của giảm chấn kép

Nguyên lý hoạt động của giảm chấn kép

- Quá trình nén: 

 + Trường hợp tốc độ chuyển động của cần piston cao

Khi piston chuyển động xuống, áp suất trong buồng A tăng cao, dầu đẩy mở van 1 chiều và chảy vào buồng B mà không phát sinh lực giảm chấn. Lúc này, lượng dầu tương đương với thể tích mất đi của cần piston bị ép qua van lá và chảy vào buồng chứa tạo nên lực giảm chấn từ sức cản dòng chảy.

 + Trường hợp tốc độ chuyển động của cần piston thấp

Do áp suất trong buồng A nhỏ, van một chiều của van piston và van lá của van đáy sẽ không mở. Tuy nhiên, nhờ có các lỗ nhỏ trong van piston và van đáy nên dầu vẫn chảy vào buồng B và buồng chứa tạo nên một lực cản nhỏ.

- Quá trình giãn:

 + Trường hợp tốc độ chuyển động cần piston cao: 

Khi piston chuyển động lên khiến áp suất trong buồng B tăng cao. Dầu đẩy mở van lá và chảy vào buồng A tạo sức cản dòng chảy (lực giảm chấn).

 + Trường hợp tốc độ chuyển động của cần piston thấp

Lúc này, áp suất trong buồng B thấp khiến cả van lá và van một chiều đều đóng. Dầu trong buồng B sẽ chảy qua các lỗ nhỏ trong van piston vào buồng A và tạo một lực cản nhỏ. 

Giảm chấn ô tô không những giúp xe hoạt động êm ái mà còn đảm bảo an toàn cho mọi người. Vì vậy, chủ xe nên có kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng bộ phận này định kỳ.

Tham khảo thông tin, đăng ký lái thử và đặt mua các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0VinFast Lux SA2.0, VinFast PresidentVinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.

22/06/2021
Chia sẻ bài viết này