Tìm hiểu chi tiết về ô tô tự lái
Ô tô tự lái là loại phương tiện đang được nhiều nhà sản xuất nghiên cứu với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm tiện ích, giảm khí thải, tắc nghẽn, tai nạn,....Sở hữu nhiều ưu điểm, song xe tự lái cũng còn nhiều nhược điểm cần khắc phục. Tìm hiểu về đặc điểm ô tô tự lái giúp người dùng có thêm kiến thức và biết cách sử dụng tính năng thông minh tích hợp ở các cấp độ khác nhau.
Ô tô tự lái là loại phương tiện ứng dụng nhiều công nghệ thông minh thay thế người lái. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, xe tự lái đang trở thành xu thế của công nghiệp ô tô tương lai. Nắm bắt các đặc điểm ô tô tự lái giúp người tiêu dùng hiểu hơn về các tính năng thông minh và cách sử dụng trên các dòng xe hiện có.
>> Tìm hiểu thêm:
- Mở rộng lĩnh vực phát triển công nghệ xe tự lái tại Việt Nam
- VinFast ra mắt 3 dòng ô tô điện tự lái - khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu
1. Đặc điểm ô tô tự lái là gì?
Xe ô tô tự lái hay xe tự hành có tên tiếng Anh là Self-driving car. Đây là loại phương tiện có khả năng nhận diện môi trường xung quanh và tự động di chuyển một cách an toàn với sự can thiệp rất ít của người lái hoặc không cần người lái.
Ô tô tự lái được ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để điều khiển thay thế cho các tác vụ thường đòi hỏi trí tuệ con người. Tất cả các thông tin về đường đi hay chướng ngại vật đều được tổng hợp, phân tích và xử lý bởi AI. Theo đó, con người không cần phải trực tiếp điểu khiển hoặc chỉ tham gia trong những tình huống cần thiết.
Xe ô tô tự lái có nguyên lý hoạt động dựa vào các bộ phận cảm biến, bộ điều khiển, thuật toán, hệ thống máy học và bộ xử lý để thực thi các lệnh từ phần mềm. Trong đó, mỗi bộ phận có vai trò khác nhau trong việc vận hành phương tiện, cụ thể:
- Bộ phận cảm biến radar: Có vai trò theo dõi vị trí của các phương tiện ở gần. Từ đó, gửi dữ liệu nhận biết về bộ xử lý để tính toán khoảng cách và đưa ra lệnh điều khiển hợp lý.
- Bộ phận Camera video: Phát hiện và ghi lại tín hiệu đèn giao thông, đọc biển báo chỉ dẫn, theo dõi các phương tiện khác và tìm kiếm người đi bộ.
- Bộ phận cảm biến Lidar: Giữ vai trò phát ra các xung ánh sáng để đo khoảng cách, phát hiện các mép đường và xác định vạch kẻ đường. Trên cơ sở đó, bộ xử lý phân tích và định vị đường đi tối ưu.
- Bộ phận cảm biến siêu âm: Bộ phận này được lắp đặt trong bánh xe, giúp xe tự tìm chỗ đỗ phù hợp. Nhờ hoạt động của cảm biến siêu âm, ô tô phát hiện được lề đường và các phương tiện khác.
Các bộ phận trên có tác dụng thu thập thông tin và gửi về phần mềm xử lý. Sau khi xử lý, phần mềm vạch ra một con đường và gửi hướng dẫn đến bộ điều khiển của ô tô để điều khiển tốc độ, phanh và lái phù hợp. Các quy tắc được mã hóa cố định cùng với các thuật toán tránh chướng ngại vật giúp xe hình thành dự đoán và nhận dạng đối tượng. Nhờ đó, ô tô tự lái có thể đảm bảo các quy tắc giao thông một cách chính xác trong khi lưu thông trên đường.
2. Ưu điểm ô tô tự lái
Ô tô tự lái sử dụng hệ thống cảm biến để nhận biết chướng ngại vật và đường đi. Phần lớn các mẫu ô tô tự lái đều sử dụng nguồn “năng lượng xanh”. Vì thế, phương tiện này mang đến nhiều lợi ích cho con người và môi trường.
- Mang lại nhiều tiện ích cho con người
Với xe tự lái, người già và người tàn tật hoàn toàn có thể độc lập trong việc di chuyển. Ngay cả những người bị khiếm khuyết về thị giác và thính giác cũng có thể tiếp cận, sử dụng được phương tiện này. Đây là ưu điểm ô tô tự lái nổi bật giúp cho những người khuyết tật dễ dàng hòa nhập với xã hội hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, đây là phương tiện mang lại những tiện ích đáng ghi nhận đối với cuộc sống. Các ứng dụng của xe có thể phục vụ cho mọi nhu cầu của người dùng trong cuộc sống hàng ngày. Xe tự lái có thể hỗ trợ giống như một “shipper” khi người dùng quên một vật gì đó ở nhà. Thậm chí, ô tô có thể tự chở động vật từ nhà đến bệnh viện thú y mà không cần người chủ ở bên cạnh.
- Giảm tắc nghẽn giao thông
Cùng với xu hướng chia sẻ xe, sự phát triển của ô tô tự động hóa và điện khí hóa còn góp phần giảm tắc nghẽn trên những tuyến đường có lưu lượng giao thông dày đặc. Các phương tiện này mang đến hiệu quả cao trong quá trình di chuyển. Mặc dù ở những thành phố lớn, tốc độ vận hành của xe không cao hơn, nhưng thời gian đi và đến sẽ ít hơn.
- Giảm tai nạn giao thông
Nhờ “tầm nhìn” 360 độ cùng các công nghệ chính xác, phương tiện tự hành sở hữu khả năng quan sát tối ưu hơn con người. Hơn nữa, các xe được kết nối và liên lạc liên tục với nhau nên sẽ làm giảm đáng kể các tình huống tai nạn nguy hiểm.
3. Nhược điểm ô tô tự lái
Bên cạnh các ưu điểm nổi trội, xe hơi tự lái cũng có những nhược điểm nhất định. Sự tự động hóa của phương tiện này tạo ra nhiều lợi ích, nhưng điều đó cũng gây ra một số khó khăn. Có thể dễ dàng nhận thấy một số nhược điểm ô tô tự lái gây bất tiện cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Khi di chuyển dưới trời mưa to hay có tuyết, hệ thống các công nghệ cảm biến tích hợp ở loại phương tiện này có thể bị ảnh hưởng, giảm hiệu quả hoạt động. Điều này khiến cho việc tự động điều khiển trở nên không dễ dàng. Thêm vào đó, ô tô tự hành cũng bị hạn chế lúc rẽ trái khi có các phương tiện giao thông khác đang đi tới.
Một nhược điểm nữa của phương tiện tự hành là không thể đọc các dấu hiệu bằng tay. Vì thế, khi có các hiệu lệnh điều khiển giao thông từ phía cảnh sát xe tự lái không thể điều chỉnh theo. Các công nghệ trên phương tiện này chưa tích hợp được khả năng xử lý các thông tin điều hướng giao thông từ con người.
Bên cạnh đó, trong những tình huống khẩn cấp, khả năng xử lý của ô tô tự lái cũng là nhược điểm. Chiếc xe này chưa đủ thông minh để đưa ra giải pháp vẹn toàn ở những hoàn cảnh đó. Nếu xe đang di chuyển, có một đứa trẻ đột nhiên chạy vụt qua đường để đuổi theo quả bóng, phương tiện không thể đủ nhạy cảm để đưa ra quyết định điều khiển an toàn. Do đó, việc mạo hiểm với tính mạng của đứa trẻ cũng như những người đang lưu thông trên đường khiến cho việc phát triển ô tô tự lái gặp nhiều tranh cãi.
Với sự tích hợp của các công nghệ mới, chắc chắn chi phí để có được một chiếc xe tự lái sẽ cao hơn ô tô thông thường. Đi kèm với đó là các khoản chi cho các công ty vận tải đường bộ để có thể vận hành được phương tiện này một cách trơn tru. Không dừng lại ở đó, để có thể duy trì hệ thống các công nghệ, người sở hữu cũng phải bỏ thêm các khoản ngân quỹ khác.
Khi xe tự lái phát triển với số lượng nhiều hơn sẽ đặt ra yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp. Để phục vụ sự vận hành của lượng lớn phương tiện này, có thể các quốc gia cần thực hiện thêm nhiều tuyến đường mới, nhiều quy định mới. Làn dành riêng cho xe tự lái trên đường cao tốc là một ví dụ.
Việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong điều khiển xe tự hành cũng đặt ra lo ngại về vấn đề bảo mật. Nếu một chiếc xe bị đột nhập sẽ trở thành vấn đề rất nguy hiểm đối với an toàn giao thông. Ngay cả khi có người giám sát, việc một tin tặc có thể giành được quyền kiểm soát phương tiện sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
4. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến ô tô tự lái
Mặc dù các tính năng tự động hóa đã được áp dụng trên một số dòng xe hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, một chiếc xe tự hành hoàn toàn được đưa vào thực tế vẫn là một cố gắng ở tương lai của các nhà sản xuất. Do đó, người tiêu dùng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra đối với các vấn đề liên quan đến ô tô tự lái. Dưới đây là một số vấn đề cơ bản khi nhắc đến loại phương tiện này.
4.1. Ô tô tự lái sẽ có lượng khí thải CO2 thấp hơn?
Theo nghiên cứu, với sự phổ biến của ô tô tự lái sẽ giúp giảm tới 80% lượng phát thải khí CO2 đô thị trên toàn thế giới. Thêm vào đó, nhờ sử dụng “năng lượng xanh” nên xe tự lái còn góp phần giảm hiện tượng nhà kính trên thực tế. Điều này hỗ trợ đáng kể trong việc cải thiện môi trường, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
4.2. Khi nào ô tô tự lái chính thức vận hàng trên đường?
Một số nhà sản xuất đã tin rằng họ có thể cung cấp hệ thống tự lái hoàn toàn ra thị trường vào năm 2020, nhưng thực tế là không thể. Hiện nay, đã có khoảng 80% công nghệ tự lái được áp dụng vào một số dòng xe hiện đại. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ Radar, camera, trí tuệ nhân tạo,... đang tạo ra những bước tiến ấn tượng trong việc sản xuất ô tô tự hành. Tuy nhiên, 20% công nghệ còn lại như phần mềm có thể dự đoán một cách “đáng tin cậy” về người điều khiển và các phương tiện khác sẽ khó hoàn thiện hơn. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, đến năm 2025 sẽ có khoảng 8 triệu phương tiện tự động hoặc bán tự động lưu thông trên đường.
4.3. Tương lai của ô tô tự lái sẽ như thế nào?
Mặc dù chưa thể chắc chắn về thời gian ra đời của ô tô tự lái, song những ưu điểm của loại phương tiện này là không thể phủ nhận. Hiện tại là lúc các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà công nghệ và người dân bắt đầu có những kế hoạch cho tương lai của phương tiện tự hành. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, luật lệ,... cần có những thay đổi phù hợp cho công nghệ này phát triển.
4.4. Các quy định đối với xe ô tô tự lái trên thế giới như thế nào?
Tại Hoa Kỳ, quy định về an toàn xe hơi của liên bang dựa trên tiêu chuẩn an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMVSS). Các quy định này thiết lập các yêu cầu hoạt động chi tiết cho mọi bộ phận liên quan đến an toàn của ô tô. Việc thử nghiệm ô tô tự hành được quy định không giống nhau ở các tiểu bang. Ở California và New York yêu cầu rất khắt khe về giấy phép thử xe tự lái trên đường. Trong khi ở Florida, việc thử nghiệm này không cần bất kỳ một giấy phép nào. Sự khác biệt giữa các bang về quy định đối với ô tô tự lái giúp các nhà sản xuất tìm ra những cách tiếp cận tốt nhất ở từng điều kiện khác nhau.
Trên thế giới, đã có 60 quốc gia thông qua quy định của Liên hợp quốc về sử dụng các phương tiện tự động một cách an toàn trong một số môi trường giao thông nhất định. Theo đó, Liên hợp quốc thiết lập những quy định nghiêm ngặt về hệ thống giữ làn đường tự động (ALKS). Hệ thống này chỉ được kích hoạt trên những con đường cấm người đi bộ, xe đạp và có dải phân cách vật lý. Giới hạn tốc độ cho phép của ALKS là 60km/h. Đồng thời, các nhà sản xuất phải đảm bảo sự sẵn sàng của người lái xe trong việc xử lý mọi tình huống xảy ra khi kích hoạt hệ thống này. Bên cạnh đó, phương tiện phải được trang bị hệ thống lưu trữ dữ liệu dành cho lái xe tự động để ghi lại ALKS khi đã kích hoạt.
4.5. Làm thế nào để xóa bỏ rào cản ô tô tự lái?
Sự chấp nhận của người dùng đối với ô tô tự hành là yếu tố quyết định giúp loại phương tiện này trở thành một phần thực tế trong giao thông tương lai. Việc sẵn sàng tiếp nhận xe tự hành của người tiêu dùng còn tồn tại nhiều góc nhìn khác nhau. Sự lo ngại bao gồm các yếu tố như: sự tin tưởng vào công nghệ tự hành chính xác, việc từ bỏ quyền kiểm soát phương tiện, yếu tố về quyền riêng tư, hệ thống định vị, điều khiển tự động,... Để xóa bỏ rào cản về ô tô tự lái, các nhà sản xuất cần đảm bảo các yếu tố này.
Ở Việt Nam, VinFast là thương hiệu đi tiên phong trong việc sản xuất “xe xanh”. Các công nghệ tự động hóa cũng là mục tiêu mà VinFast hướng tới nhằm nâng cao hiệu quả di chuyển của người tiêu dùng. Trên một số dòng xe của VinFast hiện nay đã có trang bị một số tính năng thông minh của phương tiện tự hành cấp độ 2-3. Một số tính năng đã được VinFast tích hợp bao gồm: hệ thống trợ lái thông minh, hệ thống kiểm soát làn thích ứng, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, cảnh báo va chạm đa điểm, đỗ xe tự động, hệ thống giám sát người lái, hệ thống giảm thiểu va chạm toàn diện.
Tự nhận diện môi trường và tự động di chuyển một cách an toàn là những đặc điểm ô tô tự lái. Với những ưu điểm về an toàn, khả năng bảo vệ môi trường, các tiện ích mang lại cho người dùng, loại phương tiện này chắc chắn sẽ phổ biến trong tương lai. Những nỗ lực của các nhà sản xuất trong một số năm gần đây đang đưa loại phương tiện này dần trở thành thực tế và đây mới chỉ là sự bắt đầu cho kỷ nguyên “tự động hóa”.
Khách hàng có ý định sở hữu xe xanh cũng có thể tham khảo thêm thông tin và đặt cọc VF 8, VF 9, VF e34 online để trải nghiệm khả năng vận hành mạnh mẽ, tính năng thông minh, công nghệ hiện đại được trang bị trên xe và nhận những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để biết thêm thông tin về các sản phẩm, dịch vụ khác của VinFast, vui lòng liên hệ:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
- Mở rộng lĩnh vực phát triển công nghệ xe tự lái tại Việt Nam
- Ý tưởng ô tô tự lái giảm tắc đường liệu có khả thi?
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo!