Lỗi không xi nhan và mức phạt mới nhất năm 2024

Lỗi không xi nhan bị phạt tối đa 5 triệu đồng và có thể là nguyên nhân gây ra một số vụ va chạm giao thông. Hiểu đúng và nắm rõ cách sử dụng đèn xi nhan sẽ giúp người điều khiển hạn chế vi phạm này.

Đèn xi nhan (đèn báo rẽ, đèn chuyển hướng) được dùng khi người điều khiển muốn phát ra thông báo chuẩn bị chuyển hướng, chuyển làn cho xe cùng lưu thông. Khi nhận tín hiệu này, các phương tiện trên đường sẽ chủ động nhường đường để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một số người điều khiển phương tiện giao thông vẫn vẫn còn mắc lỗi không xi nhan dẫn tới bị phạt hành chính hoặc xảy ra va chạm không đáng có.

Lỗi không bật xi nhan xe máy khi chuyển hướng
Một số người điều khiển giao thông vẫn còn mắc lỗi không xi nhan khi chuyển hướng, chuyển làn (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

1. Quy định xử phạt lỗi không xi nhan khi tham gia giao thông

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về mức phạt áp dụng với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi không bật xi nhan.

1.1. Mức phạt lỗi không xi nhan đối với xe máy năm 2024

Theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển xe máy mắc lỗi không bật xi nhan trong trường hợp cần thiết, cụ thể như sau:

  • Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng khi xe chuyển làn đường nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước.
  • Phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối xe chuyển hướng nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường không giao nhau cùng mức).

Hệ thống đèn xi nhan trang bị trên hầu hết các xe máy được bố trí song song trái – phải; 2 đèn phía trước – 2 đèn phía sau. Khi người điều khiển bật tín hiệu xi nhan, đèn sẽ sáng đồng thời cả phía trước và phía sau. Hiện các mẫu xe máy điện VinFast đều được trang bị hệ thống đèn xi nhan LED đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Trong đó, cụm đèn xi nhan trước được nẹp chrome và cách điệu theo kiểu chữ V đặc trưng của VinFast. Cụm đèn xi nhan sau tạo ấn tượng mạnh khi được vuốt nhọn ra sau đầy khỏe khoắn. Thiết kế sang trọng, hiện đại của bộ đèn xi nhan giúp nâng cao tuổi thọ cho hệ thống báo hiệu an toàn đồng thời mang đến nét thẩm mỹ riêng, đậm chất VinFast.

Mức phạt lỗi không xi nhan xe máy 2024
Xe máy điện VinFast Theon được trang bị hệ thống xi nhan LED tiên tiến

1.2. Mức phạt không xi nhan đối với ô tô năm 2024

Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt với lỗi ô tô không xi nhan trong trường hợp cần thiết, cụ thể như sau:

  • Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng đối với trường hợp dừng, đỗ xe nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước. 
  • Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với trường hợp chuyển làn đường nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước. 
  • Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển hướng nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước hướng rẽ (trừ trường hợp người điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ tại nơi đường không giao nhau cùng mức). 
  • Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với trường hợp lùi xe nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước. 
  • Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với trường hợp chuyển làn đường trên đường cao tốc nhưng không xi nhan báo hiệu trước.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với trường hợp người điều khiển xe ô tô không đưa ra tín hiệu báo trước khi vượt.

Đèn xi nhan ô tô được thiết kế đặt ở 4 góc của xe. Nhằm mang đến sự tiện lợi cho người dùng, nhà sản xuất đã ứng dụng nhiều công nghệ mới giúp tăng cường tính năng cho hệ thống đèn xi nhan ô tô. Với xe ô tô VinFast, đèn xi nhan trước được thiết kế trùng với dải đèn LED ban ngày giúp tăng hiệu quả báo hiệu cho các phương tiện cùng tham gia giao thông, đồng thời góp phần tạo nên ngoại hình hiện đại, tăng độ nhận diện thương hiệu. 

Lỗi không xi nhan ô tô phạt bao nhiêu
Hệ thống đèn xi nhan cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế trên xe ô tô VinFast

1.3. Lỗi không xi nhan có bị giữ giấy tờ không?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu phạm lỗi không xi nhan, người điều khiển phương tiện có thể bị giữ giấy tờ trong một vài trường hợp cụ thể:

  • Đối với xe máy: Người điều khiển khi mắc lỗi xi nhan sẽ không bị tước giấy phép lái xe nhưng có thể bị tạm giữ giấy phép lái xe. 
  • Đối với ô tô: Tùy trường hợp, mức độ nghiêm trọng do lỗi không xi nhan gây ra, người điều khiển có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp vượt xe không xi nhan hoặc chuyển làn đường trên đường cao tốc nhưng không xi nhan báo hiệu trước sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

1.4. Bật xi nhan chậm có bị phạt tiền không?

Điểm a, khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định trường hợp bật đèn xi nhan sau khi đã chuyển hướng, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt với số tiền cụ thể tùy loại phương tiện: 

  • Từ 200.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy. 
  • Phạt từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô.

1.5. Không rẽ khi bật xi nhan có bị xử phạt không?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP không quy định lỗi hay mức phạt liên quan tới việc không rẽ khi bật xi nhan. Tuy nhiên hành vi này sẽ ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của những phương tiện khác. Vì vậy, người điều khiển phương tiện chỉ bật xi nhan khi cần chuyển hướng hoặc chuyển làn.

2. Cách sử dụng đèn xi nhan đúng luật và đảm bảo an toàn

Thực tế cho thấy không ít vụ va chạm giao thông có nguyên nhân từ việc sử dụng đèn xi nhan không đúng cách. Bật đèn đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh sẽ góp phần mang đến sự an toàn cho mỗi hành trình. 

2.1. Khi nào cần bật đèn xi nhan?

Theo Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện phải bật đèn xi nhan trong các trường hợp:

  • Chuyển làn đường
  • Chuyển hướng xe: rẽ phải, rẽ trái, quay đầu
  • Vượt xe phía trước kết hợp với nháy pha và còi
  • Cho xe chuyển bánh từ vị trí đậu, hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đậu xe
Lỗi không bật xi nhan phạt bao nhiêu
Bật đèn xi nhan khi muốn chuyển làn đường, chuyển hướng xe hoặc muốn vượt phương tiện phía trước

>>> Tham khảo thêm: Cách sử dụng đèn xi nhan xe máy ô tô đúng quy định

2.2. Sử dụng đèn xi nhan ở những đoạn đường đặc biệt

Để đảm bảo an toàn, Cục Cảnh sát giao thông khuyến nghị người lái nên bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau: 

  • Khi đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải”  tức là khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải.
  • Khi lùi vào chỗ ghép xe (đỗ song song): Nên bật đèn xi nhan phía xe sẽ lùi để phương tiện cùng tham gia giao thông tránh hoặc nhường đường. 
  • Khi đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ.
  • Khi lùi theo đường cong: Bật đèn khi phương tiện lùi vào hẻm, ngõ để hạn chế va chạm giao thông.
  • Đi qua ngã 3 chữ T: Khi rẽ phải hoặc trái, người lái bật xi nhan báo hiệu trước trước khi rẽ. Tuy nhiên, nếu xe đi thẳng theo đỉnh chữ T thì không cần bật đèn xi nhan. 
  • Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan.

2.3. Đèn xi nhan cần bật/tắt bao xa và trong bao lâu? 

Thời gian bật/ tắt xi nhan xe máy và ô tô hiện vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi lưu thông, người điều khiển cần lưu ý:

  • Bật xi nhan cách chỗ rẽ hoặc điểm dừng khoảng từ 10 đến 15 mét đối với mô tô, xe gắn máy. 
  • Bật xi nhan cách chỗ rẽ hoặc điểm dừng khoảng 30 mét đối với ô tô. 

2.4. Phân biệt đèn xi nhan và đèn cảnh báo nguy hiểm trên ô tô

Đều có chức năng phát tín hiệu thông báo cho người cùng tham gia giao thông nhưng đèn xi nhan và đèn cảnh báo nguy hiểm có nhiều điểm khác nhau. Trong đó, đèn xi nhan được đặt ở 4 góc của xe được sử dụng để thông báo khi muốn chuyển hướng hoặc chuyển làn xe chạy. Đèn cảnh báo nguy hiểm trên ô tô (hay còn gọi là đèn hazard light) có hình tam giác màu đỏ được đặt trên tap-lô.

Đèn này chỉ được dùng trong những tình huống như xe gặp sự cố phải đỗ trên đường hoặc xe di chuyển trong tình trạng nguy hiểm. Người dùng chỉ bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi gặp tình huống thật sự khẩn cấp, người tham gia giao thông nên có ý thức, không nên sử dụng đèn khẩn cấp vào mục đích khác với chức năng của đèn.

Sự khác nhau giữa đèn xi nhan và đèn cảnh báo nguy hiểm

Đèn xi nhan và đèn cảnh báo nguy hiểm cần được người điều khiển ô tô hiểu và sử dụng đúng (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Lỗi không xi nhan là vi phạm dễ mắc phải. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ ý nghĩa, cách sử dụng cũng như những mức phạt khi không tuân thủ theo quy định, người điều khiển sẽ từng bước tạo thói quen bật xi nhan đúng thời điểm, mang lại an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Khách hàng có thể đặt cọc, mua xe VinFast để được trải nghiệm những mẫu xe máy điện, xe ô tô đẳng cấp và nhận những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.

Liên hệ ngay với chúng tôi nếu cần cung cấp thêm thông tin về sản phẩm và dịch vụ: 

  • Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
  • Email chăm sóc khách hàng: [email protected]

>>> Tham khảo thêm: 

*Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo.

06/02/2023
Chia sẻ bài viết này