Khi nào được dừng, đỗ xe tại làn khẩn cấp trên cao tốc?
Làn khẩn cấp là làn đường nằm sát lề đường bên phải trên đường cao tốc, phân cách với làn xe chạy bằng vạch sơn nét liền màu trắng phản quang. Làn dừng xe khẩn cấp được sử dụng cho một số trường hợp cấp bách. Đường cao tốc thường không có biển báo riêng dành cho làn dừng khẩn cấp, chỉ có biển báo phân loại theo mặt đường gồm: làn khẩn cấp cứng (hard shoulder) và làn khẩn cấp mềm (soft shoulder).
1. Các trường hợp được dừng, đỗ xe tại làn khẩn cấp trên đường cao tốc
Phương tiện được phép dừng, đỗ tại làn khẩn cấp trong trường hợp xe gặp sự cố hư hỏng, hoặc người điều khiển có vấn đề sức khỏe không thể tiếp tục di chuyển. Đồng thời, làn khẩn cấp được sử dụng cho các loại xe ưu tiên như xe quân sự, cấp cứu, cứu hỏa, công an,… trong các tình huống cấp bách. Ngoài các trường hợp nêu trên, các hành vi đi vào hoặc dừng đỗ tại làn khẩn cấp đều vi phạm luật giao thông và bị xử lý theo quy định pháp luật.
>> Tìm hiểu thêm:
- Khi nào phương tiện được sử dụng làn khẩn cấp trên cao tốc
- Lỗi đón trả khách trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu?
- Ô tô đi vào làn dừng xe khẩn cấp bị phạt như thế nào?
2. Lưu ý dừng đỗ an toàn tại làn khẩn cấp khi gặp sự cố
Các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc đều di chuyển với tốc độ khá cao, khả năng xử lý tình huống bất ngờ hạn chế. Để đảm bảo an toàn khi dừng, đỗ tại làn dừng xe khẩn cấp, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ một số lưu ý để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và các xe khác đang lưu thông.
Khi gặp sự cố, người lái cần bật đèn cảnh báo, quan sát các phương tiện xung quanh rồi từ từ cho xe di chuyển vào làn khẩn cấp. Khi đã dừng, đỗ xe tại làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, người điều khiển vẫn phải bật tín hiệu cảnh báo liên tục để các phương tiện phía sau nhận biết, đề phòng va chạm xảy ra.
Cùng với đó, người điều khiển nên lựa chọn điểm đỗ xe thông thoáng, dễ quan sát, lưu ý tránh dừng, đỗ xe ở những điểm khuất hoặc đường giao nhau. Những vị trí này sẽ hạn chế khả năng quan sát và xử lý tình huống của các phương tiện khác đang lưu thông, dễ xảy ra va chạm đáng tiếc. Trong trường hợp xe không thể di chuyển xa hơn để chọn điểm đỗ, người lái xe cần ra tín hiệu cảnh báo cho các phương tiện phía sau.
Để đảm bảo an toàn, người cầm lái cũng nên đặt các vật có khả năng phát sáng như đèn cảnh báo, chóp phản quang,… ở phía sau đuôi xe, cách mép trái của xe khoảng 15-25 mét khi dừng đỗ trên làn dừng xe khẩn cấp. Những dụng cụ này sẽ thu hút sự chú ý của các phương tiện khác, hạn chế tối đa va chạm xảy ra, đặc biệt là vào ban đêm. Trường hợp không có vật phản quang, lái xe có thể dùng bất kỳ vật gì để tạo cảnh báo như lốp xe, cành cây,… Tuy nhiên, người lái cần thu dọn hiện trường trước khi xe được chuyển đi để không gây cản trở cho các phương tiện khác trên đường.
Bên cạnh đó sau khi cho xe dừng đỗ tại làn khẩn cấp để xử lý sự cố, người điều khiển phương tiện cần di tản hành khách, người ngồi trên xe đến vị trí an toàn hoặc phía trước xe. Điều này sẽ hạn chế thiệt hại về người trong tình huống các phương tiện phía sau không quan sát kỹ, có khả năng xảy ra va chạm.
Đối với tình huống khẩn cấp phương tiện gặp sự cố, chủ xe cần kiểm tra bao quát để tìm hiểu nguyên nhân. Trường hợp tình trạng xe có thể khắc phục được, người lái nên sửa tạm thời để có thể tự di chuyển đến gara sửa chữa gần nhất. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn và không thể tự sửa, người lái không nên cố gắng sửa xe trên đường cao tốc gây nguy hiểm thêm. Để khắc phục các sự cố trên đường cao tốc, người điều khiển cần liên lạc với đội cứu hộ ngay lập tức để có biện pháp xử lý hợp lý, đặc biệt là vào ban đêm.
3. Các hình thức xử phạt khi dừng đỗ sai quy định tại làn khẩn cấp
Ngoài những trường hợp nêu trên, các hành vi dừng, đỗ xe hoặc di chuyển vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Cụ thể các mức phạt như sau:
- Theo điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi dừng, đỗ xe tại làn khẩn cấp sai quy định trên đường cao tốc bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
- Ngoài ra, theo sửa đổi tại điểm c khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe chạy ở làn khẩn cấp sẽ bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.
Làn khẩn cấp trên đường cao tốc chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Người điều khiển phương tiện cần nắm rõ các quy định liên quan đến dừng, đỗ xe tại làn dừng xe khẩn cấp để đảm bảo an toàn và không vi phạm luật giao thông. Trong trường hợp gặp sự cố, người điều khiển phương tiện cần bình tĩnh xử lý, tuân thủ các lưu ý để khắc phục vấn đề, đảm bảo an toàn cho bản thân và các xe đang cùng di chuyển.
Khách hàng có thể đặt cọc ô tô điện VinFast VF e34, VF 8 và VF 9 ngay hôm nay để được trải nghiệm các mẫu xe “xanh” đẳng cấp và nhận ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
*Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo!
>>> Tìm hiểu thêm: