Chuỗi khối Blockchain sẽ thay đổi tương lai ngành vận tải thế nào?
“Gián đoạn” là một từ thường gây sợ hãi. Nhưng trên thực tế, chúng ta nên có tầm nhìn rộng hơn và coi sự gián đoạn là một phần của quá trình chuyển đổi lớn hơn – sự thúc đẩy liên tục để phát triển và thích ứng trong bối cảnh giao thông và năng lượng đang thay đổi.
Sự chuyển đổi sẽ diễn ra với nhiều gián đoạn nhỏ và không phải tất cả đều đột ngột và rõ ràng như sự xuất hiện của Uber làm thay đổi mô hình vận tải hành khách truyền thống, hay Facebook trở thành người thống trị thế giới truyền thông.
Công nghệ chuỗi khối Blockchain chỉ là một điểm nhấn của quá trình chuyển đổi các dịch vụ vận tải đang có nhiều tác nhân ảnh hưởng từ làn sóng điện khí hóa, sự gia tăng của các dịch vụ hướng tới khách hàng và kết nối phổ biến giữa các phương tiện, thiết bị và hệ thống lưới điện.
Ban đầu được phát triển để hỗ trợ tiền điện tử và các dịch vụ tài chính, blockchain giờ đã được vận dụng trong nhiều ngành công nghiệp để xác thực dữ liệu, xây dựng quy trình kinh doanh tự động và các mô hình kinh doanh mới.
Sự quan tâm dành cho blockchain cũng đã tăng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Những gã khổng lồ trong ngành như Daimler, Jaguar Land Rover, BMW, Honda, Ford và nhiều công ty khởi nghiệp khác đã hợp tác nhiều dự án hoặc thí điểm áp dụng công nghệ blockchain.
Từ việc xác minh lịch sử phương tiện, theo dõi chuỗi cung ứng tốt hơn, tự động hóa các giao dịch, cho phép chia sẻ xe an toàn hoặc khiến chi phí bảo hiểm công bằng hơn, các hãng vận tải đã tích hợp công nghệ này và ra mắt các ứng dụng thú vị.
Công nghệ chuỗi khối blockchain là gì?
Về cơ bản, blockchain là công nghệ giúp tạo ra một bản thống kê dữ liệu duy nhất, đáng tin cậy cho một hệ thống hay mạng lưới có nhiều thiết bị. Điều quan trọng nhất là các mạng blockchain không được sở hữu hay vận hành bởi bất cứ ai riêng rẽ, mà là của toàn bộ mạng lưới.
Chủ sở hữu xe, nhà cung cấp dịch vụ và nhà sản xuất xe hơi là ba chủ thể trọng tâm trong hệ sinh thái các dịch vụ vận tải. Các ứng dụng của công nghệ chuỗi khối tác động trực tiếp đến cả ba chủ thể này.
Nếu một phương tiện là nền tảng phần cứng cho các dịch vụ vận tải thì công nghệ blockchain là một ứng viên phần mềm có thể khiến các dịch vụ này trở nên khả thi. Blockchain sẽ đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cơ bản, giúp thực hiện các giao dịch và thanh toán tự động một cách an toàn, ít sai sót.
Quy tắc cho mọi giao dịch giữa các bên tham gia dựa trên code thay vì một hợp đồng bằng văn bản, và những code này không thể thay đổi nếu không có sự đồng ý bằng kỹ thuật số của đa số các bên tham gia. Hơn nữa, mọi giao dịch giữa các bên dù về tài chính hay các mặt khác đều được ghi lại bằng một sổ cái được liên kết mã hóa, chống giả mạo, được chia sẻ và sao chép trên nhiều thiết bị khác nhau.
Liên kết mã hóa này đảm bảo bất cứ thay đổi nào với lịch sử được thực hiện trên một thiết bị đều trở nên rõ ràng so với phần còn lại của mạng lưới.
Hãy tưởng tượng bạn muốn mua một chiếc xe hơi cũ nhưng không chắc liệu người bán có trung thực về lịch sử va chạm, ngập nước hay số km đã đi của chiếc xe. Công nghệ blockchain chính là câu trả lời cho những câu hỏi như vậy.
Công nghệ Blockchain tạo nền tảng giao dịch an toàn
Phương tiện giao thông cá nhân đã trải qua sự thay đổi lớn trong vài thập kỷ qua. Nói ngắn gọn, xe hơi đang có dung tích buồng đốt nhỏ lại và năng lực tính toán to hơn. Trung bình một chiếc xe hơi vào năm 2018 chứa khoảng 100 đến 200 triệu dòng code trong phần mềm.
Nhiều phương tiện có kết nối mạng di động và có khả năng vận hành các ứng dụng của bên thứ ba, bao gồm trợ lý cá nhân, điều hướng và dịch vụ thông tin giải trí. Những khả năng này cho phép nhà cung cấp dịch vụ duy trì kết nối với khách hàng ngay cả sau khi chiếc xe rời khỏi showroom.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) sẽ làm thay đổi thế giới của họ hơn nữa. Các khoản thanh toán vi mô (giá trị nhỏ) dựa trên blockchain sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tạo ra các chương trình khuyến mại cũng như một mô hình kinh doanh thu hút khách hàng và họ hoàn toàn có khả năng hạ gục các đối thủ cạnh tranh dựa vào công nghệ truyền thống.
Hãy tưởng tượng một đối thủ của Uber, sử dụng công nghệ blockchain để trả tiền cho tài xế của họ hàng giờ hoặc theo thời gian thực thay vì hàng tuần như Uber đang làm. Phần thưởng ngay lập tức sẽ thay đổi cơ bản mối quan hệ của tài xế với nền kinh tế chia sẻ, cũng như đối với bất cứ dịch vụ nào khác mà các cá nhân sẽ được hưởng lợi khi tham gia.
Với ứng dụng của blockchain trong việc tìm kiếm các phương án tối ưu về kinh tế, các ứng dụng sạc thông minh và vehicle-to-grid hay V2G – hệ thống giúp chủ xe điện có thể bán lại lượng điện năng dự trữ dư thừa vào lưới điện quốc gia trong giờ cao điểm.
V2G không phải là cách duy nhất để chủ xe tạo ra doanh thu từ phương tiện của mình. Share & Charge, thuộc sở hữu của Enel X, hoạt động như một phiên bản tương tự của Airbnb dành cho các trạm sạc. Thông qua nền tảng này, chủ sở hữu xe điện có thể mua quyền sạc phương tiện của họ tại trạm sạc tư nhân với mức giá và thời gian do chủ sở hữu đưa ra.
Tại Mỹ, eMotorWerks và công ty LO3 Energy là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giao dịch năng lượng đã thử nghiệm một mô hình giao dịch ngang hàng, cho phép chủ sở hữu xe điện mua điện từ các hộ gia đình.
Trong cả hai trường hợp, việc xác định danh tính, giao dịch và thanh toán đều được thực hiện bằng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh.
Chủ sở hữu phương tiện cũng sẽ được hưởng lợi từ trải nghiệm khách hàng ngày càng liền mạch. Blockchain giúp tạo ra nền tảng cho các giao dịch an toàn và có thể dễ dàng kiểm toán giữa các thiết bị.
Trong tương lai, nhờ vào công nghệ blockchain, các phương tiện cá nhân có thể tự thanh toán phí đỗ xe, phí cầu đường mà không cần sự tham gia của tài xế, cũng giống như cách chúng ta sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử hiện tại trên smartphone.
Những tiến bộ này sẽ mang lại lợi ích cho người lái cũng như tạo nền tảng cho việc quản lý hiệu quả các đội xe tự động. Các ứng dụng như vậy đang được phát triển bởi các công ty như Filament, Car eWallet và Daimler.
Blockchain cải thiện chuỗi cung ứng cho các hãng xe
Không chỉ vậy, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho các hãng xe cũng có thể trải nghiệm những lợi ích của công nghệ chuỗi khối Blockchain, vì một trong những ứng dụng ban đầu của công nghệ này là tăng tính hiển thị, minh bạch và hiệu quả quản lý thông tin trong chuỗi cung ứng.
Blockchain trong chuỗi cung ứng cho phép các công ty có quyền truy cập vào hồ sơ đầy đủ, chống giả mạo về đường đi và lịch sử của sản phẩm hoặc vật liệu thông qua mạng lưới chuỗi cung ứng. Thông tin được lưu trữ trong hồ sơ này có thể được chia sẻ với các bên khác trong mạng lưới khách hàng hay thậm chí với đối thủ cạnh tranh nếu cần.
Vào năm 2019, Volvo thông báo rằng họ đã sử dụng blockchain để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc của cobalt – thành phần hóa học được sử dụng trong pin xe điện – để đảm bảo sản phẩm của họ có nguồn gốc đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức. Cobalt phần lớn được khai thác ở CH Dân chủ Congo - nơi nhiều lao động phải làm việc trong điều kiện vô nhân đạo.
Blockchain sẽ không giải quyết được tất cả những thách thức mà các nhà sản xuất xe hơi đang phải đối mặt trong việc quản lý chuỗi cung ứng, thậm chí nó có thể tạo ra một số thách thức mới. Tuy nhiên, tác động của công nghệ này vẫn ở mức đáng kể, khi IBM dự đoán việc tận dụng lợi thế của blockchain sẽ làm tăng GDP toàn cầu thêm 5% và khối lượng thương mại thêm 15%.
Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain không chỉ giúp tạo nên nền tảng giao dịch an toàn trong dịch vụ vận tải mà còn giúp cải thiện chuỗi cung ứng của các hãng xe tốt hơn, thậm chí góp phần tăng GDP toàn cầu một cách đáng kể.
Tham khảo thông tin và đặt mua các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.
>> Tham khảo thêm: