Có nên tự học lái xe ô tô tại nhà không?
Khi ô tô trở thành phương tiện đi lại phổ biến thì việc học và thi lấy bằng lái xe ô tô cũng ngày càng được quan tâm. Hiện nay, khi các gia đình có sẵn xe, nhiều người chọn tự học lái xe ô tô ngay tại nhà với sự giúp sức của người thân trong quá trình học. Vậy theo quy định của pháp luật có cho phép người học chỉ cần tự học lái thì có thể tham gia kỳ thi sát hạch thực hành?
1. Tự học lái xe ô tô tại nhà có đúng quy định không?
Quy định về việc nên tự học lái xe ô tô tại nhà hay phải đến trung tâm đào tạo đã được quy định rất rõ tại Điều 8 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau:
- Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và ô tô hạng B1 được chủ động tự học các môn lý thuyết tại nhà, nhưng vẫn phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với việc tự học lý thuyết lái xe ô tô ở các các hạng A4, B1 thì phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo mới được phép tham gia kỳ thi xin cấp giấy phép lái xe
- Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Trong thời hạn trên 01 (một) năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.
Theo quy định trên, có thể thấy các giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên thì bắt buộc phải đăng ký học tập trung tại những cơ sở, trung tâm đào tạo và dạy lái xe chuyên nghiệp, được nhà nước cho phép hoạt động trước khi tham gia kỳ thi sát hạch lái xe để xin cấp hạng bằng lái xe đã đăng ký học và thi. Tuy nhiên người học hoàn toàn vẫn có thể tự ôn tập tại nhà để nắm vững kiến thức.
Như vậy chỉ khi nào đã hoàn thành xong khóa học đào tạo lái xe ở trung tâm đào tạo (có dữ liệu ghi lại) và được cấp chứng chỉ thì bạn mới có thể đăng ký thi sát hạch bằng lái xe ô tô.
Nói cách khác, nếu tự học lái xe mà không đến các trung tâm đào tạo lái xe chuyên nghiệp thì người học sẽ không đủ điều kiện để được xin cấp bằng lái xe ô tô.
2. Tự học lái xe ô tô tại nhà có thể gây ra những hậu quả gì?
Tự học lái xe ô tô tại nhà tuy có thể tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nhiều loại chi phí khác nhưng những điều cần biết khi học lái xe ô tô tại nhà là cũng có khả năng mang đến những hậu quả nghiêm trọng.
2.1. Về kỹ thuật thực hành lái xe
- Không nắm được rõ kỹ năng sử dụng chân để kiểm soát phanh và ga, dẫn đến không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông.
- Không có giáo trình bài bản, không nắm rõ được hết các bài thi cần thiết.
- Khả năng xử lý tình huống giao thông không nhanh nhạy, không đạt tiêu chuẩn
- Không được luyện tập các bài thực hành sa hình trong điều kiện tốt nhất.
- Không đủ điều kiện để xin cấp bằng lái xe ô tô.
Tìm hiểu thêm:>>
- Hướng dẫn cách lái xe cho người mới bắt đầu chi tiết
- Hướng dẫn cách lái xe số tự động an toàn cho người mới
2.2. Về pháp luật
Người hướng dẫn ngồi cạnh không có chuyên môn, nghiệp vụ để xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình tự học lái xe ô tô. Từ đó dễ xảy ra tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng của người lái, người hướng dẫn và cả những người tham gia giao thông trên đường.
Điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa có giấy phép lái xe, không sử dụng xe “Tập lái” là vi phạm pháp luật, có thể bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000VNĐ và sẽ bị tạm giữ xe đến 7 ngày làm việc và không quá 30 ngày nếu cần thiết. Ngoài ra nếu người tập lái không phải là chủ xe mà là xe đi mượn thì chủ sở hữu cũng sẽ phải chịu phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 VNĐ.
Tìm hiểu thêm:>>
- Quy chế thi bằng lái xe ô tô mới năm 2022 cần nên biết
- Những quy định mới nhất 2022 về giám sát học thực hành lái xe
3. Lựa chọn cơ sở đào tạo uy tín để học lái xe ô tô
Sân tập lái xe ô tô tại các cơ sở đào tạo không chỉ đơn giản là một khu đất trống. Điều kiện của một sân tập lái xe ô tô đã được quy định hết sức nghiêm ngặt tại khoản 13 Điều 5 của Thông tư 58/2015/TT - BGTVT như sau:
- Sân tập lái xe ô tô thuộc quyền sử dụng của cơ sở đào tạo lái xe. Nếu thuê sân tập lái xe phải có hợp đồng bằng hoặc dài hơn thời hạn của giấy phép đào tạo lái xe.
- Cơ sở đào tạo lái xe thường xuyên đào tạo trên 1.000 học viên phải đáp ứng ít nhất 2 sân tập.
- Sân tập lái xe ô tô phải được trang bị đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đầy đủ các tình huống bài học theo khung chương trình đào tạo.
- Mỗi loại hình tập lái phải có kích thước phù hợp tiêu chuẩn đối với từng hạng xe tương ứng.
- Sân tập lái phải có nhà chờ, ghế chờ cho học viên thực hành.
- Mặt sân đạt chuẩn phải có hệ thống thoát nước và cao độ phù hợp để không bị ngập nước.
- Bề mặt làn đường và sa hình tập lái được trải thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, vạch sơn kẻ đường và hình các bài tập lái phải đủ, sắc nét, rõ ràng.
Tìm hiểu thêm:>>Danh sách sân tập lái xe ô tô đạt tiêu chuẩn tại Hà Nội
Ngoài ra, đường tập lái xe ô tô do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải quy định phải có đủ các tình huống giao thông phù hợp với nội dung chương trình đào tạo như: đường bằng, đường hẹp, đường dốc, đường vòng, qua cầu, đường phố, thị xã, thị trấn. Tuyến đường tập lái (kể cả đường thuộc địa bàn tỉnh, thành phố khác) phải được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái.
Người muốn tham gia kỳ thi sát hạch lấy bằng lái cần đến các cơ sở đào tạo được cấp phép để được giảng dạy, hướng dẫn một cách bài bản nhất. Điều này là theo đúng quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn cho người học và những người tham gia giao thông khác.
Khách hàng có nhu cầu sở hữu các dòng ô tô điện VF e34, VF 8, VF 9 có thể đăng ký lái thử xe VinFast để trải nghiệm hệ thống an toàn và các tiện ích vượt trội của các dòng xe để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân.
Ngoài ra, nếu cần thêm thông tin về các dòng xe ô tô điện VinFast, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89 hoặc
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
*Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!