Có nên thay tất cả cuộn dây đánh lửa trong động cơ ô tô cùng lúc?
Các cuộn dây đánh lửa trong động cơ ô tô được điều khiển điện tử để tạo ra tia lửa điện cho bugi. Sau một thời gian sử dụng, bộ phận này bị hư hỏng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thay tất cả các cuộn cùng lúc.
Vai trò của cuộn dây đánh lửa đối với động cơ ô tô
Thuộc hệ thống đánh lửa thứ cấp của xe, cuộn dây đánh lửa là một phần không thể thiếu của hệ thống động cơ ô tô, có nhiệm vụ cung cấp tia lửa cho bugi.
Nhờ khả năng chuyển đổi dòng điện từ 12V lên 15.000 - 20.000V, thậm chí tích lũy đến 50.000 - 75.000V dưới tác dụng của cảm ứng điện từ, cuộn dây này có thể tạo ra tia lửa đủ mạnh để bắn qua khe hở của bugi và đánh lửa đốt cháy nhiên liệu trong buồng đốt.
Do đó, hoạt động của bộ phận này ảnh hưởng không nhỏ đến việc khởi động động cơ và hiệu suất đốt cháy nhiên liệu.
Khi nào nên thay cuộn dây đánh lửa?
Sau một thời gian hoạt động, cuộn dây đánh lửa có thể hoạt động kém, bị cháy hoặc hỏng hoàn toàn. Khi đó tia lửa bị yếu, không đánh lửa hoặc sai lệch thời gian đánh lửa dẫn đến hiệu suất vận hành của động cơ bị kém hoặc xảy ra hiện tượng bỏ máy. Đây là lúc cần phải thay thế cuộn dây.
Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết cuộn dây đánh lửa hoạt động kém hay bị hỏng là khí thải qua ống xả có màu đen. Hiện tượng này xảy ra khi nhiên liệu trong các xi lanh chưa được đốt cháy hoàn toàn thoát ra ngoài qua ống xả.
Một dấu hiệu khác cho thấy cuộn dây đánh lửa đã gặp vấn đề đó là xe chạy tốn xăng hơn bình thường. Bởi vì bộ phận này bị lỗi gây ảnh hưởng đến khả năng đánh lửa, hiệu suất đốt cháy thấp hơn bình thường buộc hệ thống phải bơm thêm nhiên liệu để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho động cơ hoạt động.
Xe phát ra tiếng ồn bất thường lúc khởi động, khi lái xe ở tốc độ cao xuất hiện hiện tượng giật và vọt ga, thậm chí xe bị rung ngay khi dừng đèn đỏ. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy cuộn dây đánh lửa đã bị hỏng và cần được thay thế.
Cuộn dây đánh lửa bị lỗi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc xe bị chết máy đột ngột. Trong tình huống này, lái xe có thể thử khởi động lại và đi tiếp nếu cuộn dây bị lỗi không quá nghiêm trọng.
Khi cuộn dây của hệ thống đánh lửa bị lỗi, đèn kiểm tra động cơ sẽ bật sáng trên bảng điều khiển và hiển thị mã lỗi P0351 (trục trặc cuộn dây đánh lửa hoặc mạch chính/phụ). Khi đó, quét mã lỗi là cách dễ dàng nhất để khắc phục sự cố. Chủ xe có thể tự thực hiện hoặc nhờ tới sự trợ giúp của thợ sửa ô tô chuyên nghiệp.
Có nên thay tất cả cuộn dây đánh lửa trên động cơ ô tô cùng lúc?
Mỗi xi lanh có 1 cuộn dây đánh lửa riêng và khi 1 cuộn hỏng thì sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các cuộn dây hoặc xi lanh khác. Ngoài ra, các cuộn dây đi kèm với động cơ ban đầu thường đã được kiểm định kỹ và xác định tương thích với động cơ. Nếu thay cuộn dây khác chưa được kiểm định chất lượng hoặc không tương thích sẽ làm giảm hiệu suất hoạt động của động cơ. Do đó, nếu kiểm tra các cuộn dây đánh lửa mà chỉ phát hiện 1 vài cuộn hoạt động kém hay bị hỏng thì người sửa chữa không nên thay tất cả các cuộn mà chỉ cần thay thế những cuộn bị lỗi.
Bên cạnh đó, cuộn dây đánh lửa cũng có tuổi thọ nhất định nên khi gần hết thời hạn hoạt động theo khuyến nghị của nhà sản xuất (có trên thông số kỹ thuật) thì chủ xe nên thay thế các cuộn dây để đảm bảo hiệu suất và an toàn của động cơ. Thời điểm thích hợp để thay thường là khi xe đã chạy được khoảng 193.000 – 240.000 km. Chủ sở hữu xe ô tô có thể yêu cầu kỹ thuật viên kiểm tra chức năng hoạt động của các cuộn dây này khi bảo trì, bảo dưỡng xe để xác định được thời điểm chính xác nhất.
Tham khảo thông tin chi tiết và đăng ký lái thử các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.