Chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người tham giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không ít các trường hợp người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong trường hợp này, hành vi chở người không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu và đối tượng chịu phạt là ai?
1. Lỗi chở người không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điều 30 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
Như vậy, không chỉ người điều khiển xe máy mà người ngồi sau xe máy cũng phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Hành vi chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm là trái với luật và người điều khiển sẽ phải chịu các mức phạt theo quy định.
Theo điểm b khoản 6 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) có hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng quy cách sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Đối với hành vi vi phạm lỗi chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển sẽ bị xử phạt theo hình thức giữ xe và tước Giấy phép lái xe.
Như vậy, khi chở người không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông đường bộ sẽ bị phạt lên đến 600.000 đồng, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Đội mũ bảo hiểm kém chất lượng có bị phạt không?
Mũ bảo hiểm là vật dụng đảm bảo an toàn cho người điều khiển và người ngồi trên xe, hạn chế nguy hiểm do những va chạm bất ngờ. Tuy nhiên, không ít người tham gia giao thông hiện nay xem nhẹ việc đội mũ bảo hiểm chất lượng.
Theo nghiên cứu của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á 2019, 90% mũ bảo hiểm được kiểm định (trong tổng số 540 mũ) không đạt yêu cầu về chất lượng và độ an toàn theo QCVN2:2008.
Đối với vấn đề xử phạt hành chính liên quan đến đội mũ bảo hiểm, điểm k, khoản 34 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với các hành vi:
- Người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
- Người điều khiển phương tiện có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhưng không cài quai đúng cách
- Người được chở ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm
- Người được chở ngồi sau xe đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng cách
Như vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định xử phạt đối với việc người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại mũ bảo hiểm không đảm bảo an toàn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người điều khiển và cả người ngồi trên xe.
Hầu hết các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng trên thị trường hiện nay đều có cấu tạo phần vỏ và lớp chống xung động không tốt. Nhiều sản phẩm mũ có hình thức, màu sắc bắt mắt, nhưng qua kiểm nghiệm đều không đạt chuẩn. Sử dụng các loại mũ bảo hiểm này không bảo vệ tốt cho người dùng khi xảy ra va chạm. Thay vào đó, người dùng nên lựa chọn các loại mũ bảo hiểm đạt chất lượng, chứng nhận đạt chuẩn và tem mác đầy đủ để bảo vệ an toàn cho chính bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần lưu ý sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách, cài quai vừa vặn để tránh mũ bị xô dịch trong quá trình di chuyển gây nguy hiểm.
3. Hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách
Đội mũ bảo hiểm đúng cách khi tham gia giao thông là để bảo vệ cho sự an toàn của người điều khiển và người ngồi trên xe. Do đó, người tham gia giao thông nên lựa chọn các dòng mũ bảo hiểm chất lượng và kích cỡ vừa đầu.
Người dùng nên ưu tiên các loại mũ bảo hiểm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng và có giấy tờ kiểm chứng chất lượng. Thiết kế mũ cứng cáp, có lớp xốp bên trong để đảm bảo an toàn khi xảy ra va đập. Các loại mũ có kích cỡ vừa vặn với đầu, phần dây quai có thể tùy chỉnh linh hoạt là tốt nhất.
Ngoài việc chọn ra một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng, người dùng cũng cần tham khảo cách đội mũ bảo hiểm đúng cách với ba bước như sau:
- Bước 1: Mở dây quai mũ sang hai bên cho thẳng và đội mũ lên đầu sao cho vành dưới mũ song song với chân mày.
- Bước 2: Chỉnh khóa bên của dây quai mũ sao cho dây quai mũ nằm sát phía dưới tai.
- Bước 3: Cài khóa nằm ở dưới phía cằm và chỉnh quai mũ sao cho có thể nhét hai ngón tay dưới cằm.
Bên cạnh đó, khi sử dụng mũ bảo hiểm, người dùng nên có một số lưu ý như sau:
- Đảm bảo dây quai mũ được điều chỉnh vừa vặn
- Trường hợp người dùng buộc tóc cao, không đội mũ hở phần sau đầu quá nhiều, không đảm bảo an toàn.
- Không được sử dụng lại mũ đã qua va chạm mạnh, kể cả trường hợp mũ không có dấu hiệu vỡ hay nứt.
Trên đây là phần giải đáp liên quan đến vấn đề chở người không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu. Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên các phương tiện xe máy hay xe máy điện, người dùng cần chấp hành tốt các quy định về việc đội mũ bảo hiểm.
Khách hàng có thể đặt mua xe máy điện VinFast thế hệ mới để được trải nghiệm khả năng vận hành ấn tượng cùng loạt tính năng thông minh, tiện ích đón đầu xu hướng.
Để hỗ trợ tư vấn và biết thêm về các sản phẩm xe máy điện của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn VinFast : 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo
>>> Tìm hiểu thêm:
- Quy định xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm mới nhất 2024
- Mức phạt lỗi đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm mới nhất