Các công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm phổ biến hiện nay
Lái xe ban đêm khiến người điều khiển dễ rơi vào tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi, mất tập trung,... Bên cạnh đó, trời tối cũng khiến tầm nhìn của người lái bị hạn chế, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, các dòng xe hiện đại đều được nhà sản xuất trang bị các công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm, giúp tài xế vững tay lái trên hành trình.
1. Công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm là gì?
Công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm bao gồm các hệ thống hỗ trợ quan sát, cảnh báo an toàn trong quá trình di chuyển giúp người lái khắc phục những khó khăn và hạn chế rủi ro khi lái xe ban đêm, đặc biệt là trong những hành trình dài.
Các công nghệ này hoạt động tự động, thích ứng với hành trình di chuyển của xe và hỗ trợ người điều khiển lái xe an toàn. Bên cạnh đó, các hệ thống cảnh báo rủi ro sẽ giúp người lái ngăn chặn sự cố, hạn chế hoặc khắc phục kịp thời khi có tai nạn xảy ra.
2. Các công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm phổ biến hiện nay
Hiện nay, trên nhiều dòng xe được trang bị sẵn các công nghệ thông minh, hiện đại hỗ trợ người lái an toàn hơn khi di chuyển ban đêm.
2.1. Công nghệ kiểm soát hành trình thích ứng
Hệ thống kiểm soát hành trình - Cruise Control là công nghệ hỗ trợ người lái giữ xe có thể duy trì tốc độ mong muốn mà không cần đạp ga. Nếu cần điều chỉnh tốc độ, người lái chỉ cần bấm nút tăng/giảm trên vô-lăng. Trong trường hợp gặp chướng ngại vật, lái xe chỉ cần đạp phanh, hệ thống sẽ tự động ngắt.
Cruise Control mang lại sự thoải mái, giảm bớt mệt mỏi cho người điều khiển xe trên các chặng đường dài. Đồng thời, việc duy trì tốc độ ổn định sẽ khiến vòng tua máy gần như ở mức lý tưởng, làm giảm đáng kể lượng nhiên liệu tiêu hao của xe. Tuy nhiên, Cruise Control chỉ có thể phát huy tác dụng tối đa nếu di chuyển trên đường cao tốc, đường quốc lộ với điều kiện giao thông thông thoáng, ít xe qua lại.
Khi giao thông trở nên đông đúc, người lái cần điều chỉnh tốc độ liên tục thì hệ thống này không đem lại nhiều hiệu quả. Từ cơ sở đó, công nghệ kiểm soát hành trình thích ứng - Adaptive Cruise Control (ACC) được nghiên cứu, phát triển và ra đời. Đây là tính năng được nâng cấp từ Cruise Control, sử dụng cảm biến để tính toán và tự động tăng/giảm tốc độ đồng thời hỗ trợ giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Ban đầu, ACC chỉ xuất hiện trên những dòng xe cao cấp. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà sản xuất trang bị sẵn Cruise Control hay Adaptive Cruise Control trên các mẫu xe ở phân khúc bình dân hơn.
Mặc dù hệ thống kiểm soát hành trình này rất hiện đại, có nhiều ưu điểm, người lái vẫn phải giữ sự tỉnh táo, tập trung để xử lý các tình huống và tuân thủ đúng quy định khi tham gia giao thông.
>>>Tìm hiểu thêm: Ưu nhược điểm của hệ thống kiểm soát hành trình ô tô Cruise Control
2.2. Bộ điều khiển ánh sáng
Cảm biến ánh sáng trên ô tô (cảm biến tự động bật đèn ô tô) là công nghệ xe ô tô có chức năng tự điều chỉnh hệ thống đèn chiếu sáng qua camera và cảm biến quang. Hệ thống này có tác dụng điều chỉnh mức độ sáng của đèn xe phù hợp với điều kiện ánh sáng bên ngoài. Cụ thể, khi lái xe qua khu vực tối, đèn xe sẽ tự động bật. Điều tương tự xảy ra khi ở điều kiện ánh sáng bình thường, đèn sẽ tự động tắt.
Trên các xe ô tô, bộ điều khiển ánh sáng tiêu chuẩn gồm 3 bộ phận chính:
- Tế bào quang điện
- Bộ phận điều khiển
- Bộ phận rơ le nhỏ
Cảm biến ánh sáng trên ô tô hoạt động nhờ bộ điều khiển ECU tiếp nhận thông tin và kích hoạt, sau đó điều chỉnh độ sáng và góc chiếu phù hợp, đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển lái xe ô tô ban đêm an toàn hơn. Đặc biệt, một số loại cảm biến có tính năng chuyển tự động còn có nhiều chế độ chiếu sáng khác nhau:
- Chế độ đèn chiếu gần: Sử dụng khi di chuyển ở nơi có cường độ ánh sáng cao
- Chế độ đèn chiếu xa: Sử dụng khi ánh sáng bên ngoài yếu
>>> Tìm hiểu thêm: Đèn pha tự động có cấu tạo và nguyên lý hoạt động như thế nào?
2.3. Phanh khẩn cấp tự động
Phanh khẩn cấp tự động (Automatic Emergency Braking) là hệ thống phanh sử dụng các cảm biến radar, laser hay camera để quan sát và phát hiện ra những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn. Sau khi tính toán cẩn thận, hệ thống sẽ cảnh báo nguy cơ cho người lái thông qua bảng điều khiển trung tâm trên xe hoặc bằng âm thanh. Trong tình huống khẩn cấp, xe có thể tự động phanh để tránh tai nạn nghiêm trọng.
Một nghiên cứu của Chương trình Đánh giá xe mới châu Âu (Euro NCAP) cho thấy phanh khẩn cấp AEB giúp giảm 38% các vụ va chạm từ phía sau. Một nghiên cứu khác trên 104 vụ va chạm được thực hiện bởi trường đại học Adelaide (Úc) chỉ ra rằng AEB có thể làm giảm 20 - 25% các vụ va chạm nghiệm trọng và 25 - 30% khả năng bị thương.
Tuy nhiên, hệ thống phanh khẩn cấp tự động chỉ hoạt động tốt nhất ở điều kiện sử dụng thông thường. Nếu xe đang di chuyển với tốc độ cao, lực phanh sẽ không đủ mạnh để dừng xe hoàn toàn. Vì vậy, người lái không nên quá phụ thuộc vào hệ thống này.
2.4. Camera hỗ trợ quan sát ban đêm
Hệ thống camera quan sát ban đêm giúp phát hiện những chướng ngoại vật vượt ngoài phạm vi chiếu sáng của cụm đèn pha, phản ánh tình hình thực tế của con đường. Bên cạnh đó, camera nhìn ban đêm còn giúp lái xe dễ phát hiện những vật thể không có phản quang hơn. Cụ thể như người đi bộ, động vật khó nhìn thấy. Điều này giúp người điều khiển xe chủ động đưa ra các phương pháp xử lý an toàn trong các tình huống khác nhau.
Thông thường, các nhà sản xuất trang bị 2 loại camera nhìn ban đêm trên ô tô:
- Camera chủ động: Sử dụng tia hồng ngoại để chiếu sáng. Cụ thể, các tia phản xạ từ vật thể sẽ được camera ghi lại và truyền đến bộ phận điều khiển và đưa ra cảnh báo cho người lái thông qua màn hình trung tâm trên xe. Điểm đặc biệt của thiết bị này là ghi lại được hình ảnh rõ nét với độ phân giải cao và có phạm vi quan sát lớn.
- Camera thụ động: Sử dụng camera nhiệt, phát hiện bức xạ nhiệt để phân biệt con người, động vật hay vật thể trên đường. Sau đó, camera này sẽ hiển thị thông tin trên màn hình thông báo dưới dạng hình ảnh đen trắng.
Camera hỗ trợ ban đêm xuất hiện từ những năm 2000 và thường xuyên được cải tiến, tích hợp thêm nhiều tính năng thông minh, hiện đại hơn. Rất nhiều người tiêu dùng đánh giá cao công nghệ này. Tuy nhiên, cho đến nay, camera quan sát ban đêm vẫn chỉ xuất hiện trên một số dòng xe hạng sang.
2.5. Công nghệ phát hiện điểm mù
Điểm mù là những vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất mà người lái không quan sát được qua gương chiếu hậu hay nhìn trực tiếp. Nhằm giúp người lái có thể phát hiện những chướng ngại vật nằm trong điểm mù, các nhà sản xuất đã trang bị thêm tính năng cảnh báo điểm mù (BSM - Blind-Spot Monitoring) trên xe.
BSM là một phần của hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS), nó sử dụng cảm biến để theo dõi các vị trí bị khuất tầm nhìn, phát hiện và cảnh báo cho người lái xe nếu phát hiện chướng ngại vật bên trong những phạm vi đã được cài đặt sẵn. Hệ thống cảnh báo điểm mù gồm 2 loại:
- Hệ thống cảnh báo điểm mù xe ô tô chủ động: Gồm các bộ phát sóng điện từ gắn trên gương chiếu hậu, quanh thân xe và cản sau. Nó có nhiệm vụ phát ra sóng điện từ và có thể được gắn thêm camera trên hai gương chiếu hậu. Nếu phát hiện có phương tiện di chuyển gần hông xe, bộ phát sóng điện từ sẽ nhận biết và gửi tín hiệu về bộ điều khiển, sau đó cảnh báo cho người lái. Trên một số dòng xe, hệ thống này còn hỗ trợ hướng dẫn người lái cách xử lý tình huống.
- Hệ thống cảnh báo điểm mù xe ô tô bị động: Gồm một gương cầu lồi nhỏ được gắn ở góc gương chiếu hậu giúp người lái quan sát những điểm bị khuất. Hệ thống đơn giản này hiện nay vẫn được sử dụng phổ biến và khá hiệu quả, đặc biệt là có khả năng tiết kiệm chi phí cao.
Với thiết kế 2 camera như trên, hệ thống cảnh báo điểm mù hoạt động dựa trên nguyên lý rất đơn giản. Bộ phát sóng điện tử được gắn trên gương chiếu hậu, quanh thân xe hay cản sau sẽ phát hiện điểm mù, sau đó gửi thông báo đến hệ thống. Tiếp theo hệ thống cảnh báo cho người lái bằng âm thanh, tạo cơ chế rung vô lăng và hiển thị hình ảnh trên màn hình trung tâm.
>>> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn lắp đặt hệ thống cảnh báo điểm mù BSM
2.6. Hệ thống cảnh báo va chạm
Hệ thống cảnh báo va chạm (Pre - collision System) là trang bị thông minh giúp nhận diện và cảnh báo những sự cố có thể xảy ra. Trang bị hệ thống này giúp ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng nếu lái xe xảy ra va chạm. Công nghệ này ngày càng phổ biến và được trang bị trên hầu hết các dòng xe hơi, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho người lái và các phương tiện xung quanh.
Hệ thống cảnh báo va chạm trên xe ô tô hoạt động nhờ vào camera hành trình quan sát, GPS định vị, cảm biến radar hoặc laser và ứng dụng AI phát hiện bất thường trong khi di chuyển. Nếu nhận thấy chướng ngại vật hoặc trường hợp gây nguy cơ tai nạn, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh trên màn hình điều khiển, hoặc tạo cơ chế hiệu rung vô lăng, giúp người lái kịp thời điều chỉnh.
Trong trường hợp khoảng cách giữa 2 xe không đảm bảo an toàn, hệ thống cảnh báo va chạm sẽ gửi thông tin tới cho lái xe. Nếu người lái không phản hồi thì một số hệ thống khác như phanh hay căng dây an toàn sẽ tự động can thiệp để giảm thiểu nguy hiểm.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách sử dụng hệ thống cảnh báo va chạm trên VinFast VF e34
2.7. Thiết bị cảnh báo buồn ngủ khi lái xe
Mệt mỏi, buồn ngủ khi lái xe là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn khi lái xe ô tô ban đêm. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy sự ra đời của hệ thống cảnh báo khi phát hiện người lái có dấu hiệu buồn ngủ.
Thiết bị này bao gồm camera gắn trên vô-lăng, cảm biến theo dõi mắt và các dấu hiệu khác như tần số ngáp, tần suất chớp mắt, chuyển động nhìn của mắt, cử động đầu và nét mặt. Trí tuệ nhân tạo sẽ thu thập những thông tin người lái và phân tích để nhận ra các dấu hiệu của sự mệt mỏi, sau đó đưa ra các cảnh báo thông qua âm thanh hoặc hành động như rung ghế.
Thiết bị cảnh báo buồn ngủ là một phần của hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao ADAS. Nếu gặp tình huống khẩn cấp mà người lái không kịp xử lý, xe sẽ tự động phanh để tránh tai nạn nghiêm trọng.
2.8. Công nghệ hỗ trợ di chuyển đúng làn
Công nghệ hỗ trợ di chuyển đúng làn (Lane-keeping Assist System - LAS) sử dụng camera gắn trên kính chắn gió để nhận biết vạch kẻ làn đường. Đây là một trong những trang bị hỗ trợ người lái, cung cấp tính năng cảnh báo chệch làn và giữ làn đường, được kích hoạt nếu xe rời khỏi làn đường định sẵn.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường hoạt động ở dải tốc độ 65 - 180km/h và được kích hoạt bởi người lái. Do đó, LAS chỉ phát huy tối đa tác dụng khi xe di chuyển trên đường cao tốc. Nếu nhận thấy xe đi chệch sang làn đường khác, hệ thống sẽ bắt đầu khởi động các tính năng hỗ trợ, cảnh báo cho lái xe. Tuy nhiên, khi đã kích hoạt LAS, người lái vẫn phải chịu trách nhiệm tập trung điều khiển xe. Thuật toán nội bộ sẽ tính toán xe người lái có giữ vô lăng hay không. Nếu phát hiện thao tác của lái xe không đúng, hệ thống phần mềm hỗ trợ lái xe ô tô này sẽ phát cảnh báo và ngừng hoạt động.
Công nghệ hỗ trợ di chuyển đúng làn có vai trò quan trọng trong việc cảnh báo và hỗ trợ người lái kiểm soát làn đường khi di chuyển ở tốc độ cao. Cụ thể:
- Giúp xe tránh đi chệch làn đường: Khi nhận thấy xe có thể đi chệch làn đường do sự bất cẩn của người lái, hệ thống sẽ phát ra cảnh báo và hỗ trợ đánh lái để đưa xe về đúng làn.
- Giữ xe đi đúng làn đường: LAS hỗ trợ đánh lái liên tục giúp lái xe tập trung vào đúng làn đường. Ở những khúc cua, hệ thống này còn hướng dẫn cho lái xe những góc lái phù hợp với độ cua để điều khiển xe an toàn hơn.
3. Những lưu ý khi sử dụng công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm
Hiện nay, các công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm chỉ được trang bị sẵn trên một số dòng xe. Do đó, nhiều chủ sở hữu đã lựa chọn lắp đặt thêm các thiết bị phù hợp dựa trên tiêu chuẩn và thông số của xe. Tuy nhiên, chủ xe không nên lắp những thiết bị có thể gây ảnh hưởng đến thiết kế nguyên bản của nhà sản xuất. Điều này có thể dẫn đến các hư hỏng hệ thống điện trên xe hoặc vi phạm quy định của Luật giao thông.
Bên cạnh đó, chủ xe cần tìm hiểu các showroom, cửa hàng lắp đặt uy tín cung cấp các phụ kiện chính hãng, chất lượng cao và có bảo hành. Nhờ đó giúp đảm bảo thiết bị có thể hoạt động hiệu quả, bền bỉ, tối ưu công năng sử dụng.
Đặc biệt, người lái không được chủ quan, phụ thuộc 100% vào các công nghệ hỗ trợ này khi tham gia giao thông. Chủ xe vẫn cần chú ý quan sát để kịp thời xử lý nếu có tình huống bất ngờ. Ngoài ra, việc tập trung cao độ cũng giúp lái xe tuân thủ đúng Luật giao thông
Bên cạnh giá cả, kiểu dáng và khả năng vận hành, công nghệ hỗ trợ lái xe ban đêm cũng dần trở thành tiêu chí quan trọng khi chọn mua xe của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là công nghệ hỗ trợ quá trình di chuyển, lái xe vẫn phải tập trung điều khiển xe và kiểm soát các tình huống bất ngờ. Do đó, nếu cảm thấy mệt mỏi hay đường đi ban đêm khó khăn, chủ xe nên sắp xếp dừng lại và vào nơi an toàn nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục hành trình khi trời sáng.
Khách hàng có ý định sở hữu xe xanh cũng có thể tham khảo thêm thông tin và đặt cọc VF 8, VF e34 online để trải nghiệm khả năng vận hành mạnh mẽ, tính năng thông minh, công nghệ hiện đại được trang bị trên xe và nhận những ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Riêng với những khách hàng đã đặt cọc VinFast VF 8 với số tiền 10 triệu đồng trước ngày 6/4/2022 có thể liên hệ Showroom đã đặt cọc trước đó để bổ sung thêm 40 triệu đồng và ký hợp đồng mua bán chính thức, hoặc nộp cọc bổ sung VF 8 trực tuyến thông qua website. VinFast sẽ giao xe theo thứ tự đơn hàng nộp đủ 50 triệu tiền đặt cọc và ký hợp đồng mua bán chính thức VF 8.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm: