Yếu tố nào khiến tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô còn thấp
Để ngành công nghiệp ô tô có những bước phát triển đột phá, việc nội địa hóa sản phẩm giúp mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí đầu tư là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần khắc phục mới có thể nâng cao tỷ lệ này, hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuất ô tô vươn mình mạnh mẽ.
Tình hình nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô hiện nay
Trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nêu ra một thực tế rằng tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn thấp. Nếu chỉ tính riêng xe thương mại thì tỷ lệ này đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên xe ô tô cá nhân (xe ô tô con) lại có tỷ lệ nội địa hóa thấp so với kỳ vọng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra những con số biết nói để chứng minh cho sự hạn chế trong quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô ở nước ta.
Với xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên và xe chuyên dụng, quá trình sản xuất trong nước đã đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường trong nước. Với tỷ lệ nội địa hóa từ 45% đến 55% thì đây là những con số rất khả quan, vượt chỉ tiêu quy hoạch ngành ô tô đã đề ra.
Trong khi đó tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi đã đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 30 - 40%. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ này mới chỉ đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Đây có thể nói là con số khá thấp so với kỳ vọng, đặc biệt là khi so sánh với tổng linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất ô tô hàng năm mà nước ta nhập khẩu. Đồng thời khi so sánh tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (trung bình 65 – 70%) sẽ thấy ngay sự chênh lệch rất lớn.
Thách thức và giải pháp “nội địa hóa” ngành công nghiệp ô tô
Nhìn vào thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng Việt Nam là thị trường còn non trẻ khi xếp vị trí thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN. Vì thế, chi phí để sản xuất, lắp ráp và hoàn thiện một chiếc xe sẽ cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô bằng việc mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện, phụ tùng chất lượng. Đây sẽ là bước thúc đẩy thị trường ô tô phát triển mạnh hơn, giảm giá thành sản phẩm, kích cầu và tăng doanh số.
Vấn đề thứ hai mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải đối mặt đó là sự hạn chế về chính sách dài hạn. Chỉ khi đưa ra được các chính sách hiệu quả thì mới có thể đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỷ lệ hợp lý giữa các dòng xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Điều này có thể được Chính phủ hiện thực hóa bằng cách đưa ra chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Vì Việt Nam là một thị trường nhỏ, công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế nên các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về cung ứng linh phụ kiện cho các hãng ô tô toàn cầu có trụ sở lắp ráp tại nước ta. Vì thế trong tương lai, việc đổi mới và hoàn thiện công nghệ là điều cần thiết, bên cạnh đó là thu hút thêm nhiều những công ty chuyên sản xuất phụ tùng đầu tư và xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Hy vọng trong những năm tiếp theo, với những chính sách, hướng đi đúng đắn của cả Nhà nước và các doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô có những chuyển biến rõ rệt, xứng đáng với kỳ vọng và tiềm năng của thị trường.
Tham khảo thông tin chi tiết và đăng ký lái thử và đặt mua các dòng xe ô tô VinFast qua website hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.