Xu hướng phát triển xe điện tại Đông Nam Á

Tiêu thụ ô tô tại Đông Nam Á tăng trưởng mạnh nhất thế giới, kéo theo đó là những vấn đề về môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, xe điện hóa là giải pháp hàng đầu được các quốc gia hướng đến. Xu hướng phát triển xe điện tại Đông Nam Á là cực kì cần thiết để cải thiện môi trường và sức khỏe con người tại đây.

Xe điện hóa đang là xu hướng của toàn thế giới, vừa qua, châu Âu đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới. Và xu hướng xe điện hóa cũng sẽ trở thành điều tất yếu tại Đông Nam Á khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng nghiêm trọng ở khu vực này, đặc biệt là các thành phố lớn.

Vì sao Đông Nam Á cần thực hiện xe điện hoá

Xu hướng phát triển xe điện tại Đông Nam Á giúp cải thiện môi trường từ việc ùn tắc diện rộng
Các thành phố lớn tại các quốc gia Đông Nam Á thường xảy ra tắc nghẽn giao thông, kéo theo nhiều vấn đề về môi trường và sức khỏe con người (Nguồn: Sưu tầm)

Hiệp hội ôtô ASEAN (AAF) gồm 8 quốc gia thành viên: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Indonesia, Malaysia và Brunei. 

Theo báo cáo của AAF về số liệu thống kê kết quả bán hàng 8 quốc gia thành viên vào tháng 2 năm 2020, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu về doanh số với 792.146 xe bán ra. Xếp ở vị trí thứ 2 là Indonesia với 532.027 xe. Vị trí thứ 3 thuộc về Malaysia, bán được 522.573 xe trong năm 2020. Vượt qua Philippines, Việt Nam vươn lên nắm vị trí thứ 4. Cũng theo số liệu của AAF, thị trường ôtô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 296.634 chiếc xe các loại trong năm 2020, nhiều hơn Philippines khoảng 73.000 xe.

Lượng tiêu thụ ô tô tại Đông Nam Á tăng trưởng mạnh như vậy, bên cạnh các vấn đề phát sinh do tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng cũng là một vấn đề lớn do hầu hết các phương tiện đều chạy bằng xăng hoặc diesel.

Theo nghiên cứu của Khoa Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Indonesia, tại Thủ đô Jakarta, có tới 58% các trường hợp mắc bệnh trong thành phố này có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tình trạng này sẽ còn diễn biến tệ hơn khi nhu cầu sử dụng ô tô ngày một tăng cao.

Tại Việt Nam cũng như Thái Lan, chất lượng không khí ở những thành phố lớn ngày càng báo động khi lượng xe sử dụng xăng dầu gia tăng, chưa kể các phương tiện cũ với công nghệ kiểm soát khí thải hạn chế, hàng ngày gây tắc nghẽn đường phố và thải ra một lượng lớn khí thải gây ô nhiễm không khí. 

Thực trạng này đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á cần có bước chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh. Vì vậy, xu hướng xe điện hóa cũng sẽ là điều tất yếu ở khu vực Đông Nam Á và là giải pháp hiệu quả cho bài toán an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng chất lượng cuộc sống, bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu. 

>>> Tìm hiểu thêm: Xu hướng và sự phát triển trên thị trường xe điện

Các nước Đông Nam Á thực hiện chính sách thúc đẩy xe điện hoá

Cuộc đua điện khí hóa ô tô đang bắt đầu diễn ra mạnh mẽ tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Theo một nghiên cứu có chủ đề “Tương lai của xe điện ở Đông Nam Á” do Nissan và Frost & Sullivan - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Quốc tế thực hiện năm 2018, khoảng 1/3 người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng chi tiền để mua một chiếc xe ô tô điện. Trong đó, người tiêu dùng tại Thái Lan, Philippines và Indonesia rất quan tâm và hào hứng với kế hoạch này.

Chính sách thúc đẩy xe điện hoá tại Thái Lan

Thị trường xe điện Châu Á khởi sắc khi vấn đề môi trường tăng cao
Thái Lan đặt mục tiêu sẽ sản xuất hơn 1 triệu xe điện vào năm 2025, trong đó có 250.000 xe thuần điện (Nguồn: Sưu tầm)

Thái Lan đang là quốc gia có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất. Từ năm 2009, xu hướng xe điện hóa đã bắt đầu xuất hiện tại Thái Lan với dòng xe hybrid (sử dụng cả xăng và điện). Theo số liệu thống kê từ Bloomberg, tỷ lệ xe điện chiếm 12% số lượng bán ra tại Thái Lan, tương đương 35.000 xe vào năm 2020.

Giai đoạn từ 1992-2004, Thái Lan áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô dựa trên dung tích động cơ (giống Việt Nam hiện nay). Năm 2004, cách thức tính thuế thay đổi, chuyển từ dung tích sang lượng nhiên liệu tiêu thụ. Từ 2016, Thái Lan lại thay đổi một lần nữa, áp dụng thuế dựa vào mức phát thải CO2.

So sánh mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô giữa xe chạy động cơ đốt trong tốn nhiều nhiên liệu nhất và xe điện, thì mức thuế của chiếc xe chạy thuần điện chỉ khoảng 8%, bằng một phần tư xe chạy động cơ xăng, dầu. Tuy nhiên, sau năm đầu tiên triển khai, doanh số chỉ đạt 9.919 xe tương đương 0,1% thị phần, nhưng đến năm 2017 con số này tăng lên đáng kể, đạt 14.121 xe, tức 0,4% thị phần, và năm 2020 đã tăng lên 12%.

Tại Thái Lan, giá thành sản phẩm cao cùng với việc thiếu các trạm sạc xe điện là một trong những lý do khiến xe điện chưa thể phổ biến. Để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác, Ủy ban Xe thế hệ mới Quốc gia do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan - ông Supattanapong Punmeechaow đã yêu cầu tất cả các cơ quan, các ban ngành cùng kết hợp, hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình sản xuất xe điện.

Theo đó, Thái Lan đặt mục tiêu sẽ sản xuất 1,051 triệu xe điện vào năm 2025, trong đó có 250.000 xe thuần điện, đồng thời phát triển một trung tâm xe điện của cả khu vực ASEAN. Đến năm 2035, tổng số xe chạy bằng điện sẽ đạt 18,41 triệu chiếc, gồm 8,62 triệu ô tô, xe bán tải, 9,33 triệu xe máy và 458.000 xe buýt và xe tải điện.

Chính sách thúc đẩy xe điện hoá tại Indonesia

Chính sách miễn thuế thúc đẩy xe điện tại Indonesia
Indonesia miễn thuế hoàn toàn cho xe thuần điện (Nguồn: Sưu tầm)

Ở Indonesia, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng 20% sản lượng xe ô tô bán ra, bao gồm xe điện và xe hybrid vào năm 2025 và tăng dần lên hơn 25% vào năm 2030.

Từ năm 2016, Indonesia đã bắt đầu xây dựng bộ dự thảo thuế dành cho phương tiện giao thông, căn cứ theo mức phát thải khí CO2. Dự thảo được triển khai thực tế vào đầu năm 2021 và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bởi còn nhiều điểm chưa đồng nhất trong mức thuế suất giữa các các loại xe PHEV (Plug-in Hybrid electric vehicle - xe sử dụng cả xăng và điện), BEV (Battery electric vehicle - xe thuần điện, có sạc pin) và FCEV (Fuel Cell Electric Vehicle - xe điện chạy bằng pin, nhưng không sạc mà điện được “sản xuất tại chỗ” từ một phản ứng hoá học của khí hydro ngay trên xe). Mức thuế cho xe từ PHEV trở lên là 0-5% tính theo mức độ xả thải của từng xe.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã ký thêm một đạo luật, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng pin và cũng muốn xây dựng một trung tâm xe điện của các nước ASEAN. Gần đây, quốc đảo này đã hoàn tất những bước cuối cùng trong kế hoạch hợp tác với Tesla đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất pin cho xe ô tô điện, tận dụng nguồn niken dồi dào tại đây.

Chính sách thúc đẩy xe điện hoá tại Malaysia

Xe ô tô điện MINI Cooper SE 2020 tại Malaysia
Xe ô tô điện MINI Cooper SE 2020 ra mắt tại Malaysia (Nguồn: Sưu tầm)

Malaysia áp dụng mức cố định 10% thuế tiêu thụ đặc biệt cho toàn bộ các dòng xe điện. Trong khi đó, xe sử dụng động cơ xăng và dầu bị áp mức 60-105%. Việc áp dụng các mức cố định giúp quốc gia này giảm chi phí kiểm định và tránh phức tạp trong khâu quản lý.

Mới đây Chính phủ Malaysia cũng tuyên bố đang nỗ lực xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy xe điện hóa. Ông Datuk Madani Sahari, Giám đốc điều hành Viện công nghiệp ô tô Malaysia (MARii) nhận định rằng Chính phủ Malaysia hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của điện khí hóa và sẽ điều chỉnh chính sách, đặc biệt đối với phân khúc xe ô tô điện, nhằm thu hút đầu tư vào xe điện.

Chính sách thúc đẩy xe điện hoá tại Singapore

Xe ô tô điện không được hỗ trợ nhiều tại Singapore
Xe ô tô điện ban đầu không được hỗ trợ nhiều tại Singapore

Ban đầu, những chiếc xe điện ở Singapore được nhận định  là sản phẩm vận tải giá trị cao và đánh thuế cao hơn xe xăng, dầu. Giá một chiếc xe điện rất cao, như chiếc Pirus Hybrid được bán ở mức hơn 100.000 USD. Cho đến năm 2018, xe điện được đánh thuế bằng xe xăng, dầu và đây đã được coi là một mức thuế suất ưu đãi. Đến năm 2019, sau hơn một năm áp dụng thuế suất ưu đãi, thị phần xe điện tăng lên 8,3% đạt 32.583 xe bán ra.

Chính phủ Singapore đã đặt ra “Kế hoạch Xanh” đến năm 2030 với sự tham gia của liên bộ và tăng số lượng trạm sạc lên 60.000 trạm trên toàn quốc trong 9 năm tới, gần gấp đôi so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 28.000 trạm.

Hiện nay, Singapore cũng đang xem xét lại việc hỗ trợ thuế cho các dòng xe điện để bắt kịp xu thế chung và giúp cải thiện chất lượng môi trường. Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore công bố mục tiêu sẽ loại bỏ hoàn toàn xe hơi và taxi sử dụng động cơ đốt trong trong vòng 4 năm nữa.

>>> Tìm hiểu thêm: Cuộc cách mạng xe điện tại Đông Nam Á với yếu tố hạt nhân VinFast

Thị trường xe điện Việt Nam

VinFast VF 33 m mẫu suv thuộc phân khúc E
VinFast VF33 – Mẫu SUV thuộc phân khúc E dự kiến đến tay người tiêu dùng Mỹ vào Quý 2/2022

Ô tô điện là loại xe thông minh, có nhiều tiện ích công nghệ nên được người dùng tại Việt Nam quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, chưa có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các dòng xe điện. 

Dù còn khá non trẻ về tuổi đời nhưng VinFast là nhà sản xuất tiên phong trong xu hướng xe điện tại Việt Nam. Mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam đã nhận gần 4.000 đơn đặt hàng sau 12 tiếng chính thức mở bán và sau hơn ba tháng, VF e34 tiếp tục lập thêm kỷ lục mới với số lượng hơn 25.000 khách đặt xe. 

Ngoài thị trường nội địa, VinFast còn có kế hoạch xuất khẩu xe điện rộng rãi ra thế giới với 2 mẫu ô tô điện VF32 và VF33. Dự kiến 2 mẫu xe này sẽ được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Canada và châu Âu vào năm 2022. 

Với những bước tiến nhanh chóng và tích cực từ các quốc gia Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia, Trong tương lai gần, thị trường xe điện Đông Nam Á sẽ phát triển mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng xe điện hóa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và giải quyết các vấn đề về năng lượng.​

Tham khảo thông tin và đặt mua dòng xe ô tô VinFast VF e34  hoặc gọi điện đến hotline 1900 23 23 89 để được hướng dẫn chi tiết.

>>> Xem thêm: Mua xe ô tô điện VinFast - Giải pháp tiết kiệm thông minh

28/07/2021
Chia sẻ bài viết này