VinFast VF e34 khoe khả năng bứt tốc và drift cháy lốp trên đường đua Gymkhana

Không chỉ được đánh giá cao về khả năng vận hành trên đường phố, VinFast VF e34 còn chinh phục cả các tay đua Gymkhana nhờ khả năng bứt tốc và giữ cân bằng tốt khi “drift cực ngọt” tại các khúc cua.
1

Vòng chung kết giải đua Gymkhana Otofun Championship 2022 tại Đồ Sơn, Hải Phòng đầu tháng 7 vừa qua là “phép thử hoàn hảo” cho khả năng vận hành của mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam, khi VF e34 được lựa chọn làm xe đua. Thay vì sử dụng xe của cá nhân, tất cả các tay đua đều dùng xe VF e34 để tranh tài.
Đặc biệt, các mẫu xe được sử dụng đều là xe thương mại nguyên bản, không thay đổi kết cấu kỹ thuật và không điều chỉnh công suất động cơ.

Dưới sự điều khiển của các tay đua chuyên nghiệp, VinFast VF e34 liên tục được đẩy tới giới hạn về khả năng vận hành. Khác với ô tô xăng dầu, những chiếc xe điện không tạo ra tiếng pô mạnh mẽ, uy lực, nhưng thay vào đó là khả năng tăng tốc vượt trội. Ưu điểm này đã góp phần tạo ra những màn biểu diễn hồi hộp, căng thẳng từng giây khi các tay đua liên tục phải dùng phanh tay để ghìm mô-men xoắn của động cơ điện, tạo ra những tiếng rít và những màn đốt lốp đầy phấn khích.

2

Phạm Hoàng Đức - tay đua giành ngôi vị cao nhất tại Vòng Chung kết Gymkhana Otofun Championship 2022 với thành thích 43,7 giây trên chiếc VinFast VF e34 chia sẻ: “Cảm giác được đua bằng chiếc xe điện rất phấn khích và mới lạ. Để so sánh giữa xe xăng và xe điện, thì xe xăng có độ trễ sang số và khi chạy lâu sẽ bị hiện tượng nóng máy sau đó sẽ lì lại, còn xe điện thì gần như không có nhược điểm đó. Tôi thích vô-lăng nhẹ của VF e34, khi đua cũng giúp các tay lái dễ xoay trở hơn”.

Cán đích ở vị trí thứ 5, tay đua Lê Đoàn Thanh (TP.HCM) đánh giá VF e34 là chiếc xe cân bằng rất tốt, do đây là xe điện nên trọng tâm không bị dồn về phía trước như xe động cơ đốt trong. Hơn nữa, khi đạp ga, xe sẽ đạt ngay mô-men xoắn cực đại chứ không phải chờ như xe xăng.

Nguyễn Văn Khanh, tay đua đến từ đội Redline Racing cũng đánh giá rất cao khả năng vận hành của VF e34, bởi những chiếc xe dùng để đua Gymkhana thường được độ và cải tiến nhiều chi tiết ở gầm xe, hệ thống treo. “Xe điện có mô-men xoắn rất cao, đồng nghĩa người lái phải kiểm soát chân ga nhiều hơn so với xe xăng. Lúc đề-pa, xe vọt rất nhanh và độ êm thì ăn đứt xe xăng”, anh nhận xét.

3

Gymkhana là bộ môn đua xe thể thao có nguồn gốc từ Nhật Bản, mới du nhập vào Việt Nam chưa lâu. Các tay lái tham gia đua gymkhana cần thể hiện kỹ năng điều khiển xe trong sa hình sao cho thời gian hoàn thành bài thi ngắn nhất. Những màn tăng tốc, đốt lốp, drift liên tục tại các khúc cua là đặc sản của gymkhana, đòi hỏi chiếc xe phải có độ cân bằng, sức mạnh và cả sự linh hoạt, bền bỉ.

26/07/2022
Chia sẻ bài viết này