Những điều cần biết về bầu trợ lực chân không

Bầu trợ lực chân không (hay còn gọi là bầu trợ lực phanh) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phanh ô tô, giúp tối ưu trải nghiệm lái xe cho người điều khiển phương tiện.

Bầu trợ lực chân không là chi tiết quan trọng trong hệ thống phanh ô tô, có tác dụng giúp tài xế phanh xe mà không tốn quá nhiều sức. Trong quá trình sử dụng, việc hư hỏng hệ thống phanh, bao gồm bầu trợ lực phanh, là không thể tránh khỏi. Do đó, chủ phương tiện nên kiểm tra bầu trợ lực chân không định kỳ để có phương án sửa chữa, thay thế khi cần thiết.

Thông tin cơ bản về bầu trợ lực chân không

Cấu tạo

Bầu trợ lực phanh hay còn gọi là bầu trợ lực chân không, là một bộ phận của hệ thống phanh ô tô. Cấu tạo bầu trợ lực chân không trên ô tô gồm có: cần điều khiển van, van điều khiển, buồng áp suất biến đổi, buồng áp suất không đổi, lò xo màng, piston trợ lực…

Bầu trợ lực chân không thuộc hệ thống phanh ô tô
Bầu trợ lực chân không thuộc hệ thống phanh ô tô (Nguồn: Sưu tầm)

Vị trí lắp đặt

Bầu trợ lực phanh được lắp đặt giữa bàn đạp phanh và xi lanh tổng với nhiệm vụ giảm bớt đi phản lực của bàn đạp phanh và khuếch đại lực ép từ bàn đạp phanh. Nhờ đó, người lái có thể thực hiện thao tác đạp phanh một cách nhẹ nhàng hơn. 

Bầu trợ lực chân không xe ô tô
Bầu trợ lực chân không trong xe ô tô (Nguồn: Sưu tầm)

Nguyên lý hoạt động của bầu trợ lực chân không

Nguyên lý làm việc bầu trợ lực chân không là sử dụng độ chênh lệch giữa chân không động cơ và áp suất khí quyển để khuếch đại lực ấn của chân phanh nhằm giúp tài xế phanh xe mà không cần tốn nhiều sức.

Khi phanh không hoạt động

Van không khí kết nối với cần điều khiển van và bị lò xo hồi vị của van kéo về bên phải. Van điều khiển bị lò xo đẩy sang phía bên trái. Vì vậy, không khí bên ngoài bị chặn không vào được buồng áp suất biến đổi.

Van chân không bị tách khỏi van điều chỉnh tạo thành lối thông giữa lỗ A và lỗ B, từ đó luôn có chân không trong buồng áp suất không đổi và buồng áp suất biến đổi. Vì vậy, lò xo màng ngăn đẩy piston sang phải. 

Khi đạp phanh

Khi đạp chân phanh, cần điều khiển van đẩy không khí di chuyển sang bên trái, đồng thời lò xo van điều chỉnh cũng đẩy van không khí di chuyển sang trái cho tới khi tiếp xúc với van chân không. Các chuyển động này sẽ bịt kín lối thông giữa lỗ A và lỗ B. 

Van không khí tiếp tục dịch chuyển sang trái làm cho không khí bên ngoài lọt vào buồng áp suất biến đổi sau khi đi qua lưới lọc. Chênh lệch áp suất giữa buồng áp suất biến đổi và buồng áp suất không đổi tạo nên khuếch đại lực nén lò xo và tăng áp lực piston giúp thực hiện quá trình phanh dễ dàng. 

Khi nhấn giữ phanh

Khi người điều khiển đạp bàn phanh ở mức độ nhẹ, cần điều khiển van và van không khí không dịch chuyển hẳn sang trái nhưng piston vẫn được đẩy sang trái. Lúc này, không khí bên ngoài bị chặn không vào được buồng áp suất biến đổi nên áp suất trong buồng biến đổi vẫn ổn định nhờ van điều khiển dịch chuyển sang trái và tiếp xúc với van không khí. Từ đó duy trì một độ chênh lệch áp suất không đổi giữa buồng áp suất biến đổi và buồng áp suất ổn định. Nhờ vậy, piston ngừng di chuyển và giúp duy trì lực phanh. 

Dấu hiệu nhận biết bầu trợ lực chân không gặp vấn đề

Phanh bị nặng, mất trợ lực phanh

Bầu trợ lực chân không hoạt động trong trạng thái bình thường thì cảm giác đạp phanh sẽ nhẹ nhàng. Ngược lại, khi chi tiết này gặp vấn đề thì người lái sẽ cảm thấy nặng hơn bình thường khi đạp phanh. 

Các dấu hiệu bầu trợ lực chân không gặp vấn đề
Đạp phanh bị nặng là một trong các dấu hiệu bầu trợ lực chân không gặp vấn đề (Nguồn: Sưu tầm)

Bàn đạp phanh cao/thấp hơn bình thường

Một dấu hiệu lỗi trợ lực phanh thường gặp là bàn đạp phanh bị thấp hoặc cao hơn bình thường, khiến lái xe cần hạ thấp hoặc nâng cao chân hơn khi đạp phanh.

Xe bị khựng, giật, rung khi đạp phanh

Cấu tạo bầu trợ lực chân không có một màng ngăn không cho không khí vào buồng áp suất. Nếu màng ngăn này bị hở, xe sẽ thường bị khựng, giật, rung khi đạp phanh.

Tốc độ động cơ không ổn định

Như trên đã nói, màng ngăn không cho không khí vào buồng áp suất khi bị hở sẽ khiến không khí lọt vào buồng áp suất và xe có dấu hiệu bị khựng lại khi phanh. Tình trạng này kéo dài sẽ kéo theo các vấn đề trục trặc động cơ, tốc độ động cơ không ổn định. 

>>> Tìm hiểu thêm: Những kiến thức cần biết về hệ thống phanh ô tô

Cách sử dụng bầu trợ lực phanh hiệu quả

Hệ thống phanh trong khi làm việc luôn chịu áp lực và nhiệt độ cao do lực ma sát sinh ra, dẫn đến có thể phát sinh hư hỏng cần sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo xe vận hành an toàn. Chủ phương tiện nên thường xuyên bảo dưỡng định kỳ bộ phận bầu trợ lực phanh để kịp thời phát hiện hư hỏng và sửa chữa, thay thế.

Khi lái xe, người lái nên tách bạch hoạt động phanh và bẻ lái để đạt được độ bám lớn nhất giữa bánh xe và mặt đường. Việc thực hiện đồng thời 2 động tác này sẽ làm cho xe bị trượt và chuyển hướng kém, khiến xe không giảm được tốc độ. Tách bạch hoạt động phanh và bẻ lái xe cũng giúp tăng tuổi thọ, chất lượng sử dụng của bầu trợ lực chân không.  

Khi nhận thấy các dấu hiệu hư hỏng bầu trợ lực phanh, chủ phương tiện nên sửa chữa/thay thế tại các trung tâm uy tín, sử dụng phụ tùng chính hãng nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Tài xế nên kiểm tra xi lanh tổng phanh không bị chảy dầu bởi khi dầu thủy lực từ xi lanh tổng phanh bị chảy có thể làm hỏng bầu trợ lực phanh mới. 

Thường xuyên kiểm tra bầu trợ lực chân không
Thường xuyên kiểm tra bầu trợ lực phanh để kịp thời phát hiện hư hỏng (Nguồn: Sưu tầm)

Các bước thay thế bầu trợ lực phanh đúng cách

Bước 1: Tắt động cơ xe, đạp vào bàn đạp phanh nhiều lần để giảm bớt độ chân không của bầu trợ lực. Sau đó bật động cơ, kiểm tra độ cao của bàn đạp rồi tắt động cơ lại.

Bước 2: Sử dụng dụng cụ kỹ thuật để tháo ống chân không, tháo đường dầu phanh xi lanh, phanh xi lanh tổng, tháo bàn đạp phanh.

Bước 3: Tháo các đai ốc giữ bầu trợ lực phanh với vách ngăn giữa khoang động cơ, cabin và bầu trợ lực.

Bước 4: Lắp bầu trợ lực phanh mới vào vách ngăn.

Bước 5: Gắn lại các bộ phận đã tháo ra vào lại vị trí cũ.

Bước 6: Xả gió xi lanh chính.

Dựa trên phương châm luôn mang đến sự an toàn tối đa cho khách hàng, tất cả các mẫu xe ô tô của VinFast đều được trang bị những công nghệ phanh ô tô hiện đại như ABS, EBD, ESC, TCS. 

Đặc biệt, VinFast President và VinFast Lux còn được tích hợp thêm công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp BA nhằm cung cấp một trải nghiệm lái xe ưu việt và an tâm cho khách hàng. Đối với các dòng xe VinFast, quý khách hàng có thể bảo dưỡng hệ thống phanh, bao gồm bầu trợ lực chân không, tại hệ thống các trung tâm dịch vụ uỷ quyền của VinFast trên cả nước.

Tham khảo thông tin và đặt mua các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast PresidentVinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 23 23 89 để được hướng dẫn chi tiết.

>>> Xem thêm: Công nghệ phanh ô tô phổ biến hiện nay

21/06/2021
Chia sẻ bài viết này