Thời hạn lập biên bản vi phạm giao thông mới cập nhật
Khi lưu thông trên đường, trong một vài trường hợp, người điều khiển có thể bị cơ quan chức năng lập biên bản do vi phạm giao thông. Theo đó, chủ xe cần nắm rõ thông tin về thời hạn lập biên bản vi phạm giao thông, thời hạn hiệu lực và nộp phạt để tuân thủ đúng pháp luật.
1. Lập biên bản vi phạm giao thông là gì?
Biên bản vi phạm giao thông là văn bản ghi nhận lại hành vi vi phạm luật giao thông đã được diễn ra trên thực tiễn bao gồm diễn biến, thời gian, địa điểm, đối tượng thực hiện, trình tự, nội dung,... Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về quy trình lập biên bản vi phạm giao thông. Tuy nhiên, giao thông thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, do vậy biên bản vi phạm giao thông thường gặp nhất là biên bản vi phạm hành chính.
>>> Xem thêm: Cách xử lý đối với lỗi không ký biên bản vi phạm giao thông
2. Thời hạn lập biên bản vi phạm giao thông
Khoản 2, điều 12, Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định thời hạn lập biên bản vi phạm giao thông như sau:
- Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
- Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
- Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
Như vậy, thời hạn lập biên bản vi phạm giao thông dao động từ 2 - 5 ngày làm việc, tùy theo tính chất và mức độ của sự việc. Thông thường, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành lập biên bản phạt hành chính tại chỗ đối với những trường hợp vi phạm luật Giao thông đường bộ phổ biến cơ bản.
3. Thời hạn hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông
Điều 66, Luật 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định thời hạn có hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông như sau:
- Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này; (a)
- Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; (b)
- Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. (c)
Như vậy, thời hạn hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông dao động từ 7 ngày đến 2 tháng tùy tính chất và mức độ lỗi vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét trong thời hạn này để ra quyết định xử phạt đối với người vi phạm giao thông.
4. Thời hạn nộp phạt khi lập biên bản vi phạm giao thông
Theo khoản 1, Điều 73, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hạn nộp phạt hành chính được quy định như sau: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.”
Ngoài ra, khoản 1, Điều 5, Thông tư 153/2013 của Bộ Tài chính cũng quy định: “Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.”
Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi năm 2020 cũng nêu rõ: “Nếu người vi phạm thuộc trường hợp được phép đóng phạt nhiều lần (mức phạt trên 15 triệu đối với cá nhân, có khó khăn về kinh tế được UBND cấp xã xác nhận) thì sẽ được nộp phạt trong thời hạn không quá 6 tháng.”
Như vậy, nếu người vi phạm chỉ nộp 1 lần tiền phạt thì thời hạn là 10 ngày tính từ khi biên bản có hiệu lực. Ngược lại, nếu người vi phạm nộp phạt nhiều lần thì thời hạn là 6 tháng. Chủ xe nên nắm rõ thông tin về thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông để tránh bị tăng mức phạt hành chính.
Trên đây là các quy định chủ xe cần nắm rõ về thời hạn lập biên bản vi phạm giao thông, thời hạn có hiệu lực và thời hạn nộp phạt khi bị lập biên bản. Hiểu và thực hiện đúng luật góp phần hình thành nên giao thông văn minh tại Việt Nam. Ngoài ra, chủ xe cần trang bị những kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn khi đi đường để tránh bị lập biên bản vi phạm giao thông.
Khách hàng có thể đặt mua VinFast VF e34 hoặc đặt cọc VinFast VF 8 và VF 9 để trải nghiệm những mẫu xe xanh đẳng cấp và nhận ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để biết thêm thông tin về sản phẩm, khách hàng có thể liên hệ qua:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected].
>>> Tìm hiểu thêm:
- 12 điểm mới về mức phạt vi phạm giao thông phổ biến 2022
- Tổng hợp 5 cách nộp phạt vi phạm giao thông nhanh chóng, thuận tiện
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo.