Tháo gỡ phụ kiện độ xe để ô tô được đăng kiểm
Đăng kiểm ô tô là một trong những quy định bắt buộc mà mỗi chủ sở hữu cần phải tuân thủ để xe có thể lưu thông trên đường. Nếu quá hạn đăng kiểm, chủ xe có thể bị phạt đến 16 triệu đồng theo quy định tại khoản 9 điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với những trường hợp ô tô đã qua chỉnh sửa, khác so với trạng thái nguyên bản, chủ phương tiện sẽ cần nắm rõ những lưu ý tháo gỡ phụ kiện độ xe để tránh tình trạng bị từ chối đăng kiểm.
1. Siết chặt quy trình kiểm định chất lượng ô tô
Để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật cho phương tiện và bảo vệ môi trường, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa ra văn bản yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước cần tuân thủ các quy định trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Theo đó, từ lãnh đạo đến nhân viên nghiệp vụ tại các đơn vị đăng kiểm địa phương cần nắm rõ và nghiêm túc thực hiện quy trình đúng tiêu chuẩn. Khi kiểm định phương tiện, công tác thực hiện cần được siết chặt hơn, kiểm tra đầy đủ các hạng mục nhằm tránh tình trạng cấp giấy chứng nhận cho những phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông.
Đối với những trường hợp phương tiện không đạt tiêu chuẩn, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm cần đảm bảo phân công nhân sự hướng dẫn chi tiết, rõ ràng để người dân nhanh chóng sửa chữa và khắc phục. Trước đó, những xe lắp thêm phụ kiện nhưng không làm thay đổi kết cấu, độ an toàn của phương tiện vẫn đạt điều kiện đăng kiểm tại một số địa phương. Tuy nhiên, do quy trình kiểm định chặt chẽ hơn trước, nhiều chủ sở hữu ô tô cần phải đưa xe ra gara để tinh chỉnh về tình trạng nguyên bản, tránh trường hợp bị từ chối đăng kiểm.
2. Những trường hợp ô tô bị từ chối đăng kiểm
Thông thường, quy trình đăng kiểm sẽ bao gồm nhiều thủ tục và các bước kiểm tra chi tiết từ ngoài vào trong xe. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, mỗi chủ xe cần hiểu rõ các trường hợp mà ô tô có thể bị từ chối đăng kiểm như sau:
- Thay đổi kết cấu xe
Đây là một trong những lỗi cơ bản nhất khi đăng kiểm ô tô. Theo đó, mọi thay đổi, trang bị thêm khiến kích thước của xe vượt quá tỷ lệ cho phép là 4x3x4cm tương ứng với chiều dài x rộng x cao sẽ đều bị từ chối kiểm định.
Hơn nữa, việc lắp đặt thêm đèn chiếu sáng, mâm lốp xe không đúng kích cỡ hoặc bodykit khác so với quy định thiết kế của nhà sản xuất cũng là nguyên nhân dẫn đến phương tiện bị trượt kiểm định. Thậm chí, những chủ sở hữu mắc lỗi này còn có thể bị CSGT xử phạt hành chính do tự ý thay đổi kết cấu xe.
- Chưa nộp phí phạt nguội
Theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT và Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT, chủ xe cần nộp phí phạt nguội trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận thông báo từ CSGT. Thông tin phạt nguội cũng sẽ được lưu trữ và cập nhật trên phần mềm cảnh báo của chính phủ. Do đó, chủ phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm cho đến khi hoàn tất phạt nguội.
- Không tuân thủ quy định về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Theo khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14, Nghị định số 10/2020 NĐ-CP, tất cả các xe được sử dụng với mục đích kinh doanh vận tải đều phải trang bị camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe, nếu không sẽ bị từ chối đăng kiểm. Cụ thể, những phương tiện như xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định hay xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đều nằm trong hạng mục được yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát.
- Hồ sơ thiếu giấy tờ cần thiết
Khi làm thủ tục gia hạn đăng kiểm, chủ phương tiện cần đảm bảo đã chuẩn bị các giấy tờ cần thiết bao gồm Giấy đăng ký xe (bản chính); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe (còn hiệu lực) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cải tạo (đối với những xe mới cải tạo).
- Lắp thêm ghế ngồi
Đa số các chủ xe van sẽ có xu hướng lắp thêm ghế bên cạnh 2 ghế đã có sẵn trên ô tô. Tuy nhiên, việc làm này nằm trong hạng mục sẽ bị từ chối đăng kiểm. Chủ phương tiện cần đảm bảo đã tháo dỡ hàng ghế sau để đưa xe về trạng thái nguyên bản của nhà sản xuất trước khi thực hiện thủ tục đăng kiểm.
3. Lưu ý khi tháo gỡ phụ kiện độ xe ô tô
Thực tế tại nhiều cơ quan đăng kiểm hiện nay cho thấy, có không ít chủ xe bị từ chối đăng kiểm do độ lại một số chi tiết, thay đổi màu sơn hay kết cấu xe. Tất cả những trường hợp này đều yêu cầu chủ phương tiện phải sửa chữa cho đến khi đạt mới được cấp giấy chứng nhận.
Do đó, để tránh tình trạng bị từ chối, nhiều chủ xe đã phải tháo ra để lắp lại phụ kiện “zin”, đảm bảo xe trở về trạng thái nguyên bản. Thậm chí, đối với một số xe độ quá nhiều, chủ sở hữu phải mượn hoặc thuê lại phụ tùng “zin” để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Việc tháo gỡ phụ kiện độ xe có thể ảnh hưởng đến kết cấu nếu không cẩn thận. Do đó, chủ phương tiện nên lưu ý ưu tiên thực hiện thay đổi tại các gara, xưởng dịch vụ uy tín với đội ngũ nhân viên có chuyên môn, tay nghề cao. Ngoài ra, tùy theo tình trạng và độ phức tạp của mỗi phương tiện mà chi phí và thời gian cho việc đưa xe về nguyên bản cũng sẽ có sự khác nhau. Chủ xe cần phân bố thời gian, chi phí hợp lý để hoàn thiện thủ tục đăng kiểm đúng hạn.
Có thể thấy, nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông và bảo vệ môi trường, quy trình kiểm định chất lượng ô tô đã được Nhà nước siết chặt hơn. Chính vì vậy, mỗi chủ sở hữu cần hiểu rõ những quy định cũng như lưu ý tháo gỡ phụ kiện độ xe để tránh gặp tình trạng bị từ chối đăng kiểm, gây thời gian và chi phí.
Khách hàng quan tâm tới những mẫu ô tô điện VinFast hãy tham gia đặt cọc xe sớm để nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Liên hệ với VinFast để được tư vấn về sản phẩm thông qua:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
* Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo
>>> Tìm hiểu thêm: