Sửa chữa ô tô tại nhà và những điều cần lưu ý
Có lẽ nhiều chủ xe nghĩ rằng việc tự sửa chữa ô tô tại nhà là điều không khả thi bởi nó quá phức tạp và cần có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế trên xe ô tô có nhiều bộ phận mà chủ sở hữu hoàn toàn có thể tự khắc phục, sửa chữa tại nhà khi cần. Cùng xem các hướng dẫn sửa xe ô tô tại nhà và những điều cần lưu ý khi thực hiện.
1. Các hạng mục sửa chữa ô tô tại nhà
Ô tô được cấu thành bởi rất nhiều thành phần khác nhau, có những bộ phận rất phức tạp nhưng cũng có những chi tiết khá đơn giản. Trong trường hợp một số bộ phận đơn giản trên xe gặp sự cố, hư hỏng chủ xe có thể chủ động tự mình xử lý và khắc phục tại nhà thay vì mà không cần đem đến trung tâm sửa chữa.
1.1 Thay bộ lọc không khí
Với bộ lọc không khí cho xe ô tô chủ xe nên thay mới sau khoảng 12 tháng sử dụng hoặc sau 12.000km. Vì sau thời gian sử dụng bộ lọc sẽ bị bám bụi bẩn và hiệu quả lọc không khí sẽ giảm. Khi phát hiện mùi hôi trong xe, luồng không khí bị giảm và có tiếng ồn lớn thông qua hệ thống HVAC… chủ xe nên tiến hành thay bộ lọc mới. Đây là bộ phận ô tô có thể sửa tại nhà và chỉ mất 10 phút để thực hiện.
Để thay bộ lọc mới cần tiến hành các bước sau:
- Xác định vị trí bộ lọc nằm trong hộp hình chữ nhật màu đen khi mở mui xe..
- Tiến hành tháo các ốc vít của bộ lọc gió cũ ra và lấy nắp hộp ra. Khi đã mở được nắp hộp người dùng sẽ nhìn thấy bộ lọc hình chữ nhật hoặc hình tròn. Lúc này, nhẹ nhàng nhấc bộ lọc ra khỏi vỏ và kiểm tra xem chúng có bám nhiều bụi bẩn, rác hay không. Trường hợp bộ lọc không quá bẩn có thể vệ sinh chúng và tiếp tục sử dụng. Thay mới nếu bộ lọc quá bẩn và không sử dụng lại được nữa.
- Vệ sinh khu vực bên trong và bên ngoài khoang chứa lọc gió. Khi vệ sinh nên bịt kín ống dẫn khí bằng băng keo để bụi bẩn không lọt vào động cơ và sau đó sẽ tháo băng keo ra.
- Lắp bộ lọc gió đã được làm sạch hoặc thay thế bộ mới vào vị trí cũ. Chú ý, cần lắp sao cho phần viền cao su hướng lên trên để đảm bảo các cạnh được làm kín.
Khi tháo lắp hãy đảm bảo không để dầu nhớt hay những chất có mùi dính vào bộ lọc không khí. Đóng nắp và nhớ vặn các bulong thật kỹ để hoàn thành việc thay thế bộ lọc gió cho xe.
1.2 Thay cần gạt nước kính chắn gió
Đối với cần gạt nước kính chắn gió xe ô tô các chủ xe không nhất thiết phải đem đến trung tâm để thay thế. Bởi người dùng có thể tự sửa chữa tại nhà một cách nhanh chóng và cực kỳ đơn giản nếu cần gạt bị cong vênh, biến dạng.
Chủ sở hữu cần xác định vị trí sẽ thay cần gạt nước trên xe và lựa chọn sản phẩm với kích thước tương ứng để thay thế. Nếu thay toàn bộ cần gạt, tốt nhất nên chọn loại cùng kích thước với cái cũ để tương thích với loại xe đang dùng. Nếu thay thế cần gạt không phù hợp cũng sẽ không mang lại hiệu quả khi sử dụng.
Sau khi chọn được loại gạt nước phù hợp, chủ xe nên tiến hành thay mới bộ phận này:
- Vệ sinh lau sạch kính chắn gió cũng như các vị trí xung quanh cần gạt.
- Điều chỉnh cho cần đứng thẳng và nhấn vào chốt để tháo rời cần gạt nước cũ.
- Sử dụng khăn mềm để lau sạch lại vị trí kính chắn gió bị cần gạt cũ che khuất.
- Lắp cần gạt nước mới thay thế. Chú ý điều chỉnh lưỡi gạt nước mới để chúng nằm nghiêng theo kính chắn gió và khớp với cánh tay gạt nước.
>>>Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu cấu tạo và cách sử dụng cần gạt nước ô tô
1.3 Kiểm tra và thay thế Bugi
Bugi giữ vai trò quan trọng trong việc giúp xe khởi động. Nếu bugi hỏng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ. Người dùng có thể nhận biết bugi xe ô tô bị hỏng qua các dấu hiệu như: Động cơ khó khởi động, không nổ máy; tiêu hao nhiên liệu bất thường; đèn kiểm tra động cơ báo sáng… Khi phát hiện các dấu hiệu trên cần kiểm tra bugi và thay thế nếu cần. Việc thay thế bugi được thực hiện một cách nhanh chóng, không phức tạp và hoàn toàn tự làm được tại nhà.
Chủ xe cần chọn loại bugi phù hợp và đúng với dòng xe ô tô đang sử dụng. Tiến hành tháo lắp bugi như sau:
- Xác định vị trí Bugi:Bugi được lắp ở động cơ tại nơi có nhiều bó dây điện và dưới khu vực nắp capo.
- Tháo bugi cũ: Nắm chặt phần đầu, sau đó kéo nhẹ đồng thời để tránh các dây xung quanh bị ảnh hưởng.
- Kiểm tra hiện trạng của bugi: Đo khe hở bugi rơi vào khoảng 0,7-1.5 mm. Điều chỉnh lại nếu khe hở quá lớn. Nếu thấy các điện cực có các kết tủa màu trắng hoặc bị cháy hoặc muội than thì nên thay thế bugi. Trường hợp bugi bị cong, hay nứt gãy cần đưa xe đến các nơi bảo dưỡng chuyên nghiệm để kiểm tra động cơ.
- Làm sạch khu vực xung quanh bugi: Dùng khăn và súng gió để vệ sinh và thổi hết bụi bẩn vị trí xung quanh nơi lắp bugi.
- Bôi trơn bugi: Dùng mỡ cách điện hoặc chất chống ăn mòn bôi lên phần ren và phần đuôi của bugi. .
- Lắp bugi mới: Chú ý lắp dây cao áp đúng bugi,. Tiếp đến siết bugi mới với lực vừa phải để không làm ren trên động cơ bị cháy.
Sau một thời gian hoạt động bugi cũng sẽ bị mòn và hư hỏng, khuyến cáo thay thế mới khi xe đi được 30.000km. Điều này sẽ giúp cho động cơ hoạt động tốt và ổn định nhất.
1.4 Thay dầu và bộ lọc dầu
Việc thay dầu và bộ lọc dầu thuộc các hạng mục sửa chữa ô tô có thể làm tại nhà. Tùy thuộc vào từng điều kiện sử dụng xe hơi các chủ xe sẽ tiến hành thay dầu nhớt theo định kỳ.
- Chủ xe chú ý không thay dầu nhớt khi xe đang nóng, bởi có thể gây bỏng nếu chẳng may dầu bắn vào người. Hãy để động cơ xe ô tô nguội hẳn mới tiến hành thay thế dầu mới. Người dùng cần đậu xe ở vị trí bằng phẳng và phải nâng xe lên cao để có thể chui vào gầm xe và xả nhớt. Khi thực hiện nên sử dụng một miếng lót bên dưới vị trí xả nhớt để tránh làm bẩn sàn nếu đậu xe trong sân.
- Khi xe đã được nâng cao chủ xe hãy dùng một chậu nhỏ và đặt vào vị trí xả để hứng nhớt thải của xe. Tiến hành tháo bulong xả nhớt để nhớt cũ chảy hết hoàn toàn vào vật hứng. Khi nhớt đã chảy hết ra hãy bắt lại bulong xả nhớt và xiết với lực vừa đủ. Chủ xe cần đảm bảo để nhớt cũ chảy hết ra ngoài trước khi châm dầu nhớt mới vào.
- Bước tiếp theo cần thực hiện trong việc tự thay nhớt tại nhà là tháo lọc nhớt cũ bằng dụng cụ với kích cỡ tương thích. Sau khi đã tháo lọc nhớt người dùng hãy đổ hết nhớt trong lọc ra ngoài và vứt lọc nhớt vào thùng rác đã được phân loại.
- Tiếp đến chủ xe hãy thay lọc nhớt mới, nhưng trước khi lắp cần bôi một lớp dầu quanh các miếng đệm cao su. Điều này sẽ giúp tăng khả năng làm kín cho bộ lọc cũng như thuận tiện khi lắp hơn. Chủ xe cần đổ ⅔ lượng dầu vào bộ lọc và lắp vào vị trí của bộ lọc cũ, sử dụng dụng cụ mở lọc và siết với lực vừa đủ. Khi lắp cần đảm bảo để bộ lọc thẳng đứng để tránh bị đổ dầu ra ngoài.
- Sau đó mở nắp nhớt máy và châm nhớt mới cho xe ô tô. Chủ xe nên đổ lượng dầu nhớt ít hơn một chút so với hướng dẫn. Vì trong động cơ vẫn còn lượng nhớt cũ sót lại. Nếu đổ đầy hoặc quá nhiều có thể gây thừa và rò rỉ. Cuối cùng, khởi động xe để thực hiện bôi trơn cho các chi tiết máy và cài đặt lại thời gian báo thay nhớt cho xe (nếu có).
1.5 Thay bình ắc quy
Xe ô tô nếu muốn hoạt động trơn tru, hiệu quả không thể thiếu một bình ắc quy được nạp đầy nhiên liệu và không gặp sự cố gì. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đôi khi chúng cũng gặp vấn đề. Bình ắc quy xe ô tô có thể bị hết điện, bị phồng, đầu cọc ắc quy bị rò rỉ… Những sự cố này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ xe ô tô. Thế nên, việc tự thay thế bình ắc quy tại nhà là điều mà các chủ xe nên biết để có thể chủ động và xử lý dễ dàng.
Tháo ắc quy của ô tô là việc khá đơn giản mà chủ xe có thể thực hiện tại nhà với các dụng cụ có sẵn trên xe. Thực hiện 5 bước thay bình ắc quy ô tô an toàn sau đây:
- Tắt bộ đánh lửa: Đầu tiên cần tắt bộ đánh lửa cũng như đeo bao tay bảo hộ, tránh những trường hợp dẫn điện không mong muốn xảy ra.
- Xác định và tháo cực âm trên bình ắc quy: Luôn bắt đầu từ cực âm trước, cực dương sau vì nếu vô tình chạm mát vào cực có cách điện, dây nóng, dây cung cấp điện thì hiện tượng ngắn mạch cũng sẽ không xảy ra. Theo thiết kế thông thường, cực âm sẽ được bảo vệ bởi nắp màu đen và được ký hiệu dấu trừ ở gần đầu cắm. Nới lỏng ốc ở cực âm và kéo đầu kẹp cực âm ra khỏi bình.
- Xác định và tháo cực dương trên bình ắc quy: Tiến hành tháo kẹp cực dương tương tự như trên. Lưu ý, không được để đầu kẹp chạm vào phần kim loại trên xe tránh gây hư các mạch điện trong xe.
- Lắp bình ắc quy ô tô mới: Đặt ắc quy mới vào đúng vị trí các điện cực và nối lại theo tuần tự từ cực dương đến âm Cố định bình chặt bằng các siết ốc hoặc lắp ngàm giữ bình.
- Kiểm tra lại lần cuối: Kiểm tra lại toàn bộ khoang máy và nổ máy để chắc chắn rằng ắc quy thay mới vận hành bình thường và ổn định.
1.6 Xả tản nhiệt
Bộ tản nhiệt trên ô tô sau thời gian sử dụng sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn. Nếu bộ phận này không được làm sạch sẽ cản trở sự hoạt động và làm giảm hiệu suất của hệ thống làm mát trên xe ô tô. Do đó, chủ xe cần thực hiện xả tản nhiệt để giúp cho hệ thống làm mát hoạt động hiệu quả và đạt năng suất.
Muốn xả tản nhiệt xe phải được làm mát hoàn toàn trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho người thực hiện. Chủ xe hãy xem kỹ các hướng dẫn về việc tháo lắp và xả chất làm mát của bộ tản nhiệt và thực hiện theo từng bước:
- Mở nắp bình chứa, đợi cho tản hết nhiệt ra khỏi bình thì dỡ xe, tìm lỗ thoát ở bình.
- Lấy chậu lớn để dưới bình tản nhiệt, xoay mở nút bịt ngang hay bu lông có hình chữ T để nước trong bình có thể chảy hết vào chậu.
- Đợi cho tới khi nước trong bình chảy hết thì đóng nắp lỗ thoát
- Đổ nước sạch đầy vào bình chứa, đậy chặt nắp bình
- Khởi động xe và cho máy chạy khoảng 3 - 5 phút để tiến hành rửa bình
- Tắt máy, đợi động cơ nguội lặp lại các bước xả nước như trên
Khi người dùng đã xả hết chất làm mát cũ của bộ tản nhiệt hãy đảm bảo vứt bỏ chúng một cách cẩn thận và đúng nơi để hạn chế sự cố. Bởi chất này khá độc hại và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, thú cưng nếu vô tình tiếp xúc phải.
1.7 Thay má phanh ô tô
Hệ thống phanh có nhiệm vụ giữ an toàn cho người lái và giúp tránh các va chạm khi có vật cản. Phanh ô tô cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoạt động tốt nhất. Và, bộ phận ô tô có thể sửa tại nhà chính là má phanh. Chúng nên được thay thế sau mỗi 20.000km sử dụng hoặc sớm hơn nếu sử dụng phanh liên tục.
Các bước thay má phanh cho xe ô tô như sau:
- Nới lỏng đai ốc; nâng xe lên để tháo phần bánh xe cần thay má phanh
- Mở cụm piston thắng: Tháo 2 bu-lông ắc thắng được chụp bụi cao su ở mặt sau kẹp phanh. Lưu ý, cột và treo cụm piston vào 1 vị trí cố định tránh làm hư hại ống dầu
- Tháo má phanh cũ: Tháo các bu lông con trượt và sau đó tháo má phanh cũ.
- Ép piston phanh: Má phanh mới có bề dày má phanh lớn hơn, do đó cần nén piston hết tầm đến khi cảm thấy cứng tay để piston về vị trí ban đầu.
- Thay má phanh mới: Thay má phanh mới phù hợp vào và lắp bu lông và lắp đặt đúng như vị trí ban đầu..
- Lắp lại cụm piston và bánh xe: Nén xongphanh, lắp cụm piston vào cơ cấu phanh, tra mỡ vào bu-lông ắc thắng, sau đó lắp đặt lai như ban đầu.
1.8 Thay thế bộ lọc nhiên liệu
Bộ lọc nhiên liệu giúp loại bỏ bụi bẩn, gỉ sắt trong các loại nhiên liệu như xăng, dầu… dùng cho xe. Bộ phận này có nhiệm vụ đảm bảo nguyên liệu được sạch để đưa vào buồng đốt giúp xe vận hành ổn định. Khi bộ lọc bị tắc hoặc hư hỏng thì chủ xe cần nhanh chóng thay thế hoặc sau khi xe vận hành 40.000km cần thay mới.
Việc thay thế bộ lọc nhiên liệu cho xe ô tô có thể thực hiện qua các bước sau:
- Dừng đỗ xe: Người lái nên dừng đỗ xe ở nơi bằng phẳng, an toàn và đợi động cơ nguội hoàn toàn trước khi thực hiện thay bộ lọc nhiên liệu.
- Xả áp lực: Chủ xe thực hiện xả bớt áp lực của hệ thống nhiên liệu bằng cách mở nắp bình xăng rồi tháo cầu chì bơm nhiên liệu. Tiến hành khởi động xe để nhiên liệu trong ống được dùng hết và động cơ tự tắt máy.
- Tháo ắc quy: Tại bước này người dùng sẽ tháo cọc bình ắc quy âm.
- Tháo đường nhiên liệu khỏi bộ lọc: Việc mà các chủ xe cần làm tiếp theo chính là xác định vị trí bộ lọc nhiên liệu và tháo đường nhiên liệu ra.
- Tháo chốt bulong: Trên bộ lọc nhiên liệu sẽ có các chốt bulong, người dùng hãy tháo hết các chốt này ra để khi tháo bộ lọc không bị vướng gây hư hỏng thiết bị.
- Lắp bộ lọc mới: Khi đã hoàn tất việc tháo bộ lọc nhiên liệu cũ chủ xe hãy lắp bộ lọc mới vào đúng vị trí và đảm bảo hướng dòng nhiên liệu chạy về phía động cơ. Sau đó gắn các chốt bulong lại như khi tháo ra.
- Gắn lại đường ống dẫn nhiên liệu: Chủ phương tiện sẽ gắn lại các đường ống dẫn nhiên liệu vào bộ lọc mới, gắn lại cầu chì và nối lại ắc quy như ban đầu.
- Kiểm tra: Để kết thúc việc lắp bộ lọc nhiên liệu chủ xe hãy kiểm tra lại lần cuối xem các ốc vít, bulong đã được gắn đầy đủ chưa. Sau đó nổ máy để xem có bị rò rỉ hay sự cố không. Đừng quên kiểm tra đèn check engine có sáng không và chạy thử xe.
>>>Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu các loại bộ lọc trên ô tô
1.9 Thay lốp xe
Việc thay lốp xe có phần phức tạp hơn so với một số bộ phận ô tô có thể sửa tại nhà kể trên. Vì muốn tháo được lốp ô tô, chủ xe phải có vật dụng cũng như kinh nghiệm tháo lắp. Nhưng nhìn chung việc thay lốp xe ô tô không quá phức tạp nếu đã nắm kiến thức và phương pháp thay.
Để thay lốp xe ô tô, chủ xe cần tiến hành các bước sau:
- Đậu xe ở khu vực bằng phẳng: Tìm bề mặt chắc chắn, tránh nền đất mềm và dốc. Trường hợp đang tham gia giao thông nhưng gặp tình huống cần thay lốp xe cần đỗ xe tránh xa đường giao thông và bật đèn khẩn cấp.
- Chặn cả lốp trước và sau: Kéo phanh tay và chuyển cần số về P. dùng các vật nặng để chặn bánh trước và bánh sau của xe để đảm bảo không bị trượt bánh gây nguy hiểm
- Dùng kích xe để nâng xe lên: Đặt kích dưới gầm xe phía gần lốp cần thay giúp việc tháo lắp lốp dễ dàng hơn. Nâng kích đảm bảo kích đứng vuông góc với mặt đất.
- Tháo bánh thay thế lốp dự phòng: tháo các đai ốc và phần bánh xe cần thay thế ra và dùng lốp dự phòng lắp vào. Chú ý canh cho thẳng vành xe với bu-lông bánh xe.
- Vặn chặt ốc, hạ xe và tháo kích: Dùng cờ-lê vặn chặt dần lần lượt các ốc đảm bảo lốp xe cân bằng. Tiếp tục vặn chặt khi đã hạ xe xuống đất và lắp nắp chụp trục bánh xe.
1.10 Vết xước trên bề mặt sơn
Một vài vết xước nhỏ trên bề mặt sơn, chủ xe có thể được xử lý với kem xóa vết xước ô tô ngay tại nhà chỉ với một vài thao tác đơn giản.
- Vệ sinh sạch và lau khô khu vực cần xóa vết xước
- Dùng mút mềm chấm vào kem xóa vết xước ô tô đánh nhẹ khu vực vết xước đều tay và liên tục theo vòng tròn.
- Lau sạch phần kem vừa đánh bằng khăn mềm.
- Lặp lại việc đánh với kem khoảng 5 lần cho đến khi vết xước mất hẳn
- Rửa sạch và tẩy wax giúp xe lấy lại vẻ sáng bóng ban đầu.
2. Những điều cần lưu ý khi sửa chữa ô tô tại nhà
Có khá nhiều các hạng mục sửa chữa ô tô có thể chủ động làm tại nhà mà không cần đem đến trung tâm sửa chữa. Như vậy, chủ xe sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho việc sửa chữa. Tuy nhiên, các chủ sở hữu cần lưu ý một số yếu tố để đảm bảo hiệu quả cũng như không gây hư hỏng cho xe:
2.1 Thực hiện sửa chữa trong khả năng
Các lỗi trên xe ô tô thuộc về máy móc, động cơ hay công nghệ… phải do những người có chuyên môn và kinh nghiệm sửa chữa. Nếu tự sửa chữa ô tô tại nhà, chủ xe chỉ nên thực hiện sửa các lỗi nhỏ, cơ bản và trong khả năng của mình. Việc cố tháo các thiết bị phức tạp trên xe có thể gây ra các hư hỏng lớn và gây ra nhiều thiệt hại hơn so với các sự cố ban đầu.
2.2 Sử dụng thiết bị bảo hộ phù hợp
Khi chủ xe tự sửa chữa xe hơi cần có các trang thiết bị bảo hộ phù hợp, chẳng hạn như găng tay, khẩu trang, mũ nón bảo hộ để đảm bảo an toàn cho chính mình, giúp người sửa chữa hạn chế tiếp xúc với một số hóa chất có trong xe. Việc không sử dụng thiết bị bảo hộ có thể gây nguy hiểm cho các vùng da như tay, mắt, chân…
2.3 Thực hiện trên bề mặt bằng phẳng
Một điều cần biết khi sửa ô tô tại nhà chính là đảm bảo vị trí sửa xe phải bằng phẳng, lựa chọn vị trí vững chắc để đậu xe. Trong trường hợp thay lốp xe ô tô hoặc sửa chữa các bộ phận dưới gầm xe cần đảm bảo có dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng để nâng xe. Tránh dùng các vật liệu như gạch, đá để kê xe sẽ vì xe có thể bị trượt, rớt khỏi vật kê gây nguy hiểm cho người sửa chữa.
2.4 Đảm bảo có phụ tùng/ dầu/ chất lỏng cần thiết
Khi tự sửa xe hãy đảm bảo trang bị đầy đủ các phụ tùng, dầu nhớt hoặc các loại chất lỏng cần thiết. Tránh tình trạng tháo các chi tiết trên xe mới phát hiện không có phụ tùng thay thế. Vừa mất thời gian vừa không đem lại hiệu quả cao.
2.5 Vứt bỏ chất thải đúng cách
Người dùng cần lưu ý một số loại chất lỏng trong xe sau khi thải ra như dầu nhớt, chất chống đông, chất làm mát… cần được vứt bỏ đúng cách. Các chất thải này có nhiều chất độc hại không tốt cho sức khỏe cũng như môi trường. Việc vứt bừa bãi sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí…
2.6 Không hút thuốc khi sửa xe ô tô
Chủ xe tuyệt đối không được hút thuốc khi sửa chữa ô tô tại nhà hay tại garage. Đặc biệt, khi sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận như bình ắc quy, hệ thống đường nhiên liệu… của xe. Việc mồi lửa từ thuốc lá có thể bén vào bình xăng, đường ống dẫn nhiên liệu, từ đó gây hỏa hoạn cực kỳ nguy hiểm cho tài sản cũng như tính mạng.
Nhìn chung, với những bộ phận đơn giản chủ xe có thể chủ động sửa chữa tại nhà khi đã nắm vững các kiến thức. Hoặc trong trường hợp người lái điều khiển xe ra bên ngoài nếu gặp sự cố vẫn có thể xử lý được nhanh chóng mà không cần đem đến trung tâm sửa chữa. Như vậy, chủ xe có thể vừa tiết kiệm thời gian vừa không tốn kém chi phí.
Bên cạnh những bộ phận đơn giản chủ xe có thể sửa chữa tại nhà thì hầu hết các hư hỏng về động cơ, máy móc bên trong đều cần mang đến trung tâm để kiểm tra và sửa chữa. Những thợ máy chuyên nghiệp tại các trung tâm sửa chữa sẽ phát hiện các hư hỏng và có hướng xử trí phù hợp nhất.
Các chủ xe khi gặp sự cố với xe ô tô có thể đem đến các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng của VinFast để được kiểm tra. Với dịch vụ chuyên nghiệp, thợ máy kinh nghiệm sẽ đem đến cho chủ xe những trải nghiệm về dịch vụ tốt nhất.
Để sở hữu các dòng xe xanh hiện đại cũng như để được hưởng nhiều chính sách bảo hành, bảo dưỡng tốt nhất, quý khách hàng có thể tham khảo thông tin và đặt cọc VF 8, VF 9 và VF e34 online. VinFast mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho quý khách hàng cùng những ưu đãi hấp dẫn.
Đối với các khách hàng đã đặt cọc VinFast VF 8 với số tiền 10 triệu đồng trước ngày 6/4/2022 có thể liên hệ showroom để bổ sung cọc với số tiền 40 triệu đồng, sau đó ký hợp đồng mua bán chính thức. Trường hợp muốn nộp cọc bổ sung VF 8 trực tuyến quý khách hãy truy cập https://shop.vinfastauto.com/vn_vi/ev-deposit.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
- Những điểm quan trọng mà chủ xe cần lưu ý khi tự sửa ô tô tại nhà
- Sửa ô tô tại nhà: 4 bộ phận chủ xe có thể tự thực hiện mùa giãn cách
*Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo