Có mấy loại van EGR? Nguyên lý hoạt động của van EGR trên ô tô
Trong quá trình vận hành, xe chạy bằng động cơ đốt trong thải ra CO, CO2, NOx… Đây đều là những “gánh nặng” cho môi trường, một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính nếu không được kiểm soát đúng cách. Vì vậy, van EGR trên ô tô được trang bị như môt giải pháp tích cực làm giảm phát thải độc hại ra môi trường.
Nguyên lý hoạt động của van egr
Theo nguyên lý hoạt động của động cơ ô tô, hỗn hợp hòa khí của nhiên liệu và không khí khi được đưa vào xi-lanh sẽ đốt cháy với nhiệt độ lên tới 1370°C. Ở mức nhiệt độ này, khí Nitơ sẽ phản ứng hóa học tạo thành hợp chất NOx - một loại khí độc hại gây ra hiện tượng mưa axit, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí và gián tiếp gây hại cho sức khỏe con người.
Van EGR (Exhausted Gas Recirculation) là van tuần hoàn khí xả thuộc động cơ xăng và diesel. Bộ phận này nằm trên đường ống xả của động cơ, với nhiệm vụ chính là đưa một phần khí thải trở lại buồng đốt để giảm lượng khí NOx ra ngoài môi trường.
Van EGR trên ô tô hoạt động dựa trên dựa trên nguyên lý đóng mở bằng chân không hoặc qua bộ phận điều khiển ECU. Sau mỗi quá trình cháy, khí thải được đưa ra môi trường qua đường ống xả. Lúc này, van EGR sẽ hút một phần khí thải quay trở lại đường nạp, hòa trộn cùng hỗn hợp hòa khí mới và tiếp tục đốt cháy trong xi-lanh. Quá trình tuần hoàn này giúp làm giảm một lượng lớn khí NOx xả ra môi trường.
Ưu điểm nổi bật nhất của van EGR là hạn chế tối đa phản ứng tạo khí NOx . Ngoài ra, van còn có tác dụng ức chế quá trình cháy, làm nguội động cơ, cải thiện tuổi thọ cho các chi tiết liên quan. Bộ phận này cũng được đánh giá là có vai trò quan trọng giúp xe tiết kiệm nhiên liệu khi vận hành.
Tuy nhiên, van EGR cũng có nhược điểm nhất định. Lượng khí thải khi được hồi lại buồng cháy có tính trơ nên không dễ dàng đốt cháy cùng hòa khí mới. Điều này khiến nồng độ O2 trong xi-lanh giảm mạnh, dẫn tới tình trạng cháy không triệt để. Vì vậy, sau thời gian sử dụng, van EGR xuất hiện tình trạng kẹt do bị đóng cặn carbon, muội than, nếu không được khắc phục có thể gây hư hỏng động cơ và ảnh hưởng tới bộ phận liên quan.
Phân loại van egr
Dựa trên nguyên lý hoạt động, van EGR được chia thành 2 loại cơ bản là van Vacuum modulated và van Back pressure modulated.
Trong đó, van Vacuum modulated được nối với xi-lanh thông qua bộ điều khiển chân không EGR. Theo đó, khí thải từ buồng đốt di chuyển qua bộ điều khiển chân không, sau đó theo đường dẫn áp thấp đi tới van EGR. Lúc này, tùy theo áp suất van Vacuum modulated sẽ điều chỉnh và phân bố lượng khí xả phù hợp để quay trở lại buồng đốt.
Với Van Back pressure modulated, nguyên lý hoạt động tương đối giống van Vacuum modulated, chỉ khác làcó thêm 2 màng van Power và Control nhằm chốt đóng kín bệ van. Khi vận hành, khí thải động cơ đi vào phần rỗng dưới màng Control. Dưới tác dụng của áp suất không khí và sự giãn nở nhiệt, toàn bộ bệ van được đẩy lên giúp giữ lại nhiều khí xả từ buồng đốt hơn. Vì vậy, van Back pressure modulated được đánh giá có hoạt động hiệu quả hơn van Vacuum Modulated.
Sự xuất hiện của van EGR đã giúp các nhà sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe. Điều này phần nào góp phần giải bài toán khó khi phải cân bằng giữa sản xuất và bảo vệ môi trường của ngành sản xuất ô tô hiện đại.
Tuy nhiên, do van EGR trên ô tô thường xuyên tiếp xúc với khí thải trong động cơ nên dễ kẹt, tắc do muội than hoặc carbon. Lúc này, đèn báo tín hiệu Check Engine trên đồng hồ taplo sẽ phát sáng. Lái xe cần mang xe tới gara để được kiểm tra khắc phục kịp nhằm kiểm soát hiệu quả khí NOx ra môi trường.
Tham khảo thông tin chi tiết và đăng ký lái thử các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.
>>> Xem thêm: