Lốp chống xịt là gì? Ưu nhược điểm của lốp chống xịt ô tô
Lốp chống xịt hay còn được gọi là lốp run-flat, ra đời vào những năm 1980 và Goodyear là hãng đầu tiên sản xuất được loại lốp này. Sau đó, lốp chống xịt đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đa phần lốp ô tô chống xịt chỉ được các nhà sản xuất xe hơi trang bị trên những dòng xe cao cấp hay siêu xe. Vậy lốp chống xịt là gì, có những ưu điểm và nhược điểm gì?
Lốp chống xịt là gì?
Lốp chống xịt là loại lốp hiện đại, thường được trang bị trên các dòng xe cao cấp, đem lại sự tiện lợi và hạn chế rủi ro, tránh tình trạng mất lái khi bị thủng hoặc nổ lốp.
Bên ngoài mặt lốp chống xịt có chữ “RUN FLAT”, được in nổi hoặc in chìm tùy từng hãng sản xuất lốp, được dập ở những vị trí rất dễ quan sát. Không giống như lốp xe thông thường cần khí nén để căng phồng lên, cấu trúc bên trong lốp chống xịt được gia cố bằng một hợp chất đặc biệt có khả năng chịu tải rất tốt, đảm bảo độ cứng lốp xe dù không còn khí nén bên trong.
Vì vậy, nếu chẳng may bị nổ hoặc thủng lốp trên đường, lốp chống xịt giúp lái xe có thể tiếp tục di chuyển thêm một quãng đường dài để tìm sự trợ giúp hoặc đến các trung tâm sửa chữa.
Ưu nhược điểm của lốp chống xịt
Ưu điểm lốp chống xịt
- Sự tiện lợi:
Khi xe đang di chuyển trên đường, chẳng may đâm phải đinh hay vật nhọn khiến lốp hết hơi thì xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển thêm một quãng đường từ 80 - 100 km để tìm kiếm sự trợ giúp hoặc đến trung tâm sửa chữa. Trong khi đó, với các loại lốp thông thường, lái xe cần thay lốp ngay khi phát hiện có vấn đề. Ưu điểm này thực sự hữu ích cho người lái xe, đặc biệt là khi đang đi trên đoạn đường vắng hoặc gặp thời tiết xấu.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo chỉ nên di chuyển với vận tốc dưới 80 km/h và không nên đi vào những đoạn đường xấu, sẽ dễ hỏng lốp do va chạm. Nếu bắt buộc phải đi qua đoạn đường gồ ghề, cần giảm tốc độ thấp hơn nữa để hạn chế va chạm mạnh gây hỏng lốp chống xịt.
- Sự an toàn:
Xe nổ lốp khi đang di chuyển dễ khiến lái xe mất kiểm soát, dẫn đến va chạm với phương tiện khác. Tuy nhiên, những xe trang bị lốp chống xịt sẽ tránh được hiện tượng nhao lái, đảo bánh khi bất ngờ bị nổ lốp. Khi bị nổ, độ xẹp của lốp gần như không đáng kể nhờ thành lốp được gia cố bằng một hợp chất đặc biệt, đảm bảo độ cứng của lốp xe khi lốp không còn hơi, đặc biệt an toàn khi đang di chuyển với tốc độ cao.
- Không cần bánh dự phòng:
Với lốp chống xịt, người lái không cần phải mang theo lốp dự phòng để thay thế trong những trường hợp cần thiết. Điều này giúp giảm trọng lượng, tối ưu không gian chứa hàng hóa cho xe. Tuy lốp run-flat có trọng lượng nặng hơn lốp bình thường do cấu trúc mặt trong có thêm lớp hợp chất để đảm độ cứng của lốp nhưng trọng lượng tăng thêm này không đáng kể so với việc mang theo cả một chiếc lốp dự phòng.
Nhược điểm lốp chống xịt
- Giá thành cao:
Giá thành của lốp chống xịt thường cao hơn khoảng 40% so với các loại lốp thông thường cùng cỡ. Hơn nữa, lốp chống xịt chỉ được trang bị cho những dòng xe sang, có giá thành đắt đỏ, vì vậy không phải cửa hàng nào cũng có sẵn loại lốp này để thay thế khi xe bất ngờ gặp sự cố.
Theo khảo sát thực tế, lốp chống xịt chỉ được bán ở các thành phố lớn hoặc các cửa hàng kinh doanh lốp lớn, uy tín. Vì vậy, khi có nhu cầu, các tài xế sẽ mất công tìm kiếm cửa hàng để sửa chữa hoặc thay thế loại lốp này.
- Độ đàn hồi kém:
Vì mặt trong lốp được tráng một hợp chất đặc biệt nhằm đảm bảo độ cứng, mặt ngoài phủ lớp cường lực nên sẽ làm giảm độ đàn hồi, khả năng hấp thụ rung động kém, khoang cabin kém êm ái, đặc biệt là khi đi vào những đoạn đường xấu.
Ngoài ra, thành lốp cứng và độ đàn hồi kém cũng khiến gai lốp nhanh mòn hơn bởi chúng chịu va đập mạnh và cọ sát với mặt đường nhiều hơn, nhất là những đoạn đường có nhiều gờ giảm tốc hoặc ổ gà.
- Mất cảm nhận về độ non hơi:
Đối với các loại lốp thông thường, khi áp suất lốp giảm xuống khoảng 30% thì có thể cảm nhận được ngay thông qua quan sát trực tiếp. Đối với lốp chống xịt, việc phát hiện lốp non hơi bằng mắt thường là rất khó dù áp suất lốp đã mất 50% hoặc thậm chí là 70%.
Để phát hiện được lốp chống xịt non hơi cần thông qua cảm biến áp suất lốp hoặc sử dụng đồng hồ đo áp suất lốp trực tiếp.
Để đảm bảo an toàn, chủ xe nên kiểm tra và bảo dưỡng xe thường xuyên, có thể đặt lịch bảo dưỡng qua website hoặc liên hệ Trung tâm bảo dưỡng VinFast để nhận được sự chăm sóc tốt nhất.
Ngoài ra, khách hàng đến với VinFast có thể tham khảo các dòng xe VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc đăng ký chương trình lái thử để trải nghiệm.