Quy đinh về khoảng cách lái an toàn và kỹ thuật căn khoảng cách lái xe
Việc di chuyển trên đường không giữ khoảng cách lái xe an toàn với phương tiện phía trước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Bởi vì khi khoảng cách hai xe quá gần, nếu xe phía trước xảy ra tình huống bất ngờ như phanh gấp, chuyển làn hay tắt máy đột ngột thì người lái xe phía sau sẽ không có đủ thời gian để đưa ra phản ứng kịp thời. Khi đó, va chạm là điều khó tránh khỏi.
Quy định về khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông
Để giảm thiểu các tai nạn do lái xe không giữ khoảng cách an toàn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành quy định về khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông.
Cụ thể, tại Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định rõ, người điều khiển xe phải giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước. Khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế và điều kiện thời tiết. Cụ thể:
- Trong điều kiện mặt đường, thời tiết khô ráo, khoảng cách an toàn tối thiểu tương ứng với tốc độ như sau:
- Trong trường hợp đoạn đường lưu thông có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe", người lái phải giữ khoảng cách an toàn không nhỏ hơn giá trị ghi trên biển báo.
- Trong điều kiện thời tiết mưa bão, sương mù, mặt đường trơn trượt, băng tuyết, đường quanh co đèo dốc dẫn tới tầm nhìn kém thì người lái phải điều chỉnh khoảng cách lái xe an toàn cao hơn mức quy định với điều kiện khô ráo.
Kỹ thuật căn khoảng cách lái xe an toàn
Với những tài xế có nhiều kinh nghiệm, việc giữ khoảng cách an toàn khi lái xe ô tô không có gì là phức tạp. Thế nhưng với người mới học lái, kỹ năng còn yếu thì những thao tác này có thể khiến họ gặp khó khăn, bối rối.
Để căn làn đường và khoảng cách chuẩn nhất, tài xế có thể tham khảo cách căn khoảng cách khi lái xe ô tô dưới đây:
Căn khoảng cách an toàn với xe phía trước
Nếu xe di chuyển với vận tốc từ 60km/h trở lên, người lái chỉ cần căn khoảng cách với xe phía trước theo quy định. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thông đô thị, hầu hết xe đều chạy với vận tốc thấp hơn, do vậy khoảng cách an toàn nên tính theo công thức:
Khoảng cách an toàn = Vận tốc × Thời gian an toàn
Trong đó:
- Vận tốc: được tính bằng mét/giây (m/s), là vận tốc thực tế của xe
- Thời gian an toàn: được tính bằng giây (s), là khoảng thời gian tài xế đủ để phản ứng khi xe phía trước phanh/dừng đột ngột. Thời gian khuyến nghị khi xe chạy trong điều kiện bình thường là 2 giây, trên đường cao tốc hoặc hạn chế tầm nhìn là 3 giây và trong điều kiện thời tiết xấu là 4 giây.
Ví dụ: Xe di chuyển trong đường đô thị với điều kiện thời tiết và mặt đường khô ráo, vận tốc là 36km/h. Vậy khoảng cách an toàn với xe phía trước là: (36 × 1000 ÷ 3600) × 2 = 20m ((36 × 1000 ÷ 3600) là cách đổi vận tốc từ km/h ra m/s).
Ngoài ra, trong trường hợp giao thông ùn tắc, người lái chỉ cần căn khoảng cách để đảm bảo thấy được mép dưới của biển số xe 7 chỗ hoặc mép trên của biển số xe 4 chỗ, tương đương khoảng 1m. Nếu đang đậu sau xe khác mà cần quay đầu xe ra, người lái chỉ cần căn khoảng cách sao cho có thể nhìn thấy bánh sau của xe trước là đủ.
Đặc biệt, hiện nay một số mẫu ô tô được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm trước, bộ điều khiển của xe nhờ đó có thể tự động đo khoảng cách và cảnh báo cho tài xế khi không đảm bảo khoảng cách an toàn. Chức năng này hỗ trợ rất nhiều những người lái thiếu kinh nghiệm căn khoảng cách lái xe an toàn.
Căn khoảng cách an toàn 2 bên
Mặc dù không có quy định nào về việc giữ khoảng cách an toàn hai bên nhưng để hạn chế va chạm, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thì tài xế nên đi đúng làn đường và giữ khoảng cách với phương tiện 2 bên trái, phải tối thiểu là 1m.
Trong điều kiện tầm nhìn hạn chế, xe chạy với tốc độ cao hoặc khi muốn vượt xe phía trước thì nên nới rộng khoảng cách lớn nhất có thể, tối thiểu vẫn là 1m.
Căn khoảng cách an toàn phía sau
Người lái gần như không thể áp dụng phương pháp căn khoảng cách phía trước và 2 bên để căn khoảng cách an toàn phía sau xe ô tô. Để tránh va chạm, tài xế chỉ có thể giảm tốc độ từ từ để người lái xe phía sau kịp phản ứng và giảm theo. Nếu muốn dừng xe (trừ trường hợp đèn đỏ), người điều khiển xe nên bật xi nhan, chuyển làn để tấp vào lề đường.
Trong trường hợp lùi hoặc đậu xe, người lái phải dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc sử dụng hệ thống hỗ trợ đỗ xe, camera lùi nếu xe được trang bị để căn khoảng cách, tránh va chạm vào xe khác.
>>> Tham khảo thêm: Tìm hiểu hệ thống hỗ trợ đỗ xe của VinFast Lux
Một số kỹ thuật căn làn đường cho tài xế có kinh nghiệm
Ngoài cách căn khoảng cách cơ bản trên, một số tài xế giàu kinh nghiệm hơn có thể sử dụng thêm kỹ thuật căn làn đường chuẩn xác hơn như:
Phán đoán vị trí của xe đi trên đường
Phương pháp này giúp xác định xem xe có xu hướng đi lệch làn đường không dựa trên mối tương quan giữa vị trí của người lái khi chiếu xuống mặt đường và vạch giữa của làn đường.
- Nếu vị trí người lái chiếu xuống mặt đường lệch sang bên trái so với vạch giữa làn đường khoảng 35 - 45(cm) thì xe đang đi chính giữa làn đường.
- Nếu vị trí người lái chiếu xuống mặt đường lệch sang bên trái hơn 45cm so với vạch giữa làn đường thì xe đang đi lệch bên trái làn đường.
- Nếu vị trí người lái chiếu xuống mặt đường lệch sang trái làn đường nhỏ hơn 35cm hoặc lệch hẳn sang bên phải vạch giữa làn thì xe đang đi lệch về bên phải làn đường.
Phán đoán hướng di chuyển của xe
Cách căn làn đường này dựa vào việc xác định góc được tạo bởi quỹ đạo vị trí người lái chiếu xuống mặt đường và vạch giữa làn đường.
- Nếu hình chiếu quỹ đạo vị trí của người lái xuống mặt đường kết hợp với vạch giữa làn đường tạo thành hai đường thẳng song song hoặc trùng nhau thì xe đang đi đúng hướng. Lúc này, người lái chỉ cần tiếp tục giữ tay lái ổn định.
- Nếu quỹ đạo vị trí người lái chiếu xuống mặt đường tạo với vạch giữa làn đường 1 góc (lớn hơn 0 và nhỏ hơn 180 độ) thì xe có chiều hướng đi lệch khỏi làn đường. Lúc này, người lái cần điều chỉnh tay lái để đưa xe di chuyển về đúng hướng.
Kỹ thuật tránh các xe khác trên đường
Khi cần tránh xe khác, người lái có thể tưởng tượng và chia mặt đường mà 2 xe đang di chuyển thành hai phần, sau đó điều khiển xe di chuyển trong phạm vi phần đường tưởng tượng của mình. Hãy xem phần đường tưởng tượng của mình như một làn đường và thực hiện căn làn đường như hai kỹ thuật kể trên.
Phương pháp này có phần khó hơn vì phần đường tưởng tượng sẽ không có vạch kẻ chia làn mà người lái phải tự tưởng tượng và ước lượng khoảng cách.
Ngoài ra, khi tránh xe khác, người điều khiển xe phải chú ý giảm tốc độ phù hợp. Trong tình huống gặp đường hẹp thì nên chủ động dừng xe nhường nếu phần đường mình đang di chuyển rộng hơn.
Kỹ thuật căn làn đường và khoảng cách lái xe an toàn không quá khó mà chủ yếu dựa vào sự cẩn thận và kinh nghiệm của người lái. Người điều khiển xe ô tô cần tìm hiểu kỹ để luyện tập nâng cao kỹ năng giúp hạn chế va chạm, bảo vệ tính mạng và tài sản cho mình và người khác khi tham gia giao thông.
Tham khảo thêm thông tin và đặt mua các mẫu xe ô tô của VinFast tại website hoặc gọi điện đến hotline 1900 23 23 89 để được hướng dẫn chi tiết.