Kỹ năng lái xe số tự động thuần thục người lái nên biết
Xe số tự động có nhiều ưu điểm, trong đó nổi bật là giúp người lái “nhàn” hơn khi vị trí chân trái và tay phải được rảnh rang hơn so với xe số sàn. Tuy nhiên, để tránh những tai nạn không đáng có do chưa hiểu hết tính năng của loại xe này, lái xe cần trang bị và thực hiện thành thạo các kỹ năng lái xe số tự động.
Lưu ý khi khởi động xe số tự động
Thao tác khởi động xe số tự động bắt đầu bằng việc đặt cần số ở vị trí P, sau đó đạp phanh chân để khởi động động cơ. Hiện nay, một số dòng xe không bắt buộc đạp phanh chân, thay vào đó có thể để cần số ở vị trí N khi khởi động. Tuy nhiên, lái xe vẫn nên giữ thói quen thường xuyên thao tác cần số P, đạp phanh để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chân ga thành thạo cũng là kỹ năng cần thiết khi lái xe số tự động. Người lái nên luyện tập nhuần nhuyễn kỹ năng phản xạ với chân ga trước khi tham gia giao thông bởi hành động nhả chân ga không đúng trong một số tình huống sẽ làm tăng số, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát tốc độ.
Không dùng cả 2 chân khi lái xe số tự động
Một trong những kỹ năng lái xe số tự động quan trọng người điều khiển xe cần nhớ đó là chỉ sử dụng chân phải để lái xe. Quan sát trên xe số tự động, không khó để nhận ra các bàn đạp được nhà sản xuất thiết kế lệch về phía chân phải. Thiết kế này không chỉ nhằm mục đích đảm bảo tính thuận tự nhiên mà còn giúp lái xe dễ dàng kiểm soát ga và phanh chỉ bằng một chân.
Ngoài ra, việc sử dụng cả hai chân đặt lên bàn đạp phanh và ga có thể gây mất an toàn trong những trường hợp khẩn cấp. Lái xe rất dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn và có thể đạp cả 2 chân khiến cho chiếc xe bị dừng đột ngột, hộp số bị hư hỏng hoặc va chạm với phương tiện khác.
Đạp phanh khi chuyển chế độ số
Ngoài ra, đạp phanh khi chuyển số cũng là một trong những kỹ năng cần được nhắc đến. Theo đó, trong mọi trường hợp chuyển sang các chế độ số khác nhau (chẳng hạn như D, N, R, P hay D1, D2, D3), người lái cần đạp phanh để đảm bảo an toàn.
Dừng đèn đỏ an toàn
Theo lời khuyên của các chuyên gia, với xe số tự động, lái xe nên về Mo (N) và kéo phanh tay khi dừng đèn đỏ để hạn chế những va chạm bất ngờ từ phía sau. Cụ thể, nếu xe dừng ở số D kết hợp với phanh chân hoặc dừng ở số P thì trong tình huống này, lực phanh không đủ khỏe để hãm, xe sẽ vọt lên phía trước hoặc làm hỏng hộp số khi chịu tác động lực đâm từ phía sau.
Bên cạnh đó, người lái cũng lưu ý khi dừng đèn đỏ không dùng phanh chân vì đèn phanh sáng dễ gây lóa mắt cho lái xe phía sau, đặc biệt là vào thời điểm thời tiết xấu như sương mù hay mưa dông.
Lái xe đường đèo dốc khi sử dụng hộp số tự động
Khi leo đèo, lái xe để nguyên số D như khi chạy đường bình thường. Dựa trên vị trí bướm ga và tốc độ, số xe sẽ tự động thay đổi phù hợp theo tính toán của ECU mà không cần tác động thủ công nào.
Ngược lại khi đổ đèo, thay vì giữ nguyên số D, người lái phải rà phanh để tốc độ giảm xuống khoảng 40 – 50 km/h, sau đó kéo cần số về D3 ( tùy xe có thể là L2 hay M-), sau đó thực hiện thao tác tương tự như lái xe số sàn. Để tiếp tục, lái xe để hờ chân phanh và quan sát đường, chỉ nhấp phanh để dừng khi cần thiết.
Xử lý khi xe bị mất phanh
Khi xe bị mất phanh, lái xe chú ý để động cơ hoạt động bình thường, chuyển cần số về số tay sau đó điều khiển về cấp số 1 – 2 – 3. Người điều khiển có thể hãm tốc độ bằng phanh động cơ, tuyệt đối không chuyển cần số về N. Khi thực hiện các thao tác trên, tốc độ xe sẽ giảm đáng kể, lái xe khi đó chỉ cần kéo phanh tay từ từ để xe dừng lại.
Xử lý khi xe bị kẹt chân ga
Trong tình huống xe bị kẹt chân ga, người lái cần nhớ không tắt động cơ, chuyển cần số về N để ngắt truyền động và đảm bảo xe không tiếp tục chạy nhanh hơn. Sau đó, dùng chân phanh giảm tốc độ từ từ cho đến khi xe dừng hẳn ở vị trí an toàn.
Như vậy, việc chủ động trang bị kỹ năng lái xe số tự động thuần thục sẽ giúp người điều khiển hạn chế được những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho những người ngồi trên xe và các phương tiện khác cùng di chuyển..
Tham khảo thông tin chi tiết, đăng ký lái thử và đặt cọc mua xe ô tô VinFast qua website hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.