10 điều cần lưu ý khi kiểm tra xe trước khi vượt đèo
Bên cạnh việc trang bị những kinh nghiệm lái xe đường đèo, người điều khiển ô tô cần biết cách kiểm tra xe trước khi vượt đèo để đảm bảo các bộ phận cần thiết luôn ở trạng thái tốt, hỗ trợ an toàn cho người lái.
1. 10 điều cần lưu ý khi kiểm tra xe trước khi vượt đèo
1.1. Lốp xe
Lốp xe là bộ phận quan trọng người lái cần kiểm tra trước khi vượt đèo, trong đó cần lưu ý về độ mòn và áp suất lốp.
Cần kiểm tra đầy đủ cả 4 bánh xe có bị thủng hay hao mòn không. Nếu độ mòn lốp vượt quá quy định, chủ xe nên thay lốp mới. Về áp suất lốp, cách kiểm tra phổ biến nhất là sử dụng đồng hồ đo áp suất. Không nên để lốp xe quá căng hay quá non vì như vậy khi di chuyển dễ bị dằn xóc, giảm tuổi thọ hay có thể dẫn đến nổ lốp. Để chắc chắn hơn về áp suất lốp, chủ xe nên tham khảo áp suất lốp mà nhà sản xuất quy định để điều chỉnh cho phù hợp với từng dòng xe (hoặc xem nhãn dán bên trong cửa bên lái xe).
1.2. Dầu nhớt động cơ
Dầu nhớt rất quan trọng trong việc giữ cho động cơ xe hoạt động trơn tru. Dầu nhớt có nhiệm vụ bôi trơn, làm mát… bên trong động cơ. Sau một thời gian, dầu sẽ bị biến chất hay nhiễm cặn bẩn, đổi màu, độ nhớt bị giảm đi. Do vậy, chủ phương tiện cần thay mới dầu nhớt định kỳ và lọc dầu trước chuyến đi để động cơ vận hành êm ái và tối ưu hơn. Cũng không nên đổ quá ít hoặc quá nhiều dầu, trong trường hợp xe bị hao dầu bất thường thì nên kiểm tra xem xe có bị rò rỉ dầu hay không.
1.3. Nước làm mát động cơ
Nước làm mát giữ cho động cơ xe khỏe mạnh bằng cách điều chỉnh nhiệt độ của hệ thống làm mát ô tô. Sử dụng nước làm mát giúp động cơ giải nhiệt, duy trì nhiệt độ động cơ ở mức phù hợp. Nếu xe thiếu nước làm mát, quá trình vận hành sẽ bị kém hiệu quả, có thể khiến động cơ bị quá nhiệt, xe bị nóng máy,… dẫn đến bị bó máy, hư hại nghiêm trọng hoặc xe bị tắt máy giữa đường. Vì vậy, trước khi đi xa, đổ đèo,… chủ xe cần kiểm tra nước làm mát động cơ trong bình phụ, nếu mực nước thấp thì phải bổ sung hoặc nếu nước bị đục thì nên thay mới và vệ sinh két nước.
1.4. Lọc gió động cơ
Một trong những lưu ý khi kiểm tra xe trước khi vượt đèo chính là kiểm tra lọc gió động cơ ô tô. Nhiệm vụ của lọc gió là lọc sạch bụi bẩn trước khi không khí được đưa vào buồng đốt để hòa trộn với nhiên liệu. Sau thời gian dài làm việc, lọc gió thường bám nhiều tạp chất, bụi bẩn nên cần kiểm tra, vệ sinh hoặc thay mới để tránh xe bị nóng máy, gây ảnh hưởng đến hệ thống khác. Để xe vận hành êm ái khi vượt đèo chủ xe nên kiểm tra kĩ bộ phận lọc gió, nếu lọc gió quá bẩn thì nên thay mới. Điều này sẽ cải thiện chất lượng không khí đưa vào buồng đốt, nâng cao hiệu suất máy, gia tăng tuổi thọ các chi tiết máy và giúp xe hoạt động vượt trội hơn.
1.5. Hệ thống lái và dầu trợ lực lái
Các chuyên gia khuyến khích chủ phương tiện nên kiểm tra hệ thống lái và dầu trợ lực lái của xe trước khi đi xa. Bởi hệ thống lái tác động trực tiếp đến việc điều khiển xe, giúp xe chuyển động theo sự điều khiển của người lái thông qua vô lăng. Chủ xe cần kiểm tra xem vành tay lái có bị rơ không, vô lăng có bị nặng không, xe có bị lệch tay lái, nhao lái không, xe có dấu hiệu trả lái chậm hay hệ thống lái có tiếng kêu lạ không, thước lái có chảy dầu không… Ngoài ra, cũng cần kiểm tra kỹ dầu trợ lực lái, nếu mức dầu xuống thấp thì bổ sung thêm. Trường hợp dầu bị đổi màu, biến chất, có mùi thì phải thay dầu trợ lực mới.
1.6. Hệ thống phanh xe
Hệ thống phanh xe là hệ thống cực kỳ quan trọng, cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn trong quá trình xe vận hành nhất là khi di chuyển xa, vượt đèo, đổ đèo. Hệ thống phanh có liên quan trực tiếp đến khả năng giải quyết, xử lý tình huống đặc biệt là các tình huống khẩn cấp. Người điều khiển xe nên thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của phanh. Nếu phát hiện hệ thống phanh có các lỗi bất thường như: Phanh bị kêu, phanh bị nặng, đạp phanh không ăn, quãng đường phanh dài hơn bình thường, bàn đạp phanh bị thấp… thì nên điều chỉnh, sửa chữa ngay. Chủ xe cũng nên kiểm tra cả độ mòn của má phanh, đĩa phanh và dầu phanh.
1.7. Ắc quy xe
Tương tự như hệ thống phanh, bình ắc quy xe ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống điện của xe khi xe chưa nổ máy. Bên cạnh đó, ắc quy giúp ổn định điện áp cho hệ thống điện, là nguồn cấp điện áp bổ sung tạm thời. Do đó, nếu ắc quy xảy ra vấn đề, bị trục trặc thì xe dễ bị nổ máy chậm, thậm chí là không khởi động được. Để hạn chế các rủi ro trước khi đi vượt đèo nên kiểm tra tình trạng hoạt động của ắc quy.
1.8. Hệ thống đèn xe
Hệ thống đèn xe có vai trò cung cấp ánh sáng, ra tín hiệu với xe khác, định vị xe… Hệ thống đèn xe bao gồm đèn chiếu sáng trước, đèn hậu, đèn phanh ,đèn xi nhan, đèn sương mù… Đèn hoạt động đầy đủ là điều cần thiết để di chuyển an toàn, không chỉ để chủ xe có thể nhìn rõ mà còn để những người tham gia giao thông khác có thể nhìn thấy và biết ý định của chủ xe. Trước khi vượt đèo, chủ phương tiện nên kiểm tra hệ thống đèn xe nếu có dấu hiệu ánh sáng yếu, chập chờn… thì xử lý ngay.
>>>Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về hệ thống chiếu sáng trên ô tô
1.9. Mực nước rửa kính xe
Đây chỉ là một yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng cũng cần phải kiểm tra kỹ trước khi đi xa. Nếu hết nước rửa kính, hệ thống gạt mưa sẽ không thể làm sạch kính hiệu quả hoặc khiến kính lái bị trầy xước do không có nước rửa trôi bụi khi cần gạt hoạt động. Do đó chủ xe nên kiểm tra nước rửa kính xe, nếu mực nước đang thấp thì cần phải châm.
1.10. Gạt mưa xe
Gạt mưa xe có vai trò đảm bảo tầm nhìn cho người lái. Sau một thời gian sử dụng xe, gạt mưa thường bị nứt nẻ, chai mòn… khiến gạt không sạch như trước. Nếu gạt không sạch thì kính chắn gió dễ bị bẩn làm hạn chế tầm nhìn gây nguy hiểm cho người lái. Vì vậy khi kiểm tra ô tô trước khi đi xa, vượt đèo cần chú ý kiểm tra gạt mưa xe. Nếu thấy gạt có dấu hiệu xuống cấp, không hoạt động nên thay gạt mưa mới.
>>>Tìm hiểu thêm:
- Tìm hiểu cấu tạo và cách sử dụng cần gạt nước ô tô
- 5 Dấu hiệu cần gạt nước ô tô gặp vấn đề và cách thay thế
2. Hệ thống hỗ trợ đổ đèo
2.1. Hệ thống hỗ trợ đổ đèo là gì?
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC (Hill Descent Control), hay còn gọi là hệ thống hỗ trợ xuống dốc HDC, là tính năng an toàn được tích hợp trên ô tô giúp xe kiểm soát tốc độ, xuống dốc mà không cần nhấp đạp phanh. HDC tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn khi xuống các cung đường dốc hay địa hình gồ ghề. Hạn chế hiện tượng mất phanh do thường xuyên rà phanh, làm nóng má phanh và dầu phanh sinh ra các bọt khí trong dầu phanh khiến phanh mất tác dụng.Với hệ thống HDC, xe sẽ hoạt động ở một tốc độ được thiết lập sẵn giúp lái xe an toàn hơn ví dụ như khi di chuyển trên những địa hình đèo dốc hiểm trở.
2.2. Nguyên lý hoạt động của hệ thống hỗ trợ đổ đèo
Hệ thống hỗ trợ đổ dốc HDC hoạt động nhờ cảm biến phát hiện các bánh xe đang quay nhanh hơn (tăng tốc), từ đó phối hợp với hệ thống phanh và giữ xe ở tốc độ ổn định.
Cách sử dụng hệ thống HDC: Hệ thống HDC trên xe khá dễ sử dụng, khi xe đổ dốc, lái xe chỉ cần kích hoạt nút bấm để đèn LED HDC bật sáng và tiến hành điều chỉnh HDC để tăng/giảm tốc độ xe.
Để tăng tốc độ khi đang bật hệ thống HDC, người điều khiển chỉ cần nhấn nhẹ chân ga và nhả bàn đạp khi đạt được tốc độ mong muốn. Khi ấy, chế độ HDC sẽ tiếp tục hoạt động với tốc độ mới cài đặt. Ngược lại, để giảm tốc độ, người lái đạp phanh và nhả bàn đạp đến tốc độ mong muốn để HDC hoạt động ở tốc độ mới được cài đặt.
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC sẽ tự động tắt khi tốc độ ô tô trên 40km/h, nếu người dùng muốn tắt thủ công có thể ấn nút để đèn LED chỉ báo HDC tắt.
Lưu ý khi sử dụng hệ thống HDC:
- Hệ thống hỗ trợ đổ đèo có thể được kích hoạt khi tốc độ dưới 30km/h (màn hình hiển thị trên cụm đồng hồ sẽ sáng đèn LED). Nếu chủ xe đang sử dụng phanh, hệ thống HDC sẽ ở trạng thái chờ và không hỗ trợ phanh xe trong thời gian này.
- Người lái nên sử dụng HDC ở chế độ số thấp như vị trí số D hoặc R. Bên cạnh đó, chủ phương tiện cũng cần chú ý màn hình hiển thị trên cụm đồng hồ báo lỗi vì chế độ HDC sẽ không hoạt động khi nhiệt độ phanh cao.
Tại Việt Nam, không khó để tìm ra những cung đường đèo nổi tiếng khó đi. Người lái cần kiểm tra xe trước khi vượt đèo Bảo Lộc, đèo Hải Vân, đèo Khánh Lê,... thật cẩn thận để đảm bảo xe vận hành ổn định và trơn tru, mang lại cảm giác tự tin cho người lái.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm thông tin và đặt cọc VF 8, VF 9, VF e34 online để trải nghiệm công nghệ hiện đại được trang bị trên xe, cùng khả năng vận hành mạnh mẽ và nhận ưu đãi cực kỳ hấp dẫn từ VinFast.
Để biết thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
>>> Tìm hiểu thêm:
- Lưu ý khi lái xe ô tô trong các điều kiện di chuyển khó khăn
- Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc - “cứu tinh” cho bác tài vượt dốc
- Những lưu ý quan trọng khi lái xe số tự động đường đèo
*Thông tin trong bài mang tính tham khảo.