Hệ thống OBD trên ô tô và những điều cần biết
Trải qua hơn 40 năm ra đời và phát triển, cho đến nay OBD được đánh giá là một trong những hệ thống tiêu chuẩn hóa quan trọng cho phép các kỹ thuật viên đọc lỗi và xác định các hư hỏng của xe một cách nhanh chóng và chính xác.
Hệ thống OBD là gì?
OBD (On – Board Diagnostics), hay còn gọi là hệ thống chẩn đoán lỗi OBD, được trang bị trên ô tô để theo dõi và điều chỉnh một số hoạt động của phương tiện. Hệ thống này thu thập thông tin từ mạng lưới các cảm biến gắn cố định quanh xe, phát hiện lỗi hư hỏng và cảnh báo tới người lái nhằm kịp thời đưa ra phương án xử lý.
Một trong những lý do lớn nhất khiến các nhà sản xuất phát triển hệ thống OBD là để kiểm soát lượng khí thải xe cộ. Vào năm 1966, nhằm đối phó với tình trạng sương mù tại Mỹ, bang California đã đặt ra định mức khí thải cho tất cả các xe ô tô mới sản xuất. Sau đó, sắc lệnh này được Chính phủ liên bang áp dụng trên toàn quốc. Năm 1970, Quốc hội Mỹ thành lập Cục bảo vệ môi trường EPA, đồng thời phê duyệt một loạt các quy định khí thải cho phép trên xe cộ.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu ứng dụng bộ điều khiển điện tử ECU, đồng thời cho ra đời hệ thống OBD thay thế cho việc chẩn đoán lỗi bằng đèn chớp trên các dòng xe đời cũ. Chính thức được ứng dụng vào năm 1980, hệ thống chẩn đoán này rất được ưa chuộng vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của xe như:
- Giám sát hành vi của người lái xe
Một số công ty bảo hiểm ô tô đã hỗ trợ giảm phí bảo hiểm cho người lái nếu họ sử dụng trình ghi dữ liệu của hệ thống OBD để chứng minh bản thân tuân thủ nghiêm túc các quy tắc lái xe an toàn.
- Kiểm tra mức khí thải
Tại Mỹ, hệ thống OBD II được sử dụng rất phổ biến để kiểm tra lượng khí thải của các phương tiện giao thông. Các thanh tra viên dùng máy quét chuyên dụng để trích xuất dữ liệu của xe nhằm xác định xem chủ xe có tuân thủ đúng các quy định khí thải hay không.
- Theo dõi các chỉ số không hiển thị
Những người lái xe chuyên nghiệp thường sử dụng hệ thống OBD để theo dõi các chỉ số không được hiển thị trên phương tiện, mà chỉ có trên cài đặt tùy chỉnh hoặc điện thoại của người lái.
- Giám sát đội xe
Các công ty xe vận tải thường dùng hệ thống chẩn đoán lỗi OBD II để theo dõi vị trí phương tiện, giám sát hiệu suất nhiên liệu, hành vi của người điều khiển và chẩn đoán lỗi từ xa…
Các loại OBD phổ biến
Mặc dù có rất nhiều hệ thống OBD phát minh tại Châu Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản nhưng hiện nay, 2 loại OBD được các nhà sản xuất ưa chuộng nhất là OBD I và OBD II.
Kể từ khi ra đời vào năm 1980, hệ thống OBD thế hệ I đã giúp việc chẩn đoán các lỗi hư hỏng trên xe trở nên chính xác và nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đó mỗi dòng xe lại sử dụng một loại hệ thống chẩn đoán riêng biệt với các giắc kết nối, chuẩn giao tiếp và quy định bảng mã khác nhau khiến việc chẩn đoán lỗi trở nên phức tạp hơn.
Chính vì vậy, vào năm 1994, Hiệp hội tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO (International Standardization Organization) và Kỹ sư ô tô Hoa Kỳ SAE (Society of Automotive Engineers) đã yêu cầu tất cả các hãng xe phải sử dụng chung một cổng kết nối, thống nhất áp dụng 1 trong 5 giao thức kết nối cũng như quy định chung cho bảng mã lỗi. Để đáp ứng tiêu chuẩn này, hệ thống OBD II đã ra đời.
Nếu hệ thống OBD I chỉ có thể phát hiện sự cố trong trường hợp các bộ phận thật sự hư hỏng thì OBD II cho thấy sự ưu việt hơn hẳn khi sở hữu khả năng phát hiện các dấu hiệu. Theo đó, hệ thống OBD II sẽ giám sát liên tục hoạt động của xe, khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, đèn báo lỗi ngay lập tức bật sáng để cảnh báo người lái.
Ngoài ra, hệ thống OBD II có nhiều chế độ chẩn đoán lỗi như đọc mã lỗi, dữ liệu động, kiểm tra bộ phận, thông tin hộp ECU… trong khi OBD I chỉ có thể đọc mã lỗi. Điều này giúp nhân viên kỹ thuật hiểu rõ hơn về những hư hỏng xe đang gặp phải từ đó đưa phương án sửa chữa phù hợp.
Cấu tạo của hệ thống OBD
Cấu tạo của hệ thống OBD gồm bộ điều khiển trung tâm, mạng lưới cảm biến, mã sự cố chẩn đoán, đèn báo sự cố và cổng kết nối liên kết chẩn đoán.
- Bộ điều khiển trung tâm ECU
ECU nằm ở trung tâm của hệ thống OBD, có nhiệm vụ thu thập các thông tin từ mạng lưới cảm biến trong xe, sau đó sử dụng các dữ liệu này để giám sát và điều khiển các bộ phận của xe.
- Mạng lưới cảm biến
Các cảm biến được gắn cố định tại mọi vị trí trên xe từ động cơ, khung gầm đến các hệ thống điện tử nhằm theo dõi tình trạng của các bộ phận này. Mỗi cảm biến sẽ gửi mã, chỉ định nguồn và các tham số của tín hiệu đến ECU để bộ điều khiển trung tâm giải mã các tín hiệu này.
- Mã sự cố chẩn đoán DTC
DTC còn được gọi là mã sự cố chẩn đoán hay mã lỗi chẩn đoán, được tạo nên và lưu trữ bởi hệ thống OBD. Mỗi mã DTC sẽ xác định vấn đề tại một bộ phận cụ thể trên xe và có nhiệm vụ thông báo cho người điều khiển phương tiện biết bộ phận đó gặp trục trặc.
- Đèn báo sự cố MIL
Sau khi thu thập các mã lỗi DTC, bộ điều khiển trung tâm ECU sẽ gửi tín hiệu đến bảng điều khiển của xe để bật đèn báo sự cố. Nếu đèn MIL sáng, chứng tỏ một bộ phận nào đó đang gặp trục trặc nhỏ. Mặt khác, nếu đèn báo lỗi nhấp nháy có nghĩa xe đang gặp vấn đề khẩn cấp, yêu cầu người lái đưa ra phương án xử lý kịp thời.
- Cổng kết nối liên kết chẩn đoán DLC
Cổng kết nối DLC được thiết kế nằm phía dưới taplo gần vị trí người lái, có nhiệm vụ kết nối với máy chẩn đoán và module điều khiển để trích xuất các thông số dữ liệu và mã lỗi DTC của xe.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống OBD
Việc tìm hiểu hệ thống OBD là gì và cấu tạo chi tiết được xem như bước khởi đầu để hiểu hơn về nhiệm vụ và nguyên lý hoạt động của nó. Hệ thống OBD trên ô tô có nhiệm vụ giám sát hiệu suất của bộ phận đánh lửa, hiệu suất động cơ, hoạt động truyền động và hoạt động của hệ thống khí thải.
Mạng lưới cảm biến gửi thông tin về tình trạng hoạt động của các bộ phận trên xe tới bộ điều khiển trung tâm ECU. Dựa trên các thông tin thu được, ECU tiến hành giải mã các tín hiệu này nhằm xác định xem các bộ phận có hoạt động bình thường hay không.
Nếu xảy ra sự cố, đèn báo lỗi tương ứng sẽ phát sáng để cảnh báo người điều khiển phương tiện. Hệ thống OBD cũng đồng thời lưu lại mã lỗi DTC. Khi nhân viên kỹ thuật kết nối máy quét với cổng kết nối DLC, hệ thống OBD ngay lập tức trích xuất các dữ liệu, thông tin về mã lỗi nhằm hỗ trợ nhân viên trong quá trình chẩn đoán và xử lý sự cố.
Nhờ có hệ thống OBD, việc phát hiện và xử lý các lỗi trên ô tô trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nhằm hạn chế xảy ra hư hỏng không đáng có, người lái xe nên thường xuyên kiểm tra đèn báo lỗi cũng như bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm uy tín.
Khách hàng tham khảo thông tin, đăng ký lái thử và đặt cọc các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast VF 8, VF 9, VF 3 và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.