PHỔ BIẾN
Đèn đỏ xe máy có được rẽ phải không? (Cập nhật quy định 2023)
Theo quy định, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, tất cả các phương tiện phải dừng lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lái xe vẫn có thể đi tiếp. Vậy đèn đỏ có được rẽ phải không, trong trường hợp nào người tham gia giao thông vẫn được phép đi khi đèn đỏ?
Xe máy điện đang trở thành phương tiện di chuyển hàng ngày được người dân ưa chuộng. Khi tham gia giao thông bằng xe điện, người lái cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật như các loại xe cơ giới khác.
Trong đó, nhiều người thắc mắc tại sao một số trường hợp rẽ phải khi gặp đèn đỏ bị xử lý vi phạm giao thông và có những trường hợp thì không. Vậy đèn đỏ có được rẽ phải không, những trường hợp nào không được phép rẽ và mức xử phạt đối với hành vi rẽ phải khi đèn đỏ trái quy định như thế nào?

1. Đèn đỏ có được rẽ phải không?
Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người lái xe máy chỉ được phép rẽ phải trong một số trường hợp dưới đây. Nếu không tuân thủ đúng sẽ bị xử phạt theo quy định.
1.1. Những trường hợp được rẽ phải khi gặp đèn đỏ
Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm:
- Đèn xanh: người tham gia giao thông được di chuyển
- Đèn đỏ: người tham gia giao thông phải dừng lại
- Đèn vàng: người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá thì được phép đi tiếp. Nếu đèn vàng nhấp nháy thì người lái xe được phép đi tiếp nhưng cần giảm tốc độ, chú ý quan sát xung quanh và nhường đường cho người đi bộ.
Như vậy, theo quy định thì người tham gia giao thông không được phép di chuyển khi đèn báo hiệu chuyển sang màu đỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, người điều khiển phương tiện có thể vẫn được đi thẳng, rẽ phải hoặc rẽ trái, cụ thể:
- Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Bên cạnh đó, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT cũng nêu rõ khi một khu vực có nhiều hình thức báo hiệu khác nhau, người lái xe phải ưu tiên chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Như vậy, nếu gặp đèn đỏ nhưng có hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông cho phép rẽ phải thì người điều khiển phương tiện hoàn toàn có thể di chuyển mà không bị xử phạt.

Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, nền màu xanh và chữ viết màu trắng, thường được gắn phía dưới cột đèn tín hiệu. Trên biển có ghi nội dung “Đèn đỏ các phương tiện được rẽ phải”, có thể kèm theo dòng chữ “Chú ý nhường đường cho người đi bộ”.
Nếu gặp biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ thì người điều khiển phương tiện hoàn toàn có thể rẽ phải, tuy nhiên cần lưu ý bật đèn xi nhan và quan sát xung quanh, nhường cho người đi bộ qua đường.
- Có đèn báo hiệu hình mũi tên chuyển màu xanh, cho phép rẽ phải được lắp đặt kèm theo đèn tín hiệu giao thông
Đèn tín hiệu phụ được lắp ngay cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường. Đèn phụ có hình mũi tên xanh (đỏ).
Khi đèn tín hiệu mũi tên chuyển xanh, người điều khiển phương tiện sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng vẫn phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi.

- Có vạch mắt võng
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch mắt võng là vạch kẻ được đan xen với nhau, có màu vàng, xuất hiện ở làn đường trong cùng. Người điều khiển phương tiện giao thông sẽ không được dừng trong phần mặt đường có vạch mắt võng để tránh ùn tắc giao thông.
Nếu trên vạch mắt võng có mũi tên rẽ phải thì người tham gia giao thông bắt buộc phải tuân thủ, không được đi thẳng, rẽ trái hay dừng, đỗ.

- Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông
Nếu gặp tiểu đảo phân luồng, người tham gia giao thông luôn được phép rẽ phải, kể cả khi đèn tín hiệu giao thông đang ở màu đỏ.
Như vậy, trong một số trường hợp, người tham gia giao thông vẫn được phép rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Tuy nhiên, người lái xe cần lưu ý bật xi nhan khi rẽ và nhường đường cho người đi bộ.
Ngoài ra cần đi sát vào làn đường phải, quan sát kỹ xung quanh để đảm bảo an toàn giao thông.
1.2. Những trường hợp không được rẽ phải khi gặp đèn đỏ
Ngoài các trường hợp kể trên, người tham gia giao thông không được phép điều khiển phương tiện tiếp tục di chuyển hoặc rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, trong quá trình tham gia giao thông, người lái xe cần quan sát kỹ các tín hiệu giao thông trên đường để di chuyển đúng luật, hạn chế những vi phạm không đáng có.

2. Mức phạt vi phạm lỗi rẽ phải khi đèn đỏ
Mức phạt nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và tương tự xe gắn máy vi phạm lỗi rẽ phải khi đèn đỏ được quy định tại điểm e khoản 4, điểm b, c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; điểm g khoản 24 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng;
- Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Rẽ phải khi đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
3. Giải đáp các câu hỏi liên quan về quy định đèn tín hiệu giao thông
Bên cạnh các thắc mắc đèn đỏ xe máy có được rẽ phải không và quy định về việc rẽ phải khi gặp đèn đỏ, người tham gia giao thông cần nắm được một số quy định, chú ý khác về đèn tín hiệu giao thông để đảm bảo an toàn khi đi trên đường.
3.1. Đèn đỏ có được phép quay đầu xe không?
Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải đi vào lề đường bên phải, chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Quy chuẩn báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng nếu đèn tín hiệu báo màu đỏ. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Như vậy, khi đèn tín hiệu báo đỏ thì các phương tiện không được quay đầu xe. Nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng theo quy định tại khoản 4, khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 34, khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

3.2. Vượt đèn vàng có bị xử phạt không?
Theo khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, nếu gặp tín hiệu đèn vàng, người lái xe phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch thì được đi tiếp.
Nếu không tuân thủ, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng, được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

3.3. Dừng xe khi đèn xanh có vi phạm luật giao thông?
Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định khi đèn tín hiệu màu xanh thì người điều khiển phương tiện được phép đi (không mang tính chất bắt buộc là người lái xe máy phải đi). Như vậy, nếu người lái xe dừng lại khi đèn xanh không bị coi là vi phạm trong việc chấp hành hiệu lệnh tín đèn tín hiệu giao thông.
Tuy nhiên, việc dừng đỗ này có thể gây cản trở đến các phương tiện khác cùng lưu thông. Như vậy, người lái xe có thể vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (về việc dừng xe, đỗ xe theo Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008). Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người lái xe sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng nếu dừng đỗ xe ở lòng đường đô thị khi đèn xanh và gây cản trở giao thông.
3.4. Đèn xanh báo rẽ trái thì có được đi thẳng không?
Theo quy định về đèn tín hiệu giao thông thì người điều khiển phương tiện không được phép đi thẳng nếu đèn xanh báo rẽ trái. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người tham gia giao thông vẫn được phép đi thẳng:
- Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
- Biển báo phụ cho phép đi thẳng khi đèn đỏ: Tại một số đường giao nhau không thành hình tạo ngã ba giao lộ; nếu hướng đối diện các phương tiện không lưu thông thì biển phụ “Đèn đỏ được đi thẳng” sẽ được lắp đặt. Điều này giúp giao thông được thông suốt, tránh tình trạng ùn tắc.
Giải đáp những thắc mắc về vấn đề đèn đỏ có được rẽ phải không giúp người điều khiển xe máy nắm được một số quy định về đèn tín hiệu giao thông, tránh vi phạm pháp luật và những va chạm không đáng có. Bên cạnh tuân thủ đèn tín hiệu, người tham gia giao thông cũng cần tập trung lái xe, quan sát xung quanh để đảm bảo an toàn cho mình và các phương tiện khác.
Bên cạnh xe máy truyền thống, người dùng có thể tham khảo những phương tiện sạch, thân thiện với môi trường. Xe máy điện VinFast được trang bị nhiều tính năng công nghệ hiện đại hỗ trường người dùng lái xe an toàn và thuận tiện. Đặt xe điện VinFast thế hệ mới ngay hôm nay để có cơ hội sở hữu mẫu phương tiện dẫn đầu xu hướng và nhận loạt ưu đãi hấp dẫn từ VinFast.
Để có thêm thông tin hoặc cần hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn: 1900 23 23 89.
- Email chăm sóc khách hàng: [email protected]
*Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo
>>> Tìm hiểu thêm:

Xe máy điện VinFast Chuyên viên truyền thông