Khi nào cần thay dầu phanh ô tô và 5 bước thay mới đơn giản
Theo thống kê, cứ 16.000 – 25.000 km xe chạy, người lái sẽ đạp phanh hơn 75.000 lần. Con số này cho thấy tần suất sử dụng thường xuyên của phanh và tầm quan trọng của bộ phận này trong quá trình lái xe. Vì vậy, để đảm bảo hệ thống phanh hoạt động hiệu quả, việc kiểm tra và bảo dưỡng phanh ô tô, đặc biệt là thay dầu phanh ô tô là điều cần thiết.
Dầu phanh ô tô là gì?
Dầu phanh ô tô là chất lỏng được pha chế từ dầu gốc tinh chế cao cấp và chất phụ gia đa năng. Dầu có nhiệm vụ hỗ trợ truyền lực từ chân phanh đến các bộ phận của hệ thống phanh. Ngoài ra, dầu phanh còn có tác dụng bôi trơn, giảm ma sát và chống ăn mòn, giúp ô tô vận hành trơn tru.
Hiện nay, hầu hết các loại dầu phanh được sản xuất theo tiêu chuẩn DOT. Đây là tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải (Department of Transportation) và Hiệp hội kỹ sư ô tô (SAE-Society of Automotive Engineers) ban hành. Tiêu chuẩn DOT được xác định dựa trên thông số nhiệt độ sôi thấp nhất và khả năng duy trì hiệu suất của dầu phanh. Dầu phanh ô tô DOT là một hỗn hợp gồm nhiều thành phần bao gồm:
- Chất ức chế chống oxy hóa và ăn mòn.
- Modifier – Coupler kiểm soát độ phồng của các bộ phận cao su không được che chắn.
- Dung dịch hòa tan (Glycol) chiếm 50 – 80% hỗn hợp dầu phanh có nhiệm vụ quyết định độ nhớt và nhiệt độ sôi.
- Chất bôi trơn (Polypropylene hoặc Polythene) giúp các bộ phận hoạt động trơn tru.
Có 4 loại dầu phanh ô tô theo tiêu chuẩn DOT là DOT 3, DOT 4, DOT 5 và DOT 5.1. Trong đó, DOT 3 và DOT 4 là hai loại thông dụng nhất. Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp người dùng có cái nhìn tổng quan về hai loại dầu phanh này.
Hiện nay, dầu phanh DOT 3 được đánh giá cao với khả năng trộn chung với những loại dầu phanh cùng có thành phần Glycol khác. Còn dầu phanh DOT 4 có nhiệt độ sôi cao, đáp ứng được hoạt động của phanh trong điều kiện khắc nghiệt. Người dùng lựa chọn dầu phanh DOT 3 hoặc DOT 4 tùy vào mục đích sử dụng, đặc điểm hệ thống phanh xe.
Khi nào cần thay mới dầu phanh ô tô?
Việc thay mới không chỉ đảm bảo hiệu quả hỗ trợ của dầu phanh mà còn nâng cao tuổi thọ các chi tiết trong hệ thống phanh xe.
Tại sao phải thay dầu phanh mới?
Mặc dù phanh là hệ thống khép kín nhưng hơi nước vẫn có thể lọt qua các lỗ siêu nhỏ trên ống cao su và vòng đệm. Trong khi đó, dầu phanh ô tô dễ sôi do khả năng hút ẩm cao, khiến áp suất phanh giảm, hiệu quả phanh kém. Bên cạnh đó, khí hậu Việt Nam có độ ẩm cao, các chi tiết trong hệ thống phanh còn dễ bị gỉ sét khi dầu phanh “ngậm” nước khi xe di chuyển trong thời tiết mưa, lụt. Ngoài ra, tình trạng thiếu dầu phanh hoặc dầu biến chất là nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng của hệ thống phanh như phát ra tiếng động lạ, bàn đạp thấp, cảm giác phanh nặng nề và đỉnh điểm nhất là hiện tượng xe mất phanh…
Theo các chuyên gia ô tô, dầu phanh chứa chất ức chế ăn mòn và chất chống oxy hóa. Theo thời gian, kết cấu của các chất này bị phá vỡ, dẫn đến ăn mòn kim loại và tích tụ cặn bẩn làm gián đoạn dòng chảy của dầu phanh.
Thời điểm ô tô cần thay dầu phanh mới
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, dầu phanh cần thay mới sau 3 năm hoặc sau 30.000 – 40.000 km. Nếu xe thường xuyên di chuyển trong điều kiện bụi bẩn, độ ẩm cao hoặc sử dụng phanh liên tục, chủ xe có thể thay dầu phanh sớm hơn.
Để biết chính xác thời điểm cần thay dầu phanh, chủ xe có thể kiểm tra số lượng và chất lượng dầu thực tế trong bình chứa qua cảm biến dầu phanh trang bị sẵn trên xe hoặc kiểm tra thủ công. Với trường hợp kiểm tra thủ công, chỉ nên quan sát từ bên ngoài, không mở nắp bình để tránh không khí, hơi ẩm lọt vào trong.
Màu sắc sẽ phản ánh chất lượng dầu. Dầu phanh đạt chuẩn có màu nhạt hoặc không màu, nếu chuyển sang màu nâu chứng tỏ dầu đã biến chất nặng, cần thay thế để bảo vệ hệ thống phanh.
Dầu phanh biến chất sẽ khiến phanh kém hoặc không ăn. Lái xe, cần nhanh chóng đưa xe đến các gara ô tô uy tín để kiểm tra và bảo dưỡng để tránh xảy ra những sự cố bất ngờ.
>>> Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu và cách xử lý an toàn khi xe ô tô bị mất phanh
Các bước thay dầu phanh ô tô
Khi kiểm tra, nếu thấy dầu ở mức thấp nhưng màu sáng, chủ xe chỉ cần đổ thêm dầu vào bình chứa. Dầu phanh cần thay mới khi thấy xuất hiện cặn bẩn hoặc chuyển màu nâu đậm.
Dụng cụ hỗ trợ thay dầu phanh gồm: bộ hút chân không, bộ dụng cụ sửa xe, kích ô tô, khăn lau, chai xịt vệ sinh phanh, mỡ bôi trơn bu lông, ốc.
Dưới đây là các bước thay dầu phanh ô tô chi tiết nhất:
- Bước 1: Tháo bánh xe, vệ sinh phanh ô tô bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Bước 2: Tìm vị trí đầu ống dẫn dầu, tháo các núm cao su bọc bên ngoài ống. Tiến hành đặt một ống nhựa vào bình chứa và mở van xả để dầu cũ chảy ra. Phương pháp này giảm thiểu tình trạng không khí bị hút ngược vào xi lanh phanh.
- Bước 3: Chèn miếng gỗ để chân phanh không bị bật xa khi áp suất dầu được giải phóng.
- Bước 4: Mở nắp bình chứa dầu phanh, sử dụng ống hút để hút hết lượng dầu cũ ra, đổ dầu mới và đóng chặt nắp bình lại.
- Bước 5: Giữ phanh bằng lực ổn định, siết bu lông van xả rồi nới ¼ vòng để xả hết dầu cũ ra. Sau đó, siết chặt lại bu lông, tháo ống nhựa và lắp các núm bọc cao su như ban đầu.
Sau khi hoàn tất các bước thay dầu, chủ xe khởi động máy, nhấn, nhả chân phanh để kiểm tra tính ổn định của hệ thống phanh.
Là “huyết mạch” của hệ thống phanh thủy lực, dầu phanh cần được bảo dưỡng và thay thế định kỳ để hạn chế tình trạng phanh xuống cấp, ngăn chặn các rủi ro khi vận hành.
Để phát huy tối đa hiệu quả truyền lực, chủ xe nên lựa chọn loại dầu phanh không bị nén, có thể bôi trơn bộ kẹp phanh giúp giảm ăn mòn và nhiệt độ sôi cao. Nên dùng dầu phanh chuyên dụng dành riêng cho từng dòng xe theo khuyến nghị của nhà sản xuất. Điều này không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả của dầu phanh ô tô mà còn đảm bảo tuổi thọ của hệ thống phanh xe.
Khách hàng tham khảo thông tin, đăng ký lái thử và đặt mua các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.