Cứ 1 trong 5 trường hợp tử vong trên toàn cầu chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm khí đốt
- Khí thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như khói xăng dầu đang gây ra gần 1/5 tổng số người chết trên toàn thế giới.
- Một nghiên cứu mới đây cho biết, lượng người tử vong đang cao gấp đôi so với dự đoán trước đó.
- Mặc dù chủ trương “không khí sạch” của Trung Quốc đã cứu 1,5 triệu người, nước này vẫn có số lượng người tử vong cao nhất do ô nhiễm không khí.
- Các nhà nghiên cứu kêu gọi tạo ra các chính sách chuyển sang năng lượng sạch.
Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chiếm gần 1/5 trong tổng số người tử vong năm 2018, theo một nghiên cứu mới công bố. Điều này đã thúc đẩy các chính phủ và doanh nghiệp chuyển sang năng lượng sạch.
Nhiên liệu hóa thạch là nguồn năng lượng không thể thay thế như than đá, dầu mỏ và khí đốt. Chúng mất hàng trăm triệu năm để hình thành trên trái đất, và được con người khai thác trong các hoạt động như giao thông, vận hành hoạt động sản xuất công nghiệp khá lâu. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch thải ra hàng tấn CO2, NO2, SO2, tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường.
Hơn tám triệu người đã chết do hít phải hạt bụi từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch vào năm 2018, theo một nghiên cứu từ bốn trường Đại học Harvard, Đại học Birmingham, Đại học Leicester và Đại học College London.
Họ phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch chiếm 18% trong tổng số ca tử vong năm 2018, gần gấp đôi mức ước tính trước đó. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa con số tử vong toàn cầu do ô nhiễm không khí ở mức 4,2 triệu người.
Chúng ta đã biết rằng cứ 10 người sống ở khu vực ô nhiễm không khí vượt mức an toàn WHO quy định thì 9 người bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy làm thế nào các nhà nghiên cứu ước tính được con số về cái chết liên quan đến nhiên liệu hóa thạch?
Nghiên cứu đã thực hiện theo một cách tiếp cận mới, sử dụng công cụ mô hình hóa khí quyển 3D lớn nhất trên toàn thế giới để xác định nồng độ ô nhiễm hạt mịn (PM2.5) và kết hợp dữ liệu đó với các phép đo chính xác hơn về tác động của nó.
Ước tính tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí
Các khu vực có mức ô nhiễm không khí càng cao có tỷ lệ tử vong khá cao, nhưng theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường cho thấy, các ca tử vong do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí lại chưa được đánh giá đúng.
Mặc dù tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc đã giảm xuống còn một nửa trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2018, nhưng số người chết do do ô nhiễm của nước này vẫn ở mức cao nhất (3,9 triệu), tiếp theo là Ấn Độ (2,5 triệu). Nghiên cứu cho thấy rằng nếu không có các biện pháp kịp thời làm sạch không khí, số người chết ở Trung Quốc sẽ còn cao hơn.
Tỷ lệ tử vong do ảnh hưởng từ bụi mịn tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á tăng cao hơn trước đây. Điều này xảy ra không chỉ ở những người tiếp xúc lâu với khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, mà ngay cả người tiếp xúc ít.
Chuyển sang năng lượng sạch
Giáo sư Eloise Marais của Đại học College, London, một trong những tác giả của báo cáo cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây nhiều tác hại cho sức khỏe toàn cầu."
"Thế giới không thể mãi dựa vào nhiên liệu hóa thạch khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe mà chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn các nguồn nhiên liệu thay thế, an toàn và sạch sẽ hơn," cô nói thêm.
Giáo sư Harvard Joel Schwartz, một tác giả khác của báo cáo, nói rằng thường khi thảo luận về tác hại của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chúng ta chỉ tập trung vào khí thải CO2 thải ra ngoài không khí và biến đổi khí hậu, mà bỏ qua tác hại đến sức khỏe từ các chất ô nhiễm phát ra cùng với khí nhà kính.
"Thông qua việc chứng minh sự ảnh hưởng của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tới sức khỏe, chúng tôi mong các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế”.
Kết quả khảo sát trích trong trong báo cáo Những rủi ro của thế giới 2021 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện với các nhà lãnh đạo toàn cầu cho thấy, thiệt hại môi trường gây ra bởi ô nhiễm không khí là một trong 10 hiểm họa nguy hiểm mà thế giới đang phải đối mặt. Đến năm 2021, rủi ro này có khả năng xếp thứ ba.
Theo World Economic Forum