Cân chỉnh thước lái là gì? Vì sao cần cân chỉnh thước lái thường xuyên?

Trên thực tế, cân chỉnh thước lái là việc thường xuyên phải làm mà nhiều người không để ý tới. Một chiếc xe được cân thước lái chuẩn sẽ đảm bảo tối đa sự an toàn và ổn định trong vận hành.

1. Cân chỉnh thước lái là gì?

Cân chỉnh thước lái hay còn gọi là cân chỉnh góc đặt bánh xe, là một kỹ thuật cơ khí được thực hiện nhằm điều chỉnh lại góc đặt của bánh trước (bánh dẫn hướng) nhờ tác động trực tiếp vào hệ thống treo xe, giúp kéo dài tuổi thọ lốp và đảm bảo độ chính xác khi đánh lái vô lăng.

cân chỉnh thước lái như thế nào
Cân chỉnh thước lái giúp kéo dài tuổi thọ lốp xe (Nguồn: Sưu tầm)

2. Vì sao cần cân chỉnh thước lái ô tô?

Bánh xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và đóng vai trò quan trọng đối với khả năng vận hành của xe hơi. Bên cạnh đó, nó còn phải nâng đỡ toàn bộ trọng lượng xe. Vì vậy, trong điều kiện vận hành thực tế có rất nhiều nguyên nhân có thể tác động đến góc đặt bánh xe, khiến nó bị sai lệch đi so với thiết lập ban đầu:

 - Xe thường xuyên phải di chuyển trên địa hình xấu, nhiều sỏi đá…

 - Điều khiển xe leo vỉa hè theo góc chéo, xe bị đâm đụng hoặc thường xuyên chở quá mức tải trọng khuyến nghị...

 - Sai lệch do các bộ phận của hệ thống treo bị mòn hoặc hư hỏng.

Điều đáng lo ngại khi xe đang ở trong tình trạng lệch thước lái là nguy hiểm sẽ không tới tức thì. Lệch góc lái khiến cho các lốp mòn không đều, âm thầm kéo theo một loạt nguy cơ khác. Các bánh xe không lăn trên cùng 1 đường thẳng làm tăng lực cản, vừa gây tốn nhiên liệu vừa khiến các bánh xe nhanh mòn hơn, thậm chí là mòn không đều. 

Trong ngắn hạn, tình trạng này sẽ khiến chủ nhân chiếc xe tốn nhiều chi phí vì thường xuyên phải thay lốp. Xa hơn, bánh xe bị lệch trục, rung lắc kéo dài sẽ làm ảnh hưởng và hao mòn bộ phận liên quan. Lúc này chất lượng lái của xe không những đi xuống mà còn kèm theo nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Do đó, chủ xe cần lưu ý việc cân chỉnh thước lái để đảm bảo quá trình vận hành an toàn và ổn định.

>>> Tham khảo thêm: Cách cân chỉnh thước lái ô tô hiệu quả giúp tăng tuổi thọ lốp xe

Cân chỉnh thước lái thường xuyên để đảm xe vận hành ổn định
Cần cân thước lái thường xuyên để đảm bảo xe vận hành an toàn và ổn định

3. Khi nào cần cân chỉnh thước lái?

Các nhà sản xuất xe khuyến cáo khách hàng nên thực hiện cân chỉnh thước lái ô tô định kỳ 6 tháng hoặc sau mỗi 15.000 – 20.000km. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng của xe cùng điều kiện sử dụng, chủ xe có thể cân thước lái sớm hơn so với mức khuyến cáo. 

Ngoài ra, chủ xe cần đưa xe đi kiểm tra và cân chỉnh thước lái khi phát hiện một số dấu hiệu bất thường sau:

  • Mặt lốp mòn không đều
  • Vô lăng đánh lái không chuẩn và thường xuyên bị lệch khi đi đường thẳng
  • Vô lăng rung lắc và trả lái chậm
  • Xe bị sụp ổ gà, ổ voi hoặc va vào lề đường cao
  • Góc camber, góc toe và góc caster bị lệch

>>> Tìm hiểu thêm: Cách đo độ chụm bánh xe đúng kỹ thuật ngay tại nhà

Khi nào cần cân chỉnh thước lái ô tô
Khi nào cần cân chỉnh thước lái là câu hỏi của không ít chủ xe (Nguồn: Sưu tầm)

4. Cách cân chỉnh thước lái ô tô

Cân chỉnh thước lái ô tô cụ thể là điều chỉnh 3 thông số sau: góc camber, góc toe, góc caster về với thiết lập ban đầu của xe.

4.1. Cân chỉnh góc camber

Góc camber được tạo bởi đường thẳng vuông góc với mặt đường và đường thẳng đi qua tâm bánh xe. Khi nhìn từ phía trước xe góc camber chính là góc nghiêng của bánh xe.

Do đó, khi góc camber lệch đồng nghĩa với việc bánh xe đang bị nghiêng.

  • Góc camber dương (+): bánh xe ngả ra ngoài, khiến viền ngoài lốp xe bị mòn.
  • Góc camber âm (-): bánh xe úp vào trong, khiến viền trong của lốp xe bị mòn.

Cần cân chỉnh độ lệch góc camber về bằng 0, để bánh xe trở về vị trí thẳng đứng nhằm hạn chế việc lốp xe mòn không đều, giảm tải trọng cho xe, giúp xe vận hành an toàn.

cân chỉnh góc camber
Minh họa góc camber dương, góc camber âm (Nguồn: Sưu tầm)

 

4.2. Cân chỉnh độ chụm bánh xe (góc toe)

Góc toe được tạo bởi hướng của 2 bánh xe (độ chụm) khi nhìn từ trên cao xuống. Góc toe chuẩn có độ lớn bằng 0, đồng nghĩa với việc hai bánh xe song song nhau.

Vì vậy, khi 2 bánh xe chụm hướng vào trong (tạo thành góc toe-in) hay khi 2 bánh xe chụm hướng ra ngoài (tạo thành góc toe-out) chủ xe cần cân chỉnh sao cho góc toe về bằng 0. 

Đây là góc quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến độ mòn của lốp, cân chỉnh góc toe sẽ giúp xe vận hành ổn định hơn. 

cân chỉnh góc toe
Minh họa góc toe chuẩn, góc toe-in, góc toe-out (Nguồn: Sưu tầm)

4.3. Cân chỉnh góc caster

Góc caster được tạo bởi trục bánh lái và phương thẳng đứng của bánh xe ô tô khi nhìn từ bên hông xe. 

  • Góc caster dương (+): trục lái hướng về phía sau
  • Góc caster âm (-): trục lái hướng về phía trước
cách cân chỉnh góc caster
Caption: Minh họa góc caster âm, góc caster chuẩn, góc caster dương (Nguồn: Sưu tầm)

 

Cân chỉnh góc caster giúp xe cân bằng hướng lái, vào cua nhanh chóng và chính xác. Mang đến cảm giác thoải mái, an toàn giúp người điều khiển tự tin hơn khi lái xe.

Cách cân chỉnh thước lái ô tô sẽ phụ thuộc vào tình trạng thực tế của từng xe và kỹ thuật chuyên môn. Do đó, chủ xe không nên tự cân chỉnh tại nhà mà nên mang xe đến các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm tra và xử lý.

16/06/2021
Chia sẻ bài viết này