Các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn ô tô của 3 tổ chức NHTSA, IIHS và Euro NCAP
Để đánh giá mức độ an toàn ô tô hiện nay, thông thường người mua sẽ tham khảo kết quả đánh giá từ ba tổ chức uy tín hàng đầu là NHTSA, IIHS và Euro NCAP. Các tổ chức này đưa ra những thử nghiệm an toàn với các dòng xe được sử dụng phổ biến, quy chuẩn xếp hạng an toàn ô tô tính bằng sao với 5 sao là mức an toàn cao nhất một chiếc xe có thể đạt được.
Tiêu chuẩn mức độ an toàn ô tô của Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA)
NHTSA là Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ, được thành lập vào năm 1970 và bảo lãnh bởi Chính phủ Mỹ. Tổ chức này được thành lập nhằm cải thiện tình trạng an toàn đường bộ của quốc gia này bằng các bài thử nghiệm trên ô tô để kiểm tra mức độ thiệt hại khi va chạm. Sau đó NHTSA sẽ đánh giá mức độ an toàn dựa trên phần trăm tổn thương của người ngồi trong xe sau khi xảy ra va chạm.
Các bài kiểm tra mức độ an toàn ô tô của NHTSA gồm: Thử nghiệm va chạm trực diện phía trước; thử nghiệm tác động va chạm bên hông và thử nghiệm lật xe.
Với thử nghiệm va chạm trực diện phía trước, NHTSA để xe di chuyển với tốc độ cố định 56 km/h cùng 2 hình nộm ngồi ở vị trí ghế lái và ghế phụ, được thắt dây an toàn. Sau đó, xe đâm thẳng vào một hàng rào chắc chắn và từ tỷ lệ tổn thương hai hình nộm sẽ quyết định kết quả thử nghiệm thứ nhất.
Thử nghiệm thứ hai - va chạm bên hông. Vẫn là hai hình nộm nhưng thay đổi vị trí khi một hình nộm ở ghế lái và một ở ghế hành khách phía sau, được thắt dây an toàn đầy đủ. Chiếc xe sau đó sẽ bị đâm từ bên hông, phía ghế lái bởi một rào cản nặng 1.368 kg có tốc độ 62 km/h. Kết quả thử nghiệm là lực tác động và tổn thương lên đầu, cổ, ngực và xương chậu của 2 hình nộm.
Thử nghiệm cuối cùng của NHTSA là thử nghiệm lật xe. Xe được mô phỏng 5 hành khách bên trong và bình nhiên liệu đầy, di chuyển trên điều kiện địa hình phức tạp, thay đổi liên tục. Các dụng cụ đo đạc chuyên dụng sẽ đo các thông số của lốp và nếu 2 lốp cùng một phía nâng lên ít nhất 5,1 cm so với mặt đường, xe được đánh giá là có nguy cơ lật.
Tiêu chuẩn an toàn trên ô tô theo Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS)
IIHS viết tắt của Insurance Institute for Highway Safety, được thành lập bởi 3 hiệp hội bảo hiểm lớn tại Mỹ vào năm 1959. Đây là một trong những cơ quan có chương trình đánh giá an toàn xe ô tô uy tín nhất hiện nay với danh sách xếp hạng “Top Safety Pick+” bao gồm những chiếc xe xuất sắc vượt qua toàn bộ các bài kiểm tra đạt số điểm ấn tượng.
Tiêu chuẩn an toàn trên ô tô của IIHS được đánh giá qua 5 thử nghiệm: thử nghiệm va chạm trực diện phía trước; thử nghiệm va chạm phần hông xe; thử nghiệm va chạm phía sau; thử nghiệm va chạm cản xe và thử nghiệm đánh giá tác động trần xe.
Đầu tiên là thử nghiệm va chạm trực diện phía trước khá tương đồng với thử nghiệm của NHTSA. Tuy nhiên sau khi để xe đâm thẳng vào vật cản, IIHS không chỉ tập trung vào chấn thương của người ngồi trên xe mà còn xem xét đến cấu trúc và hiệu quả của các thiết bị an toàn của xe hoạt động như thế nào.
Thử nghiệm thứ hai là va chạm phần hông xe cũng khá tương đồng với NHTSA. Tuy nhiên khác biệt là hình nộm tham gia vào bài kiểm tra của IIHS sẽ đại diện cho phụ nữ và trẻ em, còn rào cản thì nặng đến 1.497 kg và di chuyển với vận tốc cố định 50 km/h, thấp hơn NHTSA.
Thử nghiệm va chạm phía sau được IIHS tiến hành với hình nộm mô phỏng đàn ông cỡ người trung bình được đặt ở ghế lái nghiêng khoảng 25 độ. Xe sẽ bị đâm từ phía sau bởi một phương tiện khác có trọng lượng tương đương với vận tốc 32 km/h. Kết quả thử nghiệm là lực tác động và tổn thương đến đầu, cổ, xương sống và thân người của nạn nhân.
Tiếp theo là thử nghiệm va chạm cản xe. Xe sẽ di chuyển ở tốc độ 8 km/h đâm trực diện vào một vật cản phía trước và đồng thời bị đâm ở phía sau. Kết quả đánh giá tập trung vào mức độ thiệt hại của cản trước và cản sau dựa trên tiêu chí chi phí sửa chữa.
Cuối cùng thử nghiệm đánh giá tác động trần xe sẽ sử dụng một máy ép thủy lực, tác động lên trần xe với lực tương đương một cuộc va chạm hay lật xe. Để được xếp hạng cao nhất, trần xe cần chịu được lực ép bằng ít nhất gấp 4 lần trọng lượng xe khi không tải.
Tiêu chuẩn an toàn theo Chương trình đánh giá xe mới châu Âu (Euro NCAP)
Euro NCAP là tổ chức đánh giá an toàn ô tô được thành lập năm 1997 bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Giao thông của Bộ Giao thông Anh Quốc.
Các tiêu chí đánh giá của Euro NCAP tương tự bao gồm cả thử nghiệm va chạm trực diện phía trước giống với NHTSA và IIHS, chủ yếu đánh giá về mức độ chấn thương của hai hình nộm ngồi ghế trước.
Thử nghiệm thứ hai là va chạm bên hông. Euro NCAP sử dụng vật cản dài 500mm và rộng 1.500m di chuyển với vận tốc 50 km/h đâm thẳng vào hông xe. Kết quả thử nghiệm sẽ đánh giá lực tác động đến hình nộm ngồi ở ghế lái và ghế hành khách đồng thời cũng đo lường mức độ thâm nhập của vật cản vào xe.
Tiếp theo là thử nghiệm tác động đến người đi bộ - đây là loại thử nghiệm khá mới mẻ được Euro NCAP đưa vào đánh giá, không chỉ chú trọng đến an toàn của người ngồi trong xe mà còn cả những người tham gia giao thông khác. Xe sẽ di chuyển ở vận tốc 40 km/h và va chạm với một hình nhân. Kết quả thử nghiệm sẽ là chấn thương lên phần đầu, phần chân trên và phần chân dưới mà chiếc xe đã gây ra.
Cuối cùng là thử nghiệm của Euro NCAP về công nghệ và trang bị an toàn trên xe. Tiêu chí đánh giá là hiệu quả của trang bị an toàn như móc khóa ghế trẻ em và chốt an toàn trong trường hợp va chạm phía sau. Ngoài ra còn đánh giá hệ thống cân bằng điện tử, cảnh báo cài dây an toàn, phanh tự động khẩn cấp, hệ thống an toàn… hoạt động như thế nào khi xe va chạm.
Trên đây là ba tổ chức đánh giá mức độ an toàn ô tô hàng đầu hiện nay. Chủ xe nên tham khảo kết quả đánh giá từ các cơ quan này để lựa chọn được dòng xe phù hợp và an toàn.
Tham khảo thông tin chi tiết và đăng ký lái thử các dòng xe ô tô đạt tiêu chuẩn an toàn tối ưu của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.