10 nguyên nhân khiến xe ô tô đi bị giật cục và cách xử lý
Hiện tượng xe ô tô đi bị giật cục cần được xác định nguyên nhân và xử lý ngay vì rất có thể một hoặc nhiều bộ phận của xe đang "kêu cứu". Nếu để lâu dài, các vấn đề này có thể ảnh hưởng tới khả năng vận hành, thậm chí tăng nguy cơ xảy ra tai nạn nguy hiểm cho người lái và hành khách.
Hiện tượng xe ô tô đi bị giật cục là gì?
Cấu tạo mỗi động cơ ô tô thường bao gồm nhiều xi lanh, mỗi xi lanh tương ứng với một máy và hoàn thành một chu trình làm việc gồm: nạp, nén, nổ và xả. Động cơ của xe hoạt động nhờ vào năng lượng được tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu ở các xi lanh.
Chỉ cần một vấn đề nhỏ trong quá trình hoạt động của máy hoặc xi lanh sẽ khiến quá trình đốt cháy nhiên liệu không thể diễn ra như bình thường và chu kỳ của động cơ bị lệch. Lúc này, động cơ ô tô có hiện tượng giật cục, rung lắc.
Người điều khiển xe có thể cảm nhận rõ xe ô tô bị giật khi tăng tốc hoặc chuyển số. Ngoài hiện tượng rung giật, xe còn kèm theo các triệu chứng khác như: đạp chân ga bị hụt hơi, động cơ có tiếng ồn, có mùi bất thường, khả năng tăng tốc kém...
Nguyên nhân và cách xử lý khi xe ô tô đi bị giật cục
Có nhiều nguyên nhân khiến xe ô tô đi bị giật cục trong quá trình di chuyển. Trong đó bao gồm:
Lọc gió bị bám bụi
Bộ lọc gió động cơ ô tô đóng vai trò điều tiết lượng không khí vào buồng đốt và không cho các vật lạ, chất ô nhiễm đi vào động cơ. Bộ phận này giúp bảo vệ động cơ xe khỏi các tác nhân bên ngoài để xe vận hành trơn tru nhất.
Bộ lọc bị bám bụi khiến lượng không khí vào buồng đốt không đủ. Lúc này, tỷ lệ không khí và nhiên liệu (còn được gọi là hòa khí) không đạt mức chuẩn làm giảm hiệu suất đốt cháy của động cơ khiến xe bị rung giật. Trường hợp bụi bẩn từ lọc gió bám vào động cơ còn có thể gây bám cặn, làm giảm hiệu suất hoặc làm hư hỏng động cơ.
Để xử lý tình trạng lọc gió bị bám bụi, người dùng có thể thay thế bộ lọc mới hoặc vệ sinh lọc gió nếu xe sử dụng loại tái sử dụng.
Bơm xăng hoặc lọc xăng bị bám cặn
Hệ thống bơm xăng và lọc xăng có nhiệm vụ hút xăng từ bình chứa tới vòi phun đảm bảo loại bỏ cặn, gỉ sắt để có nguồn nhiên liệu sạch cho ô tô hoạt động. Đây là hệ thống quan trọng đảm bảo cho động cơ hoạt động ổn định, bền bỉ.
Khi hệ thống bơm xăng ô tô hoặc bộ lọc nhiên liệu bị bám cặn gây tắc khiến nhiên liệu cung cấp vào động cơ không đều hoặc không đủ dẫn đến hiệu năng đốt cháy của xe thấp và xe bị giật cục. Ngoài ra, nếu cặn ở bơm xăng hoặc lọc xăng bám theo nhiên liệu vào động cơ còn có thể gây hại cho động cơ xe.
Để xử lý tình trạng này, người dùng xe nên kiểm tra hệ thống bơm xăng và bộ lọc nhiên liệu. Khi các bộ phận này gặp vấn đề, việc thay thế các bộ phận mới là cần thiết giúp xe hoạt động êm ái.
Bugi bị lỗi, hư hỏng
Bugi là là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ đánh tia lửa điện để đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu (xăng và không khí) đã được nạp vào buồng đốt giúp khởi động động cơ.
Khi bugi bị bụi bẩn, lỗi hoặc hư hỏng, chức năng đánh lửa hoạt động kém hiệu quả hoặc không thể đánh lửa. Lúc này, động cơ không thể khởi động được hoặc khởi động chậm kèm theo hiện tượng rung giật.
Khi thấy xe ô tô bị giật, khó khởi động, tài xế có thể tháo bugi để vệ sinh các điểm tiếp xúc, đặc biệt là jack cắm. Nếu sau khi đã vệ sinh và lắp lại bugi mà xe vẫn gặp các vấn đề khi khởi động, hãy kiểm tra chức năng hoạt động của bugi và thay mới nếu bị hỏng để đảm bảo xe khởi động tốt.
Kim phun nhiên liệu bám bẩn
Kim phun nhiên liệu đóng vai trò làm cầu nối cung cấp nhiên liệu cho động cơ ô tô. Sau một thời gian sử dụng, kim phun bị bám bẩn và xuất hiện những biểu hiện như: xe khởi động khó, động cơ bị rần, xe ô tô bị giật khi đạp ga, đỗ hoặc tăng tốc, phản ứng ga chậm, tốn xăng hơn bình thường…
Do đó, tài xế cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm trước khi kim phun nhiên liệu gặp vấn đề để có cách khắc phục hiệu quả. Thông thường, cách vệ sinh hệ thống phun xăng điện tử là sau khi xe chạy được quãng đường khoảng 15.000km, tài xế cần kiểm tra và bảo dưỡng kim phun nhiên liệu một lần.
Cảm biến đo khối lượng khí nạp (MAF) bị lỗi
Cảm biến đo khối lượng khí nạp (MAF) có nhiệm vụ đo lượng không khí đi vào động cơ và truyền dữ liệu tới hệ thống điều khiển ECU. Dựa vào đó, ECU sẽ điều chỉnh lượng nhiên liệu bơm vào buồng đốt phù hợp để tạo ra hỗn hợp khí và nhiên liệu chuẩn.
Khi cảm biến đo khối lượng khí nạp bị lỗi sẽ khiến tỷ lệ hòa khí không chuẩn xác làm cho hiệu suất buồng đốt giảm hoặc tăng bất thường dẫn tới xe khó tăng tốc, hay bị chết máy hoặc bị giật, lao về phía trước khi nhấn ga.
Để khắc phục tình trạng này, tài xế có thể dùng đồng hồ có điện trở để kiểm tra lần lượt tín hiệu nguồn và mass, thông mạch, tín hiệu của cảm biến và so sánh với thông số của nhà sản xuất. Sau khi phát hiện những sai lệch so với thông số nhà sản xuất, tài xế có thể lựa chọn cách xử lý như vệ sinh hoặc thay mới tùy vào tình trạng lỗi của MAF.
Cảm biến oxy bị bám muội
Cảm biến oxy là một phần quan trọng trong cảm biến trên ô tô, có nhiệm vụ đo lượng khí oxy còn dư trong khí thải động cơ và truyền tín hiệu về hệ thống điều khiển trung tâm ECU. Sau đó, ECU sẽ tính toán để điều chỉnh tỷ lệ hòa khí, đảm bảo hiệu suất đốt cháy tối ưu nhất.
Cảm biến oxy bị bám muội sẽ mất đi sự nhạy bén hoặc truyền thông tin sai lệch tới ECU. Điều này khiến ECU đưa ra điều chỉnh lượng nhiên liệu cần đưa vào buồng đốt thiếu chính xác, dẫn đến tình trạng tiêu hao nhiều nhiên liệu, kim phun hoạt động quá tải và xe di chuyển giật, rung lắc.
Khi cảm biến oxy bị bám muội, người dùng cần tiến hành vệ sinh hoặc thay mới. Thông thường, cảm biến oxy cần được thay thế sau khi xe vận hành được khoảng 80.000 - 100.000km.
Bộ chuyển đổi xúc tác bị tắc nghẽn
Bộ chuyển đổi xúc tác có nhiệm vụ kiểm soát khí thải và chuyển những khí độc, chất ô nhiễm trong khói thải thành những chất ít độc hơn bằng phản ứng oxy hóa khử.
Bộ chuyển đổi xúc tác bị tắc nghẽn có thể làm gián đoạn luồng không khí của hệ thống xả dẫn đến tình trạng giật cục và làm chậm khả năng phản hồi khi người lái đạp ga. Ngoài hiện tượng bị giật cục, xe còn xuất hiện các dấu hiệu khác như: khí xả có mùi hôi khó chịu, mức tiêu hao nhiên liệu tăng và đèn kiểm tra động cơ Check Engine bật sáng.
Người dùng có thể loại bỏ vấn đề tắc nghẽn bộ chuyển đổi xúc tác bằng cách sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng. Nếu việc vệ sinh không mang lại hiệu quả, người dùng cần mang xe đến các cơ sở sửa chữa để khắc phục, có thể là thay thế bộ chuyển đổi xúc tác mới.
Nắp bộ chia điện bị ẩm
Nắp bộ chia điện là chi tiết có các đầu nối với dây cao áp đến các xi lanh. Khi con quay vòng tròn, nắp bộ chia điện sẽ chia nguồn điện cao áp cho các xi lanh theo một thứ tự nhất định.
Trường hợp nắp bộ chia điện bị ẩm sẽ khiến việc chia nguồn điện không đảm bảo đúng và đủ đến các xi lanh làm xe bị giật cục khi di chuyển. Điều này thường xảy ra khi xe đậu ở môi trường ẩm ướt quá lâu.
Người dùng có thể khắc phục tình trạng này bằng cách đậu xe ở các khu vực khô ráo, tránh ẩm ướt đồng thời vệ sinh bộ chia điện và thay thế bộ phận bị hư hại.
Dây ga bị mòn
Dây ga (cáp ga) hoạt động như một liên kết cơ học giữa bàn đạp và bướm ga. Theo thời gian, dây ga có thể bị mòn làm cho xe phản ứng chậm hơn khi người lái nhấn ga và khiến xe chao đảo, giật cục thay vì tăng tốc trơn tru như bình thường.
Dây ga bị mòn có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường, nếu để lâu không khắc phục dây có thể bị đứt. Do đó, người lái cần thay thế dây ga khi phát hiện những vấn đề bất thường.
Mô-đun điều khiển hộp số kém
Mô-đun điều khiển hộp số có nhiệm vụ chuyển đổi số khi người dùng tăng tốc. Nếu mô-đun điều khiển hoạt động kém sẽ khiến việc sang số kém linh hoạt, độ trễ cao dẫn đến xe bị giật khi đạp số.
Lúc này, người sử dụng xe nên bảo dưỡng hoặc thay thế mô-đun điều khiển này để hạn chế lỗi trong quá trình di chuyển.
Xe ô tô đi bị giật cục có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, người lái xe cần chú ý quan sát, bảo dưỡng xe định kỳ và kịp thời thay thế những thiết bị hư hỏng để giúp ô tô luôn vận hành tốt.
Tham khảo thông tin và đặt mua các mẫu xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và VinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 232389 để được hướng dẫn chi tiết.